Máy bay ném bom B-2 là một trong những loại máy bay quân sự đắt tiền nhất của quân đội Hoa Kỳ, đồng thời chi phí vận hành và sửa chữa cũng không hề rẻ. Nhờ sự phát triển của công nghệ in 3D, hiện nay Không quân Mỹ đã có thể chế tạo một số linh kiện của loại máy bay ném bom này với giá thành khá thấp.

may bay nem bom B 2
(Ảnh: Shutterstock)

Theo trang 3Dprint.com, ở bên trái buồng lái của mỗi chiếc máy bay ném bom B-2 đều có bảng điều khiển ổ phụ kiện gắn trên khung máy bay (AMAD). Bảng điều khiển này có 4 công tắc, nếu kích hoạt tất cả các công tắc cùng lúc thì phi công chỉ có thể nhảy dù để sống sót, vì lúc này nguồn điện trên máy bay sẽ bị tắt hoàn toàn.

Vào năm 2018, từng có một phi công điều khiển máy bay B-2 buộc phải nhảy dù khẩn cấp do thao tác nhầm công tắc. Sự cố này cũng khiến phòng thiết kế máy bay ném bom B-2 thuộc Trung tâm quản lý vòng đời sản phẩm của Không quân Mỹ phải tìm ra cách giải quyết.

Tuy nhiên trung tâm này không thiết kế lại bảng điều khiển mới, mà chỉ làm thêm thiết bị bảo vệ cho các công tắc này bằng công nghệ in 3D. Giá của những thiết bị bảo vệ này là 4.000 đô la, được xem là rất rẻ so với giá 2,2 tỷ đô la cho mỗi chiếc máy bay ném bom B-2.

linh kien may bay nem bom 3D
Thiết bị bảo vệ bằng công nghệ in 3D. (Ảnh: Life Cycle Management Center)

Kỹ sư Roger Tyler đến từ phòng thiết kế máy bay B-2 cho biết loại linh kiện này rất đặc biệt và không có thứ tương tự trên thị trường, vì vậy chỉ có thể tự nghiên cứu và sản xuất. Công nghệ in 3D đã giúp họ nhanh chóng thiết kế mô hình ban đầu và hiện đang trong giai đoạn sản xuất cuối cùng. Đây là linh kiện in 3D đầu tiên được phê chuẩn và lắp đặt vào máy bay ném bom B-2.

Theo ông Tyler, “Công nghệ in 3D là con đường đến tương lai. Máy bay ném bom B-2 là đội bay được sản xuất với số lượng ít, chỉ có 20 chiếc, vì vậy mỗi khi có thứ gì đó trên máy bay cần hoàn thành thì giá cả là một vấn đề. Tuy nhiên nhờ sự giúp sức của công nghệ in 3D, chúng tôi đã có thể thiết kế và in ra thứ gì đó được trong vòng 1 tuần, cũng như giữ chi phí ở mức thấp nhất.”

Lực lượng Không quân Mỹ thường cần thay thế các linh kiện của nhiều máy bay theo những cách sáng tạo với chi phí thấp. Vì vậy, cơ quan thiết kế đã thực hiện một số dự án nghiên cứu và phát triển sử dụng phương pháp in 3D để sản xuất các linh kiện, một số linh kiện trong số đó đã được sử dụng trên máy bay chiến đấu F-35.

Theo Epoch Times
Minh Ngọc

Xem thêm: