Tổng doanh thu của Meta dường như đã tăng lên nhưng có bù được thua lỗ nghiêm trọng từ Metaverse? Công ty Meta hy vọng cứu vãn qua AI và Threads, nhưng có vẻ chưa có thành quả. Ngoài ra Facebook còn bị  cáo buộc làm tình trạng chia rẽ trong nước Mỹ leo thang và là trợ thủ tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

shutterstock 2327492865
Ứng dụng Threads trên điện thoại (Ảnh: sdx15 / Shutterstock)

Công ty mẹ Meta của mạng xã hội Facebook vào cuối tháng 7 đã công bố rằng tổng doanh thu của họ trong quý 2 là khoảng 32 tỷ USD, lợi nhuận ròng xấp xỉ 7,788 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng doanh thu là 16%. Nhưng trước đó Meta đã liên tục giảm nhân viên để giảm chi phí, từ tiếp thị cho đến kỹ sư phần mềm. Để làm như vậy, họ đã chi hơn 1 tỷ USD cho trợ cấp thôi việc và các chi phí nhân sự khác liên quan đến việc tái cơ cấu.

Không dễ bù lại thua lỗ của Metaverse

Bộ phận thực tế ảo Reality Labs của Meta đã công bố doanh thu trong quý 2 là 276 triệu USD, khoản lỗ hoạt động 3,7 tỷ USD. Như vậy khoản lỗ của Reality Labs trong nửa đầu năm nay đã lên tới 7,6 tỷ USD, trong khi tổng khoản lỗ của năm ngoái là 13,7 tỷ USD.

Vì lý do này, Meta hy vọng sẽ cứu vãn khoản lỗ bằng cách tung ra chatbot AI và mạng xã hội Threads, nhưng đến nay chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do Meta đang bị các ông lớn công nghệ khác vượt qua trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI. Meta muốn thông qua mô hình ngôn ngữ lớn AI (LLM) với mã nguồn mở (open), cho phép các công ty công nghệ cao khác cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ như Google, Open AI và Microsoft.

Một diễn biến khác, vào ngày 10/7, Meta đã tuyên bố số người dùng nền tảng mạng xã hội Threads của họ chỉ trong vòng 5 ngày sau khi ra mắt đã vượt quá 100 triệu, phá kỷ lục của công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT và được ví là “sát thủ đối với Twitter”.

Nhưng rồi chỉ sau một tháng số người dùng Threads đã sụt giảm nghiêm trọng, theo thống kê của công ty phân tích web SimilarWeb, tính đến cuối tháng 7, hàng ngày Threads chỉ có 12,6 triệu người dùng Android hoạt động và thời gian sử dụng trung bình chỉ là 5 phút, trong khi thời lượng sử dụng trung bình của Twitter là 25 phút.

Mặc dù SimilarWeb không có dữ liệu hàng ngày cho hệ thống iOS của Apple, nhưng họ tin rằng tình huống đối với người dùng Apple sẽ tương tự như đối với người dùng Android. SimilarWeb cũng cho rằng việc Threads cất cánh là do có liên kết với Instagram, tuy nhiên vì Threads không có gì độc đáo đã dẫn đến việc mất người dùng nhanh chóng.

Cuối tháng 7, CEO Mark Zuckerberg của Meta đã nói với nhân viên, “Nếu hơn 100 triệu người đăng ký Threads, thì lý tưởng nhất là một nửa trong số họ sẽ ở lại và tiếp tục sử dụng, nhưng chúng ta đã không có được điều này”.

Hiện Threads được mở sử dụng ở hơn 100 nước, nhưng công ty lo ngại vì không tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) nên không thể sử dụng ở EU. Vì ứng dụng thu thập rất nhiều dữ liệu về quyền riêng tư cá nhân nên đã hứng chịu nhiều chỉ trích.

Trước đó vào tháng 5 Meta đã bị Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland phạt mức kỷ lục 1,2 tỷ euro (khoảng 1,3 tỷ USD) vì vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung (General Data Protection Regulation) của EU. Những điều trên chắc chắn là một đòn giáng mạnh khác vào hoạt động của Meta.

Nói với Epoch Times vào ngày 4/8, Chủ tịch Tokumori sho của một công ty công nghệ cao Nhật Bản cho hay, “Suy thoái của Meta hiện nay sẽ không lan rộng ra toàn bộ ngành công nghệ, bởi vì các công ty công nghệ khác không gặp thất bại như Meta đầu tư vào Metaverse, vấn đề cũng cho thấy loài người sẽ không dành hết thời gian cho mạng ảo”.

Hy vọng chatbot AI giúp tăng tương tác trên mạng xã hội

Meta hy vọng sẽ tăng mức tham gia của người dùng trên các nền tảng xã hội như Instagram và Facebook, giải quyết vấn đề độ tuổi trung bình của người dùng Facebook cao hơn so với các nền tảng xã hội khác.

Vì mục tiêu đó, họ đã phát triển một loạt các chatbot AI với các tính cách khác nhau và đưa chúng vào các nền tảng mạng xã hội của họ, mục đích có thể cạnh tranh với các nền tảng xã hội khác được thế hệ trẻ ưa thích.

Để giúp phát triển mô hình ngôn ngữ quy mô lớn riêng Llama 2, Meta đã mua số lượng lớn GPU để đầu tư vào AI tạo sinh (Generative AI), vì GPU rất quan trọng đối với các mô hình ngôn ngữ quy mô lớn, trong khi mô hình Llama 2 có thể tạo động lực để Meta thúc đẩy chatbot AI sắp được họ tung ra.

Phương pháp đưa chatbot AI vào mạng xã hội này không chỉ có thể cho phép chatbot AI của Meta tham gia vào các ứng dụng thực tế và thu thập thêm dữ liệu, còn để Meta cạnh tranh với các công ty công nghệ AI khác, cũng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mọi người đối với AI.

Ông Zuckerberg đã đề cập vào ngày 2/8 trong hội nghị trực tuyến về tình hình tài chính, “Công ty đang phát triển mô hình AI có thể hoạt động dịch vụ khách hàng cho doanh nghiệp cũng như trợ lý AI hỗ trợ doanh nghiệp làm việc hiệu quả cao hơn”…

Về vấn đề này, kỹ sư máy tính người Nhật Kiyohara Hitoshi đã nói với Epoch Times vào ngày 4/8, “Việc đưa vào [mạng xã hội] chatbot AI sẽ gây ra những trở ngại nghiêm trọng cho trải nghiệm của người dùng, khi đó sẽ không thể phân biệt được đâu là người thật và đâu là chatbot AI, e rằng có thể gây phản cảm cho người dùng”.

Một chuyên gia khác cũng cho biết: “Tôi không lạc quan về kế hoạch chatbot AI của Meta. Các nền tảng mạng xã hội chỉ được chuộng nhờ giúp được dùng không bị hạn chế về không gian và thời gian, nếu người ta gặp phải toàn robot thì sẽ không còn gì hứng thú”.

Có quan điểm thì lo lắng về dữ liệu, một khi người dùng tương tác với chatbot AI thì công ty công nghệ có nhiều dữ liệu hơn và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với dữ liệu đó.

Vấn đề chia rẽ nước Mỹ và tuyên truyền của ĐCSTQ

Ngoài mối lo ngại dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư bị lợi dụng, từ lâu việc ĐCSTQ sử dụng công nghệ cao nhờ đánh cắp được để phục vụ tham vọng thống trị thế giới đã không còn là vấn đề bí mật. Như đã biết, ĐCSTQ đã vạch ra kế hoạch vượt qua châu Âu và Mỹ để vào năm 2030 trở thành cường quốc AI hàng đầu thế giới.

Về vấn đề này, vào cuối tháng 7, Giám đốc FBI Christopher Wray đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh mạng tổ chức tại Atlanta rằng, hầu hết các công nghệ tiên tiến của ĐCSTQ đều có được bằng cách đánh cắp hoặc qua các thủ đoạn bất chính khác. Ông nói: “Nhiều năm qua ĐCSTQ đã đánh cắp hàng loạt khai phá mới của chúng ta, nhờ đó hiện nay đang ở vị thế mạnh mẽ để tấn công Mỹ thông qua AI và hoạt động tin tặc”.

Một quan chức cấp cao khác của FBI cho biết: “ĐCSTQ là kẻ thù của các nền dân chủ. Họ đánh cắp dữ liệu và công nghệ AI của chúng tôi để thúc đẩy các chương trình AI của họ, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Mỹ”.

Ngoài ra ĐCSTQ cũng đang dùng các nền tảng mạng xã hội, phương tiện truyền thông và TiKTok để thực hiện tuyên truyền đối ngoại quy mô lớn.

Ngày 21/7 Đại học Phúc Đán của Trung Quốc đã công bố “Báo cáo Nghiên cứu về Sức mạnh Truyền thông Mạng của Truyền thông Chính thống Toàn cầu (2023)”. Báo cáo lựa chọn 222 phương tiện truyền thông chính thống ở 33 nước, thu thập nội dung được các phương tiện truyền thông này công bố trong năm qua trên các tài khoản đã được xác minh của Twitter và Facebook. Kết quả cho thấy chiến dịch tuyên truyền đối ngoại quy mô lớn của ĐCSTQ trên Facebook hiệu quả hơn Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây khác. Trong số đó, xếp hạng hàng đầu là các cơ quan truyền thông của ĐCSTQ như Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Nhân dân Nhật báo, Nhật báo Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu và Tân Hoa Xã…

Các tạp chí khoa học hàng đầu như Science và Nature đã nhiều lần chỉ ra trên các bài báo của họ rằng, Facebook và Instagram đã sử dụng thuật toán trong bầu cử Mỹ năm 2020 và dịch bệnh để gây ra sự phân cực chính trị nghiêm trọng trong nước Mỹ, khiến những người có lập trường khác nhau thù ghét nhau hơn.

Ngoài ra, Facebook, Twitter, YouTube và Instagram cũng nỗ lực để người phe bảo thủ Mỹ hạn chế nghi ngờ về kết quả bầu cử, vấn đề máy tính của ông Hunter và vấn đề vắc-xin COVID-19.

Về vấn đề này, có chuyên gia cho biết: “Nhiều năm trước, ông Zuckerberg đã cố gắng lấy lòng ĐCSTQ vì lợi ích thương mại, thậm chí còn có tin rằng ông ấy đã phát triển một ấn bản đặc biệt hợp tác với cơ quan kiểm duyệt của ĐCSTQ, nhưng cuối cùng ông ấy vẫn bị ĐCSTQ chối bỏ [tại thị trường Trung Quốc]. Dù vậy thì hiện Facebook vẫn là nền tảng xã hội phù hợp nhất cho hoạt động tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ, truyền bá tin tức giả cho ĐCSTQ và cố tình lừa dối người dân phương Tây”.

Epoch Times đã viết thư cho Meta vào ngày 5/8 để hỏi ý kiến ​​về việc Facebook trở thành nền tảng tuyên truyền đối ngoại lớn nhất của ĐCSTQ, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.