Khi bạn muốn đến một quốc gia khác có một thứ chắc chắn phải mang theo: Đó chính là hộ chiếu. Trên thực tế, hộ chiếu của Nhật Bản được mệnh danh là “quyền lực nhất thế giới.” Vì sao lại như vậy? Truyền thông Nhật đã tìm ra những ‘bí mật liên quan’.

Hộ chiếu Nhật Bản
Công dân Nhật Bản sở hữu tấm hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, có thể nhập cảnh 191 quốc gia và vùng lãnh thổ (Ảnh: Takashi Images/Shutterstock)

Vào ngày 07/01/2020, công ty “Henley & Partners” đã công bố chỉ số hộ chiếu toàn cầu, hộ chiếu Nhật Bản đứng đầu toàn cầu về khả năng sử dụng. Hộ chiếu này được “miễn thị thực”, hoặc làm “visa tại chỗ” khi tới thăm 191 quốc gia và khu vực, được coi là hộ chiếu “quyền lực nhất thế giới.” Hộ chiếu Nhật Bản bắt đầu từ năm 2018 đã liên tiếp giành được vị trí đứng đầu trong 2 năm. Nhưng người Nhật dường như “có phúc mà không biết hưởng”, chỉ có 23% người Nhật làm hộ chiếu.

“Miễn thị thực” là bằng chứng về mức độ tín nhiệm

Theo “Nikkei ”, tập đoàn truyền thông lớn nhất tại Nhật, thị thực là văn kiện chứng minh tư cách nhập cảnh của người nước ngoài. Đối với du khách mà nói, cũng là giấy phép nhập cảnh với mục đích du lịch. Visa chia thành rất nhiều loại: Visa ngắn hạn và visa dài hạn, visa công tác và visa công vụ…

Nếu tới một quốc gia cần xin thị thực, trước tiên cần tới đại sứ quán của nước này xin cấp phép, cần phải tiêu hao thời gian và công sức. Nếu có được một cuốn hộ chiếu Nhật Bản, khi tới rất nhiều quốc gia khác nhau, bạn sẽ không cần qua thẩm tra mà đã được phép nhập cảnh. Cũng có người Nhật nói, bởi lẽ hộ chiếu Nhật Bản được tín nhiệm, nên “khi nhập cảnh, so với các quốc gia khác, thủ tục thuận lợi hơn rất nhiều.”

Vì sao lại được miễn visa? Nếu thông qua việc miễn visa, thủ tục xuất nhập cảnh được đơn giản hóa, số lượng du khách sẽ theo đó mà tăng lên. Miễn thị thực cũng có thể thúc đẩy sự giao lưu giữa các nhân viên, mang tới những ảnh hưởng tích cực cho kinh tế của nước này. Miễn visa còn thể hiện rằng “chào đón khách tới thăm từ quý quốc”, ấn tượng để lại cho nước bạn sẽ ngày càng tốt hơn lên.

Mặc dù vậy, điều này cũng tồn tại khuyết điểm: Nếu hạ thấp bậc cửa kiểm duyệt, tội phạm sẽ dễ dàng xâm nhập, có thể ảnh hưởng tới tình hình trị an. Vậy nên khi một quốc gia phán đoán liệu có nên miễn visa cho một quốc gia khác hay không, họ sẽ điều tra tình hình tội phạm, tình hình xin tị nạn, thực lực kinh tế của nước này và mức độ giao hảo giữa hai nước.

Xét ngược lại, có thể nói Nhật Bản được các quốc gia khác đánh giá cao về những tiêu chuẩn này. Trước tiên, tỷ lệ tội phạm ít, trị an tốt. Ngoài ra, do thực lực kinh tế mạnh, tình hình bất mãn của nhân dân với xã hội không nghiêm trọng, do vậy khả năng xin tị nạn khá thấp. Không chỉ du lịch, những cơ hội lập nghiệp và đầu tư mang tới lợi ích kinh tế, cũng được mọi người đón nhận. Rất khó có thể tưởng tượng người Nhật sẽ nhập cảnh với mục đích khủng bố, gây xung đột, họ là những người nhập cảnh an toàn và được hoan nghênh.

Lịch sử và tình cảm quốc dân cũng có ảnh hưởng nhất định

Trên bảng xếp hạng, Singapore đứng thứ 2, vị trí thứ 3 là Hàn Quốc. Những nước đứng đầu đa phần đều là các quốc gia Âu Mỹ và Đông Á.

Dẫu được cho là cuốn hộ chiếu quốc gia có uy tín nhất thế giới, thì vẫn tồn tại trường hợp phải xin visa. Do xin visa cần phải đóng phí làm thủ tục, nên tại những quốc gia đang phát triển, đôi khi còn coi cấp visa như một nguồn thu nhập ngoại hối quý giá, cho nên người Nhật dẫu “quyền lực nhất”, nhưng tại rất nhiều quốc gia châu Phi vẫn phải xin visa.

Có thể miễn thị thực đơn phương

Mặc dù người Nhật được miễn visa tới thăm rất nhiều quốc gia, nhưng ngược lại Nhật Bản lại không hành xử như vậy. Đối với nhiều người nước ngoài tới thăm Nhật, Chính phủ Nhật Bản vẫn yêu cầu làm visa. Vậy nên, những quốc gia và khu vực được miễn visa nhập cảnh đến Nhật chỉ giới hạn trong số 68 quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Hàn Quốc… Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam đều cần xin cấp visa để vào Nhật. Về cơ bản việc miễn visa dựa trên “chủ nghĩa qua lại tương hỗ” giữa đôi bên. Nhưng nếu một bên hy vọng đạt được mục đích “tăng lượng du khách”, cũng có thể miễn thị thực đơn phương.

Ví như Nhật và Nga khi nhập cảnh vào lãnh thổ của nhau đều cần xin visa. Nhưng người Nhật khi tới Vladivostok, trung tâm hành chính của Primorsky Krai, Nga lại được phép sử dụng visa điện tử. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật cho biết: “Việc miễn thị thực toàn diện với Nga vẫn cần xem xét một thời gian dài.” Về một phương diện khác, Nga cũng yêu cầu những người nhập cảnh tới từ Mỹ và Liên minh châu Âu cũng phải xin visa.

Ngoài ra, từ tháng 6/2019, Brazil cũng sẽ miễn thị thực cho người Nhật. Trước đó Brazil không miễn visa cho những quốc gia mà người dân Brazil bị yêu cầu phải làm thủ tục xin visa khi vào nước của họ. Nhưng vào tháng 1, Jair Bolsonaro, vị Tổng thống đương nhiệm của Brazil đã thay đổi phương thức làm này.

Tỷ lệ người Nhật có hộ chiếu chỉ chiếm ¼ tổng dân số

Tỷ lệ người Nhật có hộ chiếu trong các quốc gia G7 là thấp nhất. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, số lưu học sinh của Nhật tại nước ngoài đang giảm so với thời kỳ đỉnh cao. Có quan điểm chỉ ra rằng, số người Nhật công tác trong các tổ chức quốc tế đã giảm khá thấp so với thực lực kinh tế và nhân khẩu của nước này. Trong thời đại quốc tế hóa ngày nay, người Nhật dường như đang có xu thế tăng cường nội lực.

Giải pháp miễn thị thực còn thể hiện mối quan hệ giao hảo của nước đối phương. Rất nhiều quốc gia và khu vực đều mong người Nhật tới du lịch hoặc kinh doanh. Dẫu tại những nước người Nhật phải xin visa, thì vẫn có những khu vực được nới lỏng hoặc đơn giản hóa thủ tục. Cũng có người chỉ cần nhìn thấy hộ chiếu Nhật Bản đã biểu thị sự hoan nghênh. Việc có được hộ chiếu “quyền lực nhất thế giới” là điều mơ ước của nhiều dân tộc, trong đó có người Việt Nam, không rõ liệu người Nhật có nhận ra được ‘hồng phúc’ của mình chăng?

Lê Minh