Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang xây dựng nền tảng “Siêu não” (Supermind) có trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi hàng trăm triệu nhà khoa học và nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, mục tiêu giúp Trung Quốc có được những công nghệ đột phá cho các lĩnh vực công nghiệp và quân sự. Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang thúc đẩy dự án tương tự.

r shutterstock 2219253957
Quy mô và mức phức tạp của nền tảng “Siêu não” (Supermind) Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại về ảnh hưởng (Ảnh: Loloys 1/Shutterstock)

Nền tảng do ĐCSTQ tài trợ

Theo Newsweek, nền tảng “Siêu não” (Supermind) này do ĐCSTQ tài trợ, sử dụng hệ thống AI tiên tiến để tìm kiếm nhân tài cho Trung Quốc, hiện đã thành lập ở Thâm Quyến trung tâm “thông tin và tình báo” mới.

Thâm Quyến là nơi khởi nguồn của các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Huawei, ZTE và Tencent.

Được biết hiện khoản đầu tư chính của dự án “Siêu não” (Supermind) là từ chính quyền Thâm Quyến với kinh phí 280 triệu USD, cung cấp cho người dùng 300 công trình nghiên cứu khoa học – công nghệ toàn cầu và 120 triệu bằng sáng chế, có thể tìm kiếm tra cứu thông tin về 130 triệu học giả quốc tế (còn gọi là “tài năng”) để xem xét công việc của họ. Với việc hệ thống liên tục được cập nhật, Hồng Kông và Ma Cao sẽ sớm được đưa vào.

“Siêu não” có kết nối với nhiều cơ quan tình báo an ninh của ĐCSTQ, bao gồm Phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ mới cho tình báo an ninh tỉnh Quảng Đông. Ngoài ra nền tảng này còn được kết nối với các cơ quan chuyên trách bảo mật dữ liệu quốc gia của ĐCSTQ, như Phòng thí nghiệm Pengcheng phát triển AI (Pengcheng Lab, cũng gọi là Pengcheng AI Developer), kho dữ liệu gen quốc gia Trung Quốc và công ty gen lớn nhất Trung Quốc BGI.

Có thông tin cho rằng, việc cơ sở dữ liệu Trung Quốc sử dụng nền tảng “tình báo” này nên được hiểu là tìm kiếm “thông tin hữu ích cho đất nước” giữa tình báo bí mật và nguồn mở. Công nghệ như vậy có thể xác định và tuyển dụng nhân sự có tay nghề cao trong các lĩnh vực quân sự nhạy cảm, đặc biệt là các nhà khoa học Trung Quốc làm việc cho các cơ quan của Mỹ.

Đáng chú ý là hiện nay Mỹ cũng đang phát triển công nghệ “siêu não” tương tự. Hiện chưa rõ bên nào có ý tưởng này trước.

Theo mạng tin tức GovCon Wire đưa tin hồi tháng 1/2023, Ban Đổi mới Quốc phòng Mỹ (DIU) đã kêu gọi giới công nghiệp và học thuật Mỹ thiết lập một hệ thống thông tin nguồn mở thương mại (OSINT), mục đích để hỗ trợ Bộ Quốc phòng (DOD) trong việc thu thập và phân tích thông tin về đối thủ nước ngoài và thông tin về tiến bộ công nghệ của đối thủ.

Các nguồn tin cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang xây dựng hệ thống nguyên mẫu OSINT, có thể được thu thập từ các nguồn công cộng và thương mại để cung cấp sự hiểu biết toàn diện về hoạt động đầu tư và phát triển khoa học và công nghệ của các đối thủ cạnh tranh. Bộ phận này chú trọng các lĩnh vực công nghệ như AI, điện toán lượng tử, chất bán dẫn, công nghệ sinh học và điện toán hiệu năng cao.

Trung Quốc đang bắt kịp phát triển công nghệ của Mỹ

Tờ Asia Times vào tháng 9/2022 từng tiết lộ một báo cáo riêng của công ty tình báo an ninh Mỹ Strider Technologies, trong đó chỉ ra ĐCSTQ đang sử dụng chuyên môn và nguồn lực của Mỹ để thúc đẩy phát triển chiến lược và quân sự.

Một báo cáo khác do Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở Mỹ cung cấp cũng nhắc đến cách ĐCSTQ khuyến khích các nhà khoa học Trung Quốc ra nước ngoài khám phá, sau đó trở về nước để làm việc trong các dự án quân sự và chiến lược. Ví dụ, sự tham gia của các nhà khoa học Trung Quốc này vào nghiên cứu nhạy cảm do Chính phủ Mỹ tài trợ gần đây đã giúp ĐCSTQ đạt được tiến bộ nhanh chóng trong nhiều công nghệ quân sự quan trọng.

Báo cáo cũng đề cập, trong khuôn khổ Kế hoạch Ngàn Nhân tài (TTP), ĐCSTQ áp dụng chiến lược “nhân tài siêu cường” để thúc đẩy các học giả, nhà nghiên cứu và nhà khoa học giúp họ tìm kiếm thêm không gian và lợi ích phát triển. Bắc Kinh đã áp dụng chiến lược này với Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos. Phòng thí nghiệm này là cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) về thiết kế đầu đạn hạt nhân và tìm giải pháp cho các mối đe dọa mới.

Để ngăn chặn hành vi trộm cắp công nghệ nhạy cảm, chính quyền Mỹ thời Trump vào năm 2018 đã phát động “Sáng kiến ​​Trung Quốc”, để điều tra các hoạt động gián điệp trong nghiên cứu và công nghiệp Mỹ. Sau đó, vào năm 2019, Bộ Năng lượng Mỹ đã ban hành lệnh cấm các nhà thầu và nhân viên quốc phòng tham gia các chương trình tuyển dụng nhân tài nước ngoài. Chính phủ Mỹ cũng đã truy tố nhiều nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ vì họ âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, đưa ra tuyên bố sai sự thật, vi phạm thuế và có mối quan hệ không được tiết lộ với Kế hoạch Ngàn Nhân tài (TTP) cùng các trường đại học Trung Quốc.

Tuy nhiên, Sáng kiến ​​Trung Quốc sau đó đã gây ra tranh cãi và Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã tạm dừng sáng kiến ​​này vào đầu năm 2022.

Cho dù ĐCSTQ có quyền trong việc theo đuổi quyền bá chủ công nghệ, nhưng quy mô và độ tinh vi của “siêu não” đặt ra những câu hỏi quan trọng về tác động liên quan, vì có thể được sử dụng để xác định những cá nhân chủ chốt và mua chuộc, lừa hoặc thao túng họ… gây rò rỉ thông tin mật.

Các nhà phân tích địa chính trị và chuyên gia công nghệ cảnh báo cuộc đua công nghệ đột phá sẽ tái định nghĩa cán cân quyền lực quốc tế. Trong bối cảnh ĐCSTQ tích cực mở rộng ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ, mối lo ngại trên toàn cầu ngày càng tăng về vấn đề quyền riêng tư dữ liệu, sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia.