Theo báo cáo của Bloomberg hôm 20/3, nguồn tin cho biết Mỹ đang xem xét trừng phạt một số công ty chip Trung Quốc có liên quan đến ‘gã khổng lồ’ công nghệ Huawei, nhằm hạn chế chuỗi cung ứng chip bí mật của Huawei trốn tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

Embed from Getty Images

Bảng hiệu của một cửa hàng bán lẻ Huawei ở Bắc Kinh ngày 20/5/2019. (Ảnh: Fred Dufour /AFP/Getty)

Mỹ tăng cường trừng phạt đối với Trung Quốc vì ăn cắp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chip.

Các công ty có thể bị đưa vào danh sách đen bao gồm: Công ty TNHH Mạch tích hợp Thanh Đảo SiEn, Công ty TNHH Công nghệ SwaySure Thâm Quyến, Công ty TNHH Công nghệ Pengshun, và Công ty TNHH Công nghệ Lưu trữ Hợp Phì ChangXin.

Một nguồn tin cho biết, ngoài các công ty thực sự sản xuất chip, các quan chức Mỹ cũng có thể cũng trừng phạt công ty Hi-Tech Pengjin Thâm Quyến và SiCarrier. Họ lo ngại rằng hai công ty sản xuất thiết bị bán dẫn này đang đóng vai trò là người đại diện, giúp Huawei có được thiết bị bị hạn chế.

Huawei chip
(Nguồn: g0d4ather/ Shutterstock)

Chính phủ Mỹ đang gây áp lực lên các đồng minh gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã bổ sung Huawei và 70 công ty con của hãng này vào danh sách đen trừng phạt năm 2019. Tuy nhiên, Huawei đã ra mắt điện thoại thông minh Mate60 vào năm 2023 được trang bị chip 7 nanomet do Trung Quốc sản xuất, được coi là vượt quá khả năng kỹ thuật sản xuất chip của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bộ xử lý này do SMIC sản xuất nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài, bao gồm các công cụ từ ‘gã khổng lồ’ thiết bị ASML của Hà Lan, các nhà cung cấp Applied Materials và Lam Research của Hoa Kỳ.

Các công cụ này đã được mua trước khi biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ và Hà Lan có hiệu lực. Điều này cho thấy, dù ĐCSTQ đang cố gắng thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn hoàn chỉnh ở Trung Quốc, nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn các linh kiện chip sản xuất ở nước ngoài.

Trong một báo cáo năm ngoái, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) có trụ sở tại Washington đã cảnh báo rằng Huawei đang xây dựng một loạt cơ sở sản xuất chất bán dẫn trên khắp Trung Quốc.

Mạng lưới bí mật này cho phép Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ, và đẩy nhanh việc đánh cắp công nghệ chip tiên tiến của phương Tây.

Dữ liệu ngành từ SIA cho thấy, Huawei bắt đầu tham gia sản xuất chip vào năm 2022 và nhận được khoảng 30 tỷ USD tài trợ từ chính quyền Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại, họ “kiên quyết phản đối” các hành động của Mỹ nhằm phá vỡ trật tự thị trường và gây tổn hại đến lợi ích của các công ty Trung Quốc, nhưng không bình luận cụ thể về các biện pháp tiềm năng đang được phía Mỹ xem xét.

Bình Minh (t/h)