Vài năm gần đây chúng ta thường nghe tới câu chuyện người dân tị nạn từ các nước thuộc thế giới thứ ba tràn sang châu Âu, đem theo nhiều vấn đề nan giải và mâu thuẫn tới xã hội, nền kinh tế và thậm chí là môi trường chính trị của các nước lớn như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý… Thế nhưng, nạn này chưa qua, nạn khác đã tới, châu Âu đang phải đối mặt với một làn sóng “di dân” thứ hai, khi những người nhập cư không tới đây trên những con tàu vượt biên, mà là đi máy bay và du thuyền du lịch sang trọng.

Phần I: Thiên đường đã mất – khi những du khách phá hủy thiên đường họ yêu mến

Cô tiếp tân đứng tại quầy lễ tân khách sạn lấy ra một tấm bản đồ thành phố Porto – thủ đô đất nước xinh đẹp Bồ Đào Nha. Không mất nhiều thời gian, cô nhanh chóng chỉ ra Khu Phố Cổ, sông Douro, cầu cảng và đây – tiếng hãnh diện không thể che giấu trong giọng nói của cô – là tiệm sách xinh đẹp nhất thế giới: Livraria Lello.

Nơi đây nhìn còn tuyệt vời hơn cả trong ảnh. Tiệm sách này là một tòa nhà 2 tầng theo kiến trúc Gothic với nhiều đồ gỗ sậm màu, từng núi từng núi sách cũ, đồ trang trí, kính màu, và một cầu thang tinh mỹ nằm chính giữa. Được khai trương năm 1906, nơi đây là thánh đường của sách, là giấc mơ của những con mọt sách từ khắp nơi trên thế giới. Khi đi du lịch, chúng ta tìm kiếm vẻ đẹp của quá khứ chứ không phải hiện tại. Tương truyền rằng nhà văn J. K. Rowling vẫn thường ghé qua Livaria khi bà còn sống ở Porto hồi đầu những năm 1990, mưu sinh bằng nghề dạy tiếng Anh và bắt đầu mơ mộng về cậu bé phù thủy Harry Potter.

Porto không phải là một thành phố lớn – nơi đây chỉ có hơn 200.000 dân và không khó để quản lý Khu Phố Cổ. Điều đầu tiên bạn chú ý khi tới Livraria Lello là một hàng dài người đang xếp hàng phía trước. Những du khách Nhật Bản trẻ tuổi, các vị Tây ba lô đến từ bán đảo Scandinavia, những gia đình người Pháp, các cặp đôi Trung Quốc, người Mỹ và người Đức.

Một người gác cổng oai vệ đứng ngay ở trước nhà sách. Để bước vào, bạn trước tiên phải mua một tấm vé trị giá 5 euro có in hình Fernando Pessoa, nhà thơ nổi tiếng nhất Bồ Đào Nhà ở quầy kế bên. Tại đó cũng có một hàng dài người đang rồng rắn chờ đợi giống y như tại quầy check-in ở sân bay. Những người đang chờ đợi được chào mời đồ lưu niệm, bưu thiếp và móc chìa khóa, những thứ thường thấy ở các địa điểm du lịch.

nha sach dep nhat the gioi 2
(ảnh: Ivo Rainha/Pexels)

Trong tiệm sách, chỗ nào cũng đẹp như trong ảnh, kể cả khi nó không hẳn còn là một hiệu sách nữa. Không ai còn đi tìm sách ở đây. Họ đều đang bận rộn chụp ảnh với điện thoại thông minh của mình – những bức ảnh trông giống hệt như hơn 7.000 bức khác đã được đăng trên TripAdvisor, trang web du lịch lớn nhất thế giới, nơi Livraria được vinh danh là một trong những điểm thu hút nổi bật nhất của thành phố xinh đẹp này.

Giống như phần còn lại của thành phố, Livraria Lello đứng trước bờ vực phá sản 4 năm trước đây khi phải đối mặt với những sóng gió của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng kể cả vào lúc đó, nó cũng không hề thiếu du khách. Vấn đề là người ta ngày càng mua ít sách hơn. Ai đó đề xuất nhà sách nên bắt đầu tính phí vào cửa 5 euro. Nghe có vẻ điên rồ vào thời điểm đó, nhưng 4.000 người tới thăm Livraria mỗi ngày, còn vào mùa hè, con số có thể lên tới 5.000 du khách. Nhà sách có 1,2 triệu du khách năm 2017 và doanh thu hơn 7 triệu euro.

Nếu ý tưởng mua một quyển sách chợt lóe lên trên đầu du khách thì đã có sẵn rất nhiều đầu sách được bán tại đây – từ bản dịch những tác phẩm kinh điển của văn học Bồ Đào Nha, tới loạt truyện Harry Potter đình đám. Trước khi mua sách bạn phải trình diện vé vào cổng của mình. Người ta đồn rằng Livraria Lello là nguồn cảm hứng của Flourish & Blotts, tiệm sách giáo khoa phù thủy từng bán sách cho Harry Potter. Nhưng Livraria trông giống với một bảo tàng hay bối cảnh nhà hát hơn là một tiệm sách.

Du lịch hiện đại – cơn háu đói

Nhưng trên hết, thực tế là Livraria đã trở thành biểu tượng của bản chất háu đói của nghành công nghiệp du lịch hiện đại – kiểu du lịch phá hủy tất cả vẻ đẹp của thắng cảnh địa phương.

Với những người dân Porto, tiệm sách có một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó là một trong những biểu tượng của tăng trưởng kinh tế ở một quốc gia mới còn giãy giụa trong khủng hoảng cách đây không lâu. Sự thực là Bồ Đào Nha hồi phục được một phần là nhờ vào tăng trưởng hai con số của ngành du lịch, bao gồm cả những khu vực trước đây từng nghèo túng ở phía bắc Porto. Các hãng hàng không Ryanair và EasyJet có lịch bay tới thành phố này nhiều năm nay, và nó từ lâu đã được xem là một điểm đến hấp dẫn mới cho những du khách muốn rời xa cuộc sống ồn ào nơi đô thị.

Biểu đồ: Số lượng du khách từ một số quốc gia

Năm ngoái, khoảng 2,5 triệu khách du lịch quốc tế đã đến thăm nơi này, trong đó một nửa ghé qua Livraria Lello. Porto, dù vậy, vẫn chưa bị quá tải như Barcelona hay Amsterdam, nơi những cư dân thành phố đang phải tự bảo vệ trước làn sóng khách du lịch muốn “đánh chiếm” quê hương của họ. Nhưng một sự chia cách đang hình thành ở Porto – một bên là thành phố du lịch, và một bên là thành phố cho người dân địa phương. Người ta không khỏi tự hỏi lần cuối cùng một người dân địa phương đến nhà sách Livraria Lello là lúc nào? Liệu cư dân tại đây có xếp hàng và trả 5 euro hay không?

Đã từng có thời điểm các khách sạn nằm dọc theo những bãi biển ở Benidorm, ở Arena xứ Mallorca và dọc theo biển Adriatic ở Italy là biểu tượng cho sự xấu xí của du lịch đại trà thời hiện đại. Mặc dù vậy, hồi tưởng lại quá khứ, thời gian ấy dường như vẫn còn khá yên bình. Benidorm và Arena là những thành phố được dựng lên để người Châu Âu có một chỗ nằm dài trên bãi biển khi hè tới. Chúng là những khu nghỉ dưỡng hoàn toàn do con người dựng lên và không được tốt cho lắm, nhưng chúng đã thực hiện được một mục đích: là công xưởng cho ngành du lịch đại trà và có thể dễ dàng dọn bỏ đi nếu nhu cầu thay đổi.

venice qua tai du lich
Bến tàu ở Venice tràn ngập du khách (ảnh: Wiki)

Ngày nay, những địa điểm du lịch như vậy không thể nào đáp ứng nổi nhu cầu. Đội quân những người đi tắm nắng tăng nhanh vùn vụt trên những bãi biển ở Nam Âu, đến nỗi một số vịnh nhỏ ở Mallorca phải đóng cửa vì quá đông. Ngay cả ở những vùng duyên hải ở Biển Bắc và biển Baltic của nước Đức, các khách sạn và nhà nghỉ đều cháy phòng ở những nơi như Sylt và Rügen.

Tuy nhiên những người làm du lịch bãi biển chỉ mới chiếm dưới một nửa ngành công nghiệp du lịch hiện đại ở châu Âu, nửa còn lại là du thuyền và những người dân đô thị muốn đi đổi gió.

Nhiều năm qua, chính những du khách, chứ không phải người dân địa phương, mới là những người tạo nên diện mạo của một số những thành phố xinh đẹp và đặc biệt nhất châu Âu.

Chúng đang chuyển mình thành những bảo tàng, những công viên giải trí và đang phát triển các khu vực đặc biệt cho du khách. Người dân địa phương có thể tới đây làm việc, nhưng sinh sống thì không. Du khách ngồi ăn trong những nhà hàng truyền thống và ngắm nhìn những du khách khác. Không còn nơi nào du khách và cư dân bản địa xuất hiện cùng nhau, chỉ có sự phân cách là ngày một trở nên rõ rệt hơn. Vào lúc này, dường như một cuộc xâm lược khách du lịch đang diễn ra ở châu Âu. Họ đến, ở lại đôi ngày rồi lại ra đi, nhưng họ cư xử cứ như thể họ là chủ nhân của thành phố mà mình chỉ mới đặt chân tới.

Sự hiếu khách “mà con người muốn nhận được sẽ bị hủy hoại nếu người ta lạm dụng,” nhà văn người Đức Hans Magnus Enzensberger đã viết như vậy năm 1958 trong luận án nổi tiếng của ông về du lịch đại trà. Vào thời điểm đó, du lịch đại trà mà chúng ta biết ngày nay vẫn chưa xuất hiện, du lịch vẫn chỉ là thú chơi tốn kém của những gia đình sung túc. Cùng lắm là khách du lịch sẽ lái chiếc VW Beetles khiêm tốn của họ từ Đức qua Brenner Pass để tới nước Ý. Với hầu hết mọi người, một chuyến du lịch tới Venice hay Rome là điều gì đó chỉ nằm trong giấc mộng mà thôi.

Du lịch ngày nay có rất ít điểm chung với những giấc mộng năm 1958. Sự ra đời của ngày càng nhiều các hãng hàng không giá rẻ đã đưa hàng triệu khách du lịch tới các bãi biển và thắng cảnh trên khắp thế giới. Những chuyến xe bus đường dài vé rẻ đến nực cười và những chiếc du thuyền đổ hàng ngàn du khách xuống các cảng. Palma de Mallorca, Barcelona và Dubrovnik đón nhận tới 5 chiếc như vậy mỗi ngày, dồn thêm khách vào trung tâm thành phố vốn đã đông tới tuyệt vọng. Khi tới nơi, họ sẽ chụp ảnh selfie để lưu giữ lại kỷ niệm của mình, và sau đó sẽ là điểm tới tiếp theo.

>> 10 quốc gia không thích hoặc hạn chế khách du lịch

Du lịch đã chuyển mình từ một sản phẩm dịch vụ đắt tiền sang một thứ hàng hoá phổ thông, khi những tour du lịch giá rẻ và mạng internet đem tới hàng loạt những lựa chọn mới. Nếu bạn muốn dành vài ngày ở Palma, Barcelona hay nằm dài trên bãi biển, chỉ cần vài cú nhấp chuột để tìm chuyến bay và một chỗ ngủ. Thường thì với một cái giá rất bình dân.

Nhưng cơ sở hạ tầng không bao giờ có thể cáng đáng nổi sự tấn công dữ dội của các đoàn khách du lịch – và điều này đúng ở Đức cũng như nhiều nước châu Âu khác. Trong mùa hè, sự hỗn loạn đổ bộ xuống các sân bay của nước Đức, đám đông người chen lấn xô đẩy nhau trước các màn hình. Tỷ lệ huỷ chuyến tăng lên 146% trong nửa đầu năm và tỷ lệ trễ chuyến tăng 31%. Ở Munich và Frankfurt, các sân bay hoàn toàn “thất thủ” khi các du khách đi qua của kiểm soát an ninh mà không bị quét theo quy trình. Còn tình hình ở các sân bay tại Berlin đã trở thành một nỗi xấu hổ của nước Đức.

“Du khách hãy về nhà”

du khach ve nha
(ảnh: Twitter/corsetourisme)

Với cơ sở hạ tầng quá tải và những thành phố cùng bãi biển đông nghẹt người, ngành công nghiệp du lịch dường như sắp đột quỵ với thành công của chính nó. Năm ngoái có khoảng 670 triệu khách du lịch tới châu Âu và chỉ riêng trong mùa hè năm này, lục địa già đã phải tiếp đón 200 triệu khách du lịch.

Không chỉ có những người châu Âu mới tới du lịch các quốc gia châu Âu khác. Sự bùng nổ còn được tiếp sức bởi những người đến từ các quốc gia được hưởng lợi từ sự toàn cầu hoá. Đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch toàn thế giới, phần lớn đến từ tầng lớp trung lưu mới nổi ở các quốc gia như Nga, các quốc gia ở Viễn Đông và thế giới Ả Rập.

Họ cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm cho những vấn đề đang nảy sinh ngày một nhiều hơn. Sự bùng nổ, cuối cùng, cũng đang tạo ra những kẻ thua thiệt, và rất nhiều trong số họ đã bắt đầu phẫn nộ, như các cuộc biểu tình gần đây của phi công hãng hàng không châu Âu giá rẻ Ryanair, nơi điều kiện làm việc nghèo nàn và lương thấp là tiền đề cơ bản cho chiến lược giá rẻ của hãng ngay từ những ngày đầu tiên.

Nhưng cư dân của các thành phố và thắng cảnh du lịch có lẽ là những người bị thua thiệt nhiều nhất. Ví dụ, các chủ nhà ở đây muốn thu lợi nhiều bằng việc cho các khách du lịch thuê phòng theo ngày hoặc theo tuần hơn là cho cư dân địa phương thuê dài hạn để sống và làm việc. Hay việc các chuyến xe buýt và tàu hỏa địa phương chật cứng khách du lịch khiến giao thông công cộng bị quá tải và ảnh hưởng đến người dân địa phương. Hay khi người ta không còn cảm thấy thoải mái khi sống tại khu vực của mình vì họ cảm thấy mình bị biến thành thiểu số tại những quán café hay nhà hàng mà họ hay lui tới. Đấy là nói đến trường hợp họ có thể vào được đó và đủ tiền trả cho giá dịch vụ mới ở đây.

venice qua tai du lich
(ảnh: Wiki)

Ngành công nghiệp du lịch hiện nay đột nhiên phải gặp phải thách thức từ một nhóm người mà họ trước đây không mấy để ý tới. Từ trước đến nay vẫn luôn là “tiền khách hậu chủ”, khách hàng là đối tượng được tập trung quan tâm đầu tiên. “Du lịch là một hiện tượng khiến nhiều cá nhân được hưởng lợi, những lại tạo ra nhiều kẻ thất bại xã hội,” Christian Laeser, một giáo sư chuyên ngành du lịch tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ cho biết.

Thường thì, lợi ích đến tay một số ít người – trước tiên là chủ nhà và các khách sạn, sau đó, ít ỏi hơn, là những người lao động vốn được trả lương thấp trong ngành du lịch. Phần còn lại phải chịu đựng tiếng ồn và sự hỗn loạn, giá cả dịch vụ, giá thuê nhà cao và cảm giác phải làm người xa lạ tại chính mảnh đất của mình.

>> Danh hiệu “di sản UNESCO” đang giết chết các di sản văn hóa?

Ở rất nhiều địa phương, cảm giác này đã bắt đầu bộc lộ ra bằng sự thù địch công khai. Các nhà hoạt động đã xịt các dòng chữ “du khách hãy về nhà” lên các bức tường ở nhiều địa phương có đông người du lịch, và ở Mallorca, họ thậm chí còn tuyên bố “hành động mùa hè,” với những cuộc biểu tình chống lại khách du lịch tại các sân bay và khách sạn. Ở Palma, các nhà hoạt động còn ném phân ngựa về phía du khách. Ở Barcelona, họ lôi du khách xuống khỏi xe đạp và uy hiếp họ trong các quán café. Ở Venice, các tên cướp biển tự xưng đã vượt quá sức tưởng tượng khi chặn những chiếc du thuyền không cho vào cảng

Lối nghĩ ‘du khách là những kẻ xâm lược ngoại lai đe dọa cuộc sống văn hóa của người dân địa phương cũng giống như dân tị nạn’ đang xuất hiện ở nhiều nơi của châu Âu. Nhưng trong khi nỗi vất vả khó khăn khiến những người tị nạn rời xa quê hương của họ, thì du khách lại tìm kiếm sự đổi gió để rời xa những buồn chán của cuộc sống thường nhật.

Barcelona phải đối mặt với cả hai hình thức di trú do toàn cầu hóa nói trên, nhưng các cuộc biểu tình chỉ nhắm trực tiếp đến du khách, chứ không hề nhắm vào người tị nạn. Năm ngoái, 150.000 người biểu tình thậm chí đã yêu cầu chính phủ cho phép nhiều người tị nạn hơn đến đây. “Nhập cư đã thay đổi thành phố, nhưng du khách lại đang làm nó mất ổn định,” tờ Guardian của Anh đã viết như vậy vào tháng 6 để mô tả cảm xúc của thành phố này khi ấy.

‘Quá tải khách du lịch’

du lich qua tai
(ảnh: Twitter/corsetourisme)

Ngày công nghiệp du lịch giờ đây đã bắt đầu nhận ra rằng thành công đang ngày càng làm mất ổn định nền tảng kinh doanh của nó. ‘Quá tải du lịch’ là một từ khóa ngập tràn trên các hội nghị về du lịch. Nhiều cuộc thảo luận đang bàn về việc điều chỉnh lại các dòng khách du lịch để họ không còn bị xem là một nguy cơ cho sự bất ổn định của những ‘điểm đến’.

Nhưng liệu điều này có khả thi khi mà số lượng du khách vẫn tiếp tục gia tăng? Tại các quốc gia mới nổi ở châu Á, nhiều triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu mỗi năm, đồng nghĩa với việc họ bỗng có khả năng bỏ tiền đi du lịch tới những địa điểm mới lạ. Chắc chắn là như vậy. Theo các con số ước tính, số du khách toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng lên 500 triệu người từ giờ đến năm 2030, và một nửa trong số đó là người Trung Quốc. Rất nhiều trong số 500 triệu kể trên sẽ muốn du ngoạn châu Âu và các thắng cảnh tại đây – như cảnh hoa oải hương đua nở ở Provence chẳng hạn.

Đó là một ngày mùa hè năm 2008, Jean-Paul Angelvin nhớ lại. Một đoàn làm phim từ Trung Quốc gọi đến và hỏi xem liệu họ có thể quay vài cảnh trên cánh đồng hoa oải hương của ông hay không. “Họ quay một cặp đôi, và sau đó vài giờ, họ xong việc. Tôi không nghĩ gì nhiều lúc đó,” Angelvin, một người đàn ông cao tuổi mặc quần soóc xám và đi tất màu be nói. Angelvin và gia đình mình đã trồng hoa oải hưởng ở Provence 40 năm nay tại một cao nguyên ở Valensole có độ cao 580m so với mực nước biển.

Angelvin đã từng trải qua những thời điểm khó khăn, như khi giá chạm đáy những năm 1990. Nhưng nhu cầu dần phục hồi trở lại, và khi mùa hoa oải hương nở vào tháng 6 và tháng 7, cửa hàng nhỏ của gia đình ông cũng xoay xở để kiếm được vài đồng dư dả.

Thế rồi năm 2012 đến và cửa hàng của Angelvin trở thành một mỏ vàng. Ngày một nhiều những chiếc xe buýt du lịch dừng lại trước cửa tiệm của ông – và chứa đầy những du khách Trung Quốc. Họ muốn làm lại đúng những gì đã thấy trên một chương trình truyền hình nổi tiếng (nhưng rẻ tiền) của Trung Quốc có tên “Giấc mộng sau rèm pha lê.” Những cảnh quay đó đã được thực hiện 4 năm trước trên đồng hoa oải hương của Angelvin. “Tôi chưa bao giở tưởng tượng ra trong đời rằng những cảnh quay đó lại tạo ra một làn sóng như vậy,” người nông dân trồng hoa nói.

Jean-Frédéric Gonthier của hiệp hội du lịch địa phương ước tính đã có 3.000 du khách Trung Quốc tới đây vào mùa hè ngay sau khi chương trình lên sóng. Ngày nay, ông ước tính, có khoảng 60.000 du khách Trung Quốc tới đây mỗi mùa hoa nở.

du khach trung quoc hoa oai huong provence 2
Du khách ở Provence (ảnh: Pixabay)

Để thu lại được gì đó từ sự bùng nổ này thay vì chỉ chịu đựng, chúng ta phải hiểu người Trung Quốc,” Gonthier nói. Để đáp ứng nhu cầu, ông ấy đã đào tạo những người hướng dẫn viên nói tiếng Trung và thuê hai người để trả lời các câu hỏi về vùng này trên ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc. Gonthier hy vọng những nỗ lực này có thể giúp thay đổi phong cách du lịch của người Trung Quốc và khuyến khích họ ở lại trong vùng lâu hơn thay vì chỉ đến rồi vội đi.

Bác nông dân trồng hoa Angelvin cũng nhanh chóng hiểu được điều gì đang diễn ra và tức thì phản ứng. Tới mùa hoa nở, bác lại thuê những nhân viên tạm thời nói tiếng Hoa. Cách đó 1 km đường, Pauline Jaubert mở rộng tiệm hoa hoải hương Terraroma của mình lần thứ hai trong mùa xuân này. “Chúng tôi đã thích nghi,” Jaubert nói, người giờ đây bán áo phông, bánh quy và tạp dề bên cạnh dầu hoa oải hương và xà phòng. Jaubert cũng có một nhà hàng nhỏ ở tầng trên, chuyên bán các món mì châu Á trong mùa cao điểm.

Những người nông dân này đã trở thành các chuyên gia du lịch. Doanh thu của các cửa hàng oải hương trên cao nguyên này được ước tính khoảng vài trăm ngàn euro một năm. Và thực tế là cửa hàng của Angelvin hái ra nhiều tiền hơn cả việc thu hoạch hoa oải hương.

Mặc dù vậy, không phải tất cả mọi người đều xem các vị khách đến từ Trung Quốc là một “đối tác đôi bên cùng có lợi”, như cách mà Gonthier từ văn phòng du lịch địa phương chia sẻ. Jean-Jacques Valone nói một bức ảnh chụp cánh đồng hoa này gần như chẳng có chút tác dụng trao đổi văn hóa nào. Valone cũng trồng hoa oải hương, nhưng không may ông lại không có cửa tiệm nào. “Họ phần lớn chỉ làm tôi thấy phiền,” ông nói. “Họ vứt giấy ra cánh đồng và ngắt cành hoa.” Bên cạnh đó, khu vực này cũng chẳng nhận được mấy lợi lộc vì người ta phần lớn chỉ ghé qua một chút để chụp ảnh, mua một cái bánh pizza, chia ra cho bốn người ăn rồi đi luôn.

Nhưng Gonthier nhà quản lý lại có cách nhìn tích cực hơn. Ông chỉ ra phong cách du lịch của người Trung Quốc cũng đang thay đổi và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi Trung Quốc tránh đi du lịch đại trà, thay vào đó, họ tự đi và đôi khi còn ở lại qua đêm. Những vị khách ấy, ông nói, “không còn miệt mài tìm kiếm nhà hàng bán cơm Tàu nữa. Thay vào đó họ gọi các món ăn của vùng Provence.” Giọng ông vang lên cứ như thể vừa tìm ra một vỉa vàng mà ông ấy hy vọng có thể đào xới lên trong thời gian tới. Cùng với đó là một tờ giấy ghi chép lại rằng nhất thiết phải chào đón và đối xử với các du khách Á Đông theo một phong cách “thân thiện với người Trung Quốc”.

(còn tiếp)

Theo Spiegel
Quốc Hùng