Facebook đã xác nhận vào hôm 4/4 là họ có theo dõi các cuộc hội thoại của người dùng trên Messenger để đảm bảo rằng nội dung đạt “tiêu chuẩn cộng đồng,” theo tin đưa của phóng viên Bloomberg, Sarah Frier.

mark zuckerberg sad
(Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Trước đó trong một cuộc phỏng vấn với Ezra Klein của Vox. Mark Zuckerberg đã kể lại một lần công ty can thiệp để ngăn chặn Messenger của họ bị lạm dụng.

“Tôi nhớ rằng vào một sáng thứ 7, tôi nhận được một cuộc điện thoại và phát hiện ra người ta đang cố gắng gửi thông tin nhạy cảm qua Facebook Messenger tới cả hai bên đang xung đột với nhau,” Zuckerberg trả lời một câu hỏi của Kein về vai trò của Facebook trong vụ khủng hoảng Rohingya tại Myanmar.

Từ tháng 8 năm 2017, những người hồi giáo Rohingya đã buộc phải rời khỏi đất nước Myanmar vốn do Phật giáo chiếm đa số, trong cuộc thanh lọc sắc tộc tiến hành bởi lực lượng an ninh Myanmar. Liên Hiệp Quốc đã miêu tả cuộc thanh lọc này là có đủ “các đặc điểm của một cuộc diệt chủng.”

Zuckerberg nói những tin nhắn mà Facebook phát hiện được “về cơ bản là bảo những người Hồi giáo: ‘này, hiện những người Phật giáo đang nổi lên, nên các anh phải trang bị vũ trang đầy đủ đấy.’ Rồi họ cũng làm như vậy đối với bên Phật giáo.”

Có thể hiểu Facebook đang nỗ lực để ngăn chặn không cho hệ thống của họ bị lạm dụng, nhưng nó cũng mang đến một vấn đề về quyền riêng tư của người dùng. Và cụ thể, người dùng muốn biết Facebook đã làm những gì để rà soát nội dung trên ứng dụng Messenger.

Thời gian vừa qua, sau khi tờ New York Times và tờ The Guardian tiết lộ vụ việc Cambridge Analytica, Facebook đã phải chịu rất nhiều áp lực, đòi hỏi công ty phải thận trọng hơn trong khi xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng. Hôm thứ 4, Facebook nói họ tin rằng có thể Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu của 87 triệu người dùng, thay vì 50 triệu như đưa tin trước đây.

>> Facebook trên Android âm thầm thu thập lịch sử cuộc gọi và tin nhắn từ hàng năm nay

Nhiều người tin rằng Facebook đã không thật sự trách nhiệm trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngày 11 tháng 4 tới, Mark Zuckerberg sẽ có một phiên điều trần trước Quốc hội về cách công ty xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng.

Người phát ngôn của Facebook Messenger đã trả Bloomberg rằng những thông tin họ rà soát trên Messenger không hề được dùng vào quảng cáo. Facebook cho biết công cụ rà soát các cuộc hội thoại là giống với công cụ tự động để theo dõi phần công khai (phân biệt với phần riêng tư) trong mạng xã hội; và họ chỉ can thiệp khi hệ thống thông báo có điều gì đó bất thường hoặc dấu hiệu bạo lực rõ ràng.

fb messenger1
(ảnh: motherboard.vice.com)

Tuy Facebook có đưa ra rất nhiều lời giải thích, họ cũng để lộ rất nhiều sơ hở và không có bằng chứng rõ ràng để chứng minh mình trong sạch. Ví dụ, ở trên người phát ngôn nói các dữ liệu họ rà soát trên Messenger không dùng để quảng cáo, nhưng người dùng Facebook Messenger đều biết rằng hay có các đoạn quảng cáo được chèn vào ứng dụng của họ. Liệu Facebook có thể chứng minh rằng họ không dựa vào phân tích nội dung chat để gửi quảng cáo thích hợp cho người dùng?

Nhìn từ một phương diện khác, sản phẩm chat chủ yếu khác của Facebook là Whatsapp có mã hóa hai đầu cho người dùng, nên chính bản thân Whatsapp cũng không biết người dùng trao đổi những gì chứ chưa nói đến chuyện rà soát thông tin. Vì sao Facebook không áp dụng chế độ tương tự cho Facebook Messenger? Trong ứng dụng này, người dùng phải chọn bật mã hóa tin nhắn chứ Facebook không bật mặc định.

Ngoài ra, theo Bloomberg, có nhiều trường hợp Facebook nói rằng người dùng đã cho phép họ sử dụng dữ liệu nhưng người dùng lại nói là chưa cho phép hoặc không nhớ cho phép lúc nào.

Trên đây là chỉ là một vài nhận định, kết cục thế nào có lẽ phải đợi đến sau phiên điều trần ngày 11/4.

Nguyên Khánh tổng hợp.