Những người nấu ăn nghiêm túc không chỉ là nấu thức ăn, mà còn là đang đem lại hơi ấm. Cuộc đời tươi đẹp vì được gặp gỡ nhau, bạn bè thâm tình bởi vì có sự thấu hiểu. Đặt tâm nấu một bữa ngon chính là vì một mối quan hệ tốt đẹp. Vì vậy, bất cứ ai nấu ăn nghiêm túc đều xứng đáng có được tình bạn sâu sắc. 

nấu ăn
Củi lửa đều đặn thì cơm mới chín ngon, người hiểu cách giữ chừng mực vừa phải, sẽ luôn giữ được sự tôn trọng, có giới hạn. Có được người bạn như vậy quả là có phúc. (Ảnh: Nishihama/ Shutterstock)

Người nấu ăn nghiêm túc là người biết nhẫn nại và bao dung

Người nấu ăn cũng giống như người thầy thuốc, khi nấu ăn cần xem xét sự phù hợp của từng nguyên liệu, độ vừa phải của nước và lửa. Cũng giống như việc hành nghề y cần hiểu dược lý, liều lượng vừa phải; việc nấu ăn cũng cần biết đặc điểm các các nguyên liệu nấu ăn, nhiệt lượng sao cho vừa, hơn nữa, muốn nấu ăn ngon thì phải học cách kiên nhẫn và điềm tĩnh. 

Hiển nhiên, muốn nấu món ăn ngon, mà không đủ kiên nhẫn thì không thể thành công. Bởi vì, chỉ trong một vài lần chúng ta không thể hiểu hết được làm sao kết hợp các nguyên liệu, làm sao nêm nếm vừa ăn, làm sao canh chỉnh nước và lửa. Đây là cả một quá trình rèn luyện.

Món ngon bắt đầu từ nguyên liệu, quan trọng ở mức độ và kết thúc bằng thái độ. Thái độ chính là tâm thái trong suốt quá trình nấu ăn, chúng ta dành bao nhiêu tâm sức, tình cảm để nấu bữa ăn này. Đó cũng chính là thái độ của chúng ta với những người xung quanh. Những người nấu ăn nghiêm túc không bao giờ không sống tạm bợ cho qua ngày đoạn tháng, mà luôn muốn nâng cao khả năng và chất lượng món ăn của mình, khiến những người thưởng thức cảm nhận được sự ấm áp, tình thương và hạnh phúc.

Người xưa có câu: “Thủy tĩnh thâm sâu”, nước chảy sâu sẽ không phát ra tiếng, những người có phẩm hạnh tốt đẹp cũng giống vậy, đây là thái độ của họ đối với cuộc sống. Vì vậy, họ đối xử với bạn bè cũng sẽ không gấp gáp, không nóng nảy, cương nhu có chừng mực. Làm bạn với một người như vậy giống như ủ rượu ngon, cần thời gian để cảm nhận. Một người bạn như vậy mới đáng để kết tâm giao.

Người nấu ăn nghiêm túc là người nắm vững được chừng mực

Cái gì cũng cần có chừng mực tiết chế, nấu ăn cũng như vậy. Nấu ăn quan trọng nhất là vừa phải. Khi nấu ăn, nếu không đủ nhiệt thì rất khó điều chỉnh độ chín thức ăn, nhưng nếu thừa nhiệt thì thức ăn rất dễ bị cháy. Những người nấu ăn nghiêm túc biết cách giữ chừng mực cho các mối quan hệ trong cuộc sống của mình một cách phù hợp.

Cũng giống như khi làm việc, nếu không đặt tâm làm thì việc tất không thể hoàn thành xong, củi lửa không đều thì cơm tất cũng sẽ không chín ngon. Nấu món ăn cũng vậy, quan trọng chọn nguyên liệu, sơ chế và kết hợp các yếu tố một cách vừa phải và hài hòa. Các nguyên liệu ngon nhất là khi đúng mùa của nó. Nước chấm có thể thêm hương vị đậm đà và màu sắc cho món ăn, quan trọng là người nấu phải nắm được tỷ lệ như thế nào. Nếu bạn biết cân đối, món ăn sẽ ngon. 

Quan hệ người với người cũng thế, khi bạn có thể dùng tâm để nấu ăn, bạn cũng sẽ hiểu cách giữ chừng mực vừa phải, dù thân thiết nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng, có giới hạn. Nếu có những người bạn như vậy quả là có phúc.

Người nấu ăn nghiêm túc sẽ chú ý đến tiểu tiết 

Người xưa thường nói: “Muốn là việc khó ở đời ắt phải bắt đầu từ làm việc dễ, việc lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ”. Mọi việc trong cuộc sống dù lớn đến mấy, cũng từ những việc nhỏ bé bình thường mà tích lũy nên. Nếu một người muốn đạt được thành tựu to lớn thì cần bắt đầu từ những việc nhỏ và những điều tiểu tiết như vậy. Những người nấu ăn nghiêm túc thường sẽ chú ý đến chi tiết. 

Tại Nhật Bản, cụ ông 90 tuổi Jiro Ono là đầu bếp sushi đầu tiên trên thế giới vinh dự được nhận chứng nhận cấp độ 3 sao của Michelin. Cụ cũng chính là chủ nhân của nhà hàng sushi hàng đầu thế giới Sukiyabashi Jiro ở Tokyo. Sản phẩm của cụ Jiro có thể nói đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa những gia vị hải sản được tuyển chọn kỹ càng cùng những nắm cơm ấm nóng tinh tế.

Tại đất nước này, cụ Jiro Ono, đầu bếp 3 sao lớn tuổi nhất thế giới, cực kỳ nổi tiếng với món sushi. Sự chú ý của cụ đến các chi tiết của sushi là vô cùng tỉ mỉ và tinh tế. Từ việc thu mua nguyên liệu, nhiệt độ ngâm giấm, độ dày của miếng cá ngừ phi lê đều được cụ thực hiện trước khi phục vụ thực khách. Cụ sẽ cẩn thận sắp xếp chỗ ngồi theo sở thích của khách hàng, đồng thời quan sát thói quen ăn uống của họ để điều chỉnh hương vị và cách trình bày sushi. Dần dần, cửa hàng của cụ trở thành là cửa hàng “đáng để chờ đợi cả đời”. 

Jiro Ono
Tổng thống Obama và cựu Thủ tướng Shinzo Abe nói chuyện với cụ Jiro Ono trong một bữa ăn tối ở Tokyo, ngày 23/4/2014. (Ảnh: Nhà Trắng, bởi Pete Souza/ Wikimedia common)

Cụ Jiro vô cùng khắt khe, để làm ra món ăn ngon, cần phải ăn những món ngon. Chất lượng của nguyên liệu rất quan trọng, nhưng người ta phải nâng cao khẩu vị để có khả năng phân biệt đồ ngon và dở thật sành sỏi. Nếu không có khẩu vị tốt, bạn không thể làm ra món ăn ngon. Dù bạn làm gì đi chăng nữa, bạn cũng cần có trách nhiệm, dành trọn trái tim để làm, hơn nữa, còn biết quan sát và chú ý tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ.

Mặc dù nấu ăn không được coi là một tài năng, nhưng những người nghiêm túc nấu ăn sẽ rất tinh tế. Mọi thứ được hoàn thiện từ những chi tiết nhỏ, nhưng có thể bị hủy hoại khi chúng ta sơ suất bất cẩn, dù nấu ăn hay đối nhân xử thế cũng như vậy. Thái độ của một người đối với nấu ăn sẽ phản ánh thái độ của người đó đối với cuộc sống. Những người nấu ăn nghiêm túc thường luôn cầu tiến, không ngừng hoàn thiện bản thân để trở nên tốt hơn.

Trong mắt họ, dù chỉ là những việc đơn giản như trộn một bát yến mạch hay rán một quả trứng thì đều đáng được coi trọng. Với sự lựa chọn gia vị cẩn thận, ngay cả một bát canh cũng sẽ đầy hương vị. Tiểu thuyết gia Nhật Bản Haruki Murakami đã nói: “Cuộc đời không có những hạnh phúc nho nhỏ thì chẳng khác gì sa mạc khô cằn”. 

Chỉ bằng cách sống một cuộc sống mơ mộng và thú vị, chúng ta mới có thể không sống một cuộc đời vô vị và lãng phí. Những khuôn mặt cười trên những quả trứng và những hạt vừng trong chén cơm đều là một màu sắc thú vị thêm vào cuộc sống bình thường của chúng ta. Những người chú ý đến các chi tiết trong cuộc sống có thể biến những năm tháng họ sống giống như một bài thơ. Họ điềm tĩnh, dịu dàng và tốt bụng, và là những người bạn xứng đáng kết giao.

Người nghiêm túc nấu ăn là người biết tận hưởng cuộc sống 

Có người nói: Cuộc đời giống như một chợ rau nhộn nhịp và nhà bếp cũng giống như một chiến trường. Vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống, cũng giống như chế biến một món ăn trải qua đủ loại mùi vị đắng cay ngọt bùi. Để cuối cùng mới nhận ra vẻ đẹp chân thực của món ăn và của cuộc sống. Trên đời nếu không có đắng cay thì có lẽ cũng không cảm nhận được thế nào là ngọt bùi, hạnh phúc, cũng càng không thể trân trọng những điều quý giá bình thường bên cạnh bản thân mình. Nếu một người vẫn hạnh phúc sau khi nhận ra điều này, thì có lẽ người ấy rất yêu cuộc sống, và dĩ nhiên cũng biết cách để sống trọn vẹn và ý nghĩa.

Người nấu ăn nghiêm túc không chỉ vì mục đích no bụng, mà còn thể hiện thái độ yêu đời, tận hưởng cuộc sống. Chỉ bằng cách tận hưởng cuộc sống, chúng ta mới có thể làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. 

“Tượng đài điện ảnh Hồng Kông” Châu Nhuận Phát, dù đã bảy mươi, cùng với khối tài sản ròng đồ sộ, nhưng ông vẫn nấu ăn cho bạn bè và gia đình. Cư dân mạng đều nói đùa rằng: “Nếu bạn muốn gặp ông ở Hồng Kông, bạn nên đi tàu điện ngầm nhiều hơn và đến chợ rau nhiều hơn”. Mặc dù chợ rau ồn ào nhưng bạn có thể nghe thấy sự náo nhiệt của cuộc sống; mặc dù tàu điện ngầm đông đúc, nhưng bạn có thể nhìn thấy được muôn màu muôn vẻ của cuộc đời. Trên đường phố, ông thường chụp ảnh với người hâm mộ mà không cần ăn mặc quá chỉnh chu chải chuốt. Ông luôn trò chuyện với mọi người với sự giản dị và chân thành.

Cảm nhận sự thăng trầm và ồn ào là niềm vui thực sự của cuộc sống. Nếu cuộc sống không còn những chuyện vụn vặt cơm áo gạo tiền thì có lẽ bạn sẽ không cảm thấy được sự chân thật và hạnh phúc bình dị. Một cuộc sống hạnh phúc kỳ thực là sự kiên trì làm những điều bình thường.

Bạn càng chân thực, bạn càng có thể tận hưởng trọn vẹn mọi thứ trong cuộc sống. Những người nấu ăn nghiêm túc có thể cảm nhận được hương thơm của đất từ ​​​​các nguyên liệu và cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của cuộc sống từ việc nấu ăn. Món ăn làm ra không chỉ nóng hổi, mà còn ấm áp yêu thương. Đối với họ, nấu ăn là một biểu hiện của tình yêu. 

Người nấu ăn có lẽ xuất phát từ tình cảm yêu thương và quan tâm đến người khác, nên có khổ cũng có thể chịu được, có mệt cũng không cần nói ra. Mọi người thường nói cơm nhà là ngon nhất, bởi lẽ người nấu là vì người khác, trong bếp nguyện nuốt khói chịu nóng, đặt hết tâm sức để nấu ăn. Nên hương vị này không phải chỉ là món ăn, mà còn chứa đựng cả tình yêu thương. Họ sẵn sàng hi sinh vì những người mình trân trọng và yêu mến.

Kỳ thực, có rất nhiều người sẵn sàng nấu ăn một cách nghiêm túc, bởi vì tình yêu thương vô điều kiện cho bạn. Chỉ cần nhìn thấy niềm vui của bạn khi ăn là đủ khiến họ cảm thấy hạnh phúc. Trong cuộc đời, hi vọng bạn có thể trân trọng người nấu ăn cho bạn một cách nghiêm túc. 

Vân Phong, Vision Times

48
audioĂn

MỘT