Hôm 26/5 vừa qua, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công 2 vệ tinh cuối cùng trong nhóm 4 vệ tinh được thiết kế để theo dõi các cơn bão theo từng giờ. 

theo dõi bão
(Ảnh minh họa: aappp/Shutterstock)

Hai vệ tinh theo dõi bão được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa do công ty Rocket Lab của Mỹ chế tạo, phóng đi từ trung tâm vũ trụ trên bán đảo Mahia tại New Zealand. Như vậy, NASA đã hoàn tất công tác triển khai hệ thống TROPICS với 4 vệ tinh, trong đó mỗi vệ tinh có kích thước như một chiếc hộp đựng giày. TROPICS được kỳ vọng sẽ giúp giới nghiên cứu theo sát hơn sự hình thành và hoạt động của các cơn bão trên Thái Bình Dương, do mỗi vệ tinh có thể bay qua các cơn bão mỗi giờ, trong khi các vệ tinh hiện tại có tần suất bay 6 giờ/lần.

Bên cạnh đó, thông tin thu thập được về lượng mưa, nhiệt độ và độ ẩm có thể giúp các nhà khoa học xác định chính xác hơn nữa cường độ cũng như vị trí bão đổ bộ, qua đó hỗ trợ người dân ven biển sẵn sàng phòng chống bão và khả năng sơ tán khẩn cấp.

Giám đốc NASA – ông Bill Nelson cho biết: “Là một người dân ở Florida, tôi hiểu được rằng những dự báo kịp thời và chính xác về các cơn bão có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với hàng triệu người dân Mỹ. Mưa lớn và lũ lụt gia tăng đang tàn phá sinh kế của người dân và cướp đi nhiều sinh mạng”.

Theo kế hoạch ban đầu, hệ thống TROPICS sẽ có 6 vệ tinh. Tuy nhiên, hồi năm ngoái, NASA đã thất bại trong vụ phóng 2 vệ tinh đầu tiên do tên lửa US Astra gặp trục trặc ngay khi cất cánh.

Phan Anh

Video: Cận cảnh cuộc sống trong khu ‘ống cống’ của thanh niên thất nghiệp ở Đông Quản, Trung Quốc