Ông Hạ Kiến Khuê (He Jiankui), nhà khoa học Trung Quốc từng gây xôn xao dư luận toàn cầu vì “em bé chỉnh sửa gen” của mình, mới đây đã đưa ra một đề xuất mới về chỉnh sửa gen phôi thai người. Nghiên cứu mới nhằm giải quyết căn bệnh Alzheimer (hay còn gọi là chứng sa sút trí tuệ do tuổi già). Một số chuyên gia chỉ trích việc này là quá “điên rồ”, trong khi những người khác đặt câu hỏi liệu ông Hạ Kiến Khuê có học được bài học từ sóng gió trong việc chỉnh sửa gen vừa qua hay không.

ha kien khue chinh sua gen
Nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê. (Ảnh chụp/Youtube)

Ông Hạ Kiến Khuê đã bị thế giới chỉ trích vì vụ “em bé chỉnh sửa gen vào cuối năm 2018. Vì việc này mà ông đã bị chính quyền Trung Quốc kết án 3 năm tù vào năm 2019. Ông tái xuất hiện trước tầm mắt của công chúng vào năm 2022, đồng thời thông báo trên mạng xã hội rằng ông sẽ mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Bắc Kinh. Thông báo gây kinh ngạc cho cộng đồng khoa học toàn cầu.

Đài CNN cho biết, các thông điệp nghiên cứu được đăng trên tài khoản Twitter của ông Hạ Kiến Khuê chủ yếu tập trung vào các kế hoạch đề xuất phát triển liệu pháp gen cho các bệnh hiếm gặp.

Hôm thứ Năm tuần trước (29/6), ông Hạ Kiến Khuê đã tweet một đề xuất mới về chỉnh sửa gen trong phôi thai người, và tuyên bố rằng nghiên cứu này là để ứng phó với bệnh Alzheimer. Dự án này một lần nữa làm dấy lên tranh cãi.

Các chuyên gia cho rằng đề xuất này gợi nhớ đến công việc chỉnh sửa gen trước đây của ông.

Ông Hạ Kiến Khuê cũng đã đính kèm một trang tài liệu vào tweet của mình. Tài liệu cho biết, nghiên cứu đầu tiên sẽ chỉnh sửa gen phôi thai chuột, sau đó là tiến hành chỉnh sửa gen tế bào hợp tử (trứng được thụ tinh) của con người, hoặc hợp tử, để kiểm tra xem các đột biến có “bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer hay không”.

CNN cho biết, không giống như các nghiên cứu cách đây vài năm, thí nghiệm tiềm năng này liên quan đến một loại tế bào hợp tử bất thường thường được coi là không phù hợp để cấy vào cơ thể phụ nữ.

Ông Hạ Kiến Khuê nói rằng thí nghiệm lần này sẽ không phải là vì để mang thai mà cấy phôi thai người vào, hơn nữa thí nghiệm sẽ được “sự cho phép của chính phủ và sự chấp thuận về mặt đạo đức” trước khi nó được bắt đầu.

Phản hồi từ các nhà khoa học và đạo đức học

Hiện vẫn chưa rõ liệu nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê có được chấp thuận ở Trung Quốc hay không. Các chuyên gia bên ngoài Trung Quốc nói rằng đề xuất hiện tại không hợp lý từ quan điểm khoa học. Đề xuất mới này một lần nữa khiến các nhà khoa học và chuyên gia đạo đức y học băn khoăn, hoang mang.

Ông Peter Dröge, phó giáo sư về di truyền học phân tử và sinh hóa tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết: “Thành thật mà nói, toàn bộ việc này quá điên rồ.”

Ngoài những cân nhắc về đạo đức, ông nói, việc tiến hành chỉnh sửa gen phôi thai để giải quyết một căn bệnh phức tạp ảnh hưởng đến người lớn tuổi, hơn nữa lại không có nguồn gốc gây bệnh rõ ràng, là điều “rất đáng nghi ngờ”.

Ông Dröge nói: “Về cơ bản, ông ấy đang cố gắng biến đổi gen của con người để họ không mắc bệnh Alzheimer. Tôi thực sự kinh ngạc khi ông ấy lại thực hiện loại thí nghiệm này lần nữa.”

Bà Trương Duyệt Duyệt (Joy Y. Zhang), giám đốc Trung tâm Khoa học Toàn cầu và Nhận thức công lý (Centre for Global Science and Epistemic Justice) tại Đại học Kent ở Anh, cho biết đề xuất này “giống như một kiểu quảng bá gây cười hơn là một nghị trình nghiên cứu đã được chứng minh”.

Bà nói: “Chúng ta thực sự cần cảnh giác với những tuyên bố công khai này, vì nó có thể khiến bệnh nhân và gia đình họ hiểu lầm và làm tổn hại đến danh tiếng không chỉ của khoa học Trung Quốc mà còn của công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này trên toàn cầu”.

Trả lời câu hỏi của CNN, ông Hạ Kiến Khuê cho biết ông “hiện đang thu thập phản hồi từ các nhà khoa học và nhà đạo đức sinh học”, vẫn chưa có thời gian biểu cho nghiên cứu. Ông cũng nói rằng đề xuất sẽ được sửa đổi, sẽ không có thí nghiệm nào được thực hiện cho đến khi chúng được cấp phép bởi Chính phủ Trung Quốc và được phê duyệt bởi một ủy ban đạo đức quốc tế bao gồm các nhà đạo đức sinh học Mỹ và châu Âu.

Các chuyên gia cho biết, thao tác di truyền của phôi người (dù khả thi hay không khả thi) thường được kiểm soát chặt chẽ trên toàn thế giới, một số quốc gia cấm tất cả các nghiên cứu như vậy.

Về tương lai nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê, bà Françoise Baylis, nhà đạo đức sinh học tại Đại học Dalhousie của Canada, cho biết nhiều vấn đề cần được xem xét, bao gồm liệu ông Hạ Kiến Khuê có chuyên môn khoa học cần thiết để kiểm tra các giả thuyết hay không, và liệu ông có tuân thủ các quy tắc nghiên cứu liên quan đến con người hay không.

Bà Françoise Baylis nói, “Mọi người có thể học hỏi từ những sai lầm và thay đổi hành vi của mình… Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng ông Hạ Kiến Khuê có thể đã không học được bài học từ những sai lầm trong quá khứ của mình”.

Nhìn lại sự kiện chỉnh sửa gen thai nhi của ông Hạ Kiến Khuê

Ông Hạ Kiến Khuê đã công bố sự ra đời của những em bé chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới (Lulu và Nana) vào tháng 11/2018. Khi đó, Hạ Kiến Khuê giới thiệu rằng nhóm của ông đã sử dụng công nghệ CRISPR để chỉnh sửa gen CCR5 trong phôi thai, để đứa trẻ sau này có khả năng tự nhiên chống lại bệnh AIDS.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngay lập tức ca ngợi nghiên cứu này, và Nhân dân Nhật báo ca ngợi đây là một “bước đột phá lịch sử” trong lĩnh vực chỉnh sửa gen. Bản thân ông Hạ Kiến Khuê cũng sớm trở thành một “ngôi sao” trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Vào ngày 23/9/2017, trong một chương trình đặc biệt do CCTV sản xuất để “Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ”, ông  Hạ Kiến Khuê được gọi là “anh hùng mới trong lĩnh vực di truyền của thế giới”.

Tuy nhiên, điều khiến ĐCSTQ và ông Hạ Kiến Khuê cảm thấy bất ngờ, đó là khi thí nghiệm chỉnh sửa gen được công bố trước công chúng, điều họ đón nhận lại không phải là lời khen ngợi mà là sự lên án từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà phê bình chỉ ra rằng về mặt đạo đức, đây là “tùy chỉnh con người”; về mặt kỹ thuật, nhiều vấn đề bất ngờ có thể xuất hiện sau nhiều năm.

Các nhà khoa học và đạo đức quốc tế cho rằng hành động của ông Hạ Kiến Khuê là vô đạo đức, nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến DNA của các thế hệ sau. Trước sự lên án của dư luận quốc tế, Nhân Dân Nhật báo đã khẩn trương xóa bài báo, CCTV cũng gỡ bỏ chương trình tháng 9/2017 khỏi trang web của mình.

Hiệu ứng ngoài mục tiêu” có khả năng xảy ra trong quá trình chỉnh sửa gen, vô tình làm tổn thương các gen khác, dẫn đến các hậu quả như đột biến gen, xóa gen, chuyển đoạn nhiễm sắc thể, v.v. Ông Trần Gia Lâm (Chen Yelin), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu liên ngành Sinh học và Hóa học của Viện Khoa học Trung Quốc, nói với BBC vào thời điểm đó rằng hiệu ứng ngoài mục tiêu của công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR là rõ ràng, “nó có khả năng gây ra tổn thương gen khác. Tác dụng phụ này thường xảy ra ở động vật, xác suất rất cao, và không phải là điều hiếm gặp.”

Sử dụng CRISPR để chỉnh sửa gen của phôi thai gây nhiều tranh cãi hơn là chỉnh sửa gen của bệnh nhân mắc bệnh nan y, bởi vì bất kỳ thay đổi nào trong phôi thai đều có thể được truyền lại cho các thế hệ tương lai. Điều này có nghĩa là ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể có tác động sâu rộng.

Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo rằng những hậu quả không mong muốn có thể xuất hiện nhiều năm sau đó, đồng thời nhấn mạnh cần phải theo dõi bệnh nhân trong thời gian lâu dài.