Reuters dẫn nguồn tin cho hay, công ty bán dẫn TSMC Đài Loan đã thông báo với các đối tác trong chuỗi cung ứng rằng họ đang xem xét xây dựng nhà máy thứ ba tại tỉnh Kumamoto – Nhật Bản là “TSMC Fab-23 Phase 3”, nhằm sản xuất chip 3 nanomet (3nm) – một động thái được cho là khiến Nhật Bản trở thành trung tâm sản xuất chip lớn trên thế giới.

shutterstock 2012047604
Logo Công ty bán dẫn TSMC hàng đầu thế giới của Đài Loan (Ảnh: Jack Hong / Shutterstock)

Được biết quy trình chip 3nm hiện là công nghệ tiên tiến nhất về chip, do đó nếu tin này là đúng thì đây sẽ là thắng lợi lớn cho Nhật Bản. Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tháng 5 năm nay trao đổi quan điểm với các giám đốc điều hành cấp cao của các công ty bán dẫn toàn cầu, vào tháng 10 đã công bố chính sách trợ cấp cho ngành bán dẫn. Ngoài TSMC, chính phủ Kishida cũng đã thành công thu hút đầu tư tại Nhật Bản từ Micron Technology, Samsung Electronics và Powerchip, đồng thời giúp công ty khởi nghiệp trong nước Rapidus thành lập nhà máy sản xuất chip 2nm tiên tiến ở Hokkaido.

Mục tiêu của chính quyền ông Kishida là vào cuối tháng 11 được Quốc hội thông qua kế hoạch ngân sách hỗ trợ sản xuất chip. Để tài trợ cho ngân sách bổ sung, Nhật Bản sẽ phát hành gần 9000 tỷ yên (59,8 tỷ USD) trái phiếu. Theo phân tích của Japan Times, chính phủ Nhật Bản đã nhanh hơn Washington trong việc thiết lập hệ sinh thái bán dẫn trong nước, đã bắt đầu trợ cấp cho các công ty để thu hút các công ty bán dẫn đầu tư nhiều hơn vào Nhật Bản. Nguồn tin cho hay, ước tính rằng một nhà máy sản xuất quy trình 3nm có thể cần khoản đầu tư khoảng 20 tỷ USD, trong trường hợp bình thường chính phủ Nhật Bản thường chịu khoảng 50% chi phí cho các cơ sở đó.

TSMC cho biết trong một tuyên bố: “Chiến lược mở rộng quy mô sản xuất toàn cầu của TSMC dựa trên nhu cầu của khách hàng, cơ hội kinh doanh, hiệu quả hoạt động, hỗ trợ của chính phủ [sở tại], và các cân nhắc về chi phí kinh tế. TSMC tiếp tục thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để hỗ trợ nhu cầu của khách hàng, đồng thời để đáp ứng tăng trưởng cơ cấu trước nhu cầu dài hạn về công nghệ bán dẫn. Chúng tôi đang tập trung đánh giá khả năng thành lập nhà máy thứ hai tại Nhật Bản, hiện chưa có thêm thông tin nào để chia sẻ”.

Nhà máy Nhật Bản thứ hai của TSMC vẫn đang trong giai đoạn đánh giá. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ sản xuất chip 6nm, dự kiến ​​bắt đầu sản xuất vào tháng 12/2024. Mục tiêu của chính phủ Kishida là được Quốc hội thông qua kế hoạch ngân sách trước cuối tháng 11.

Nhận thấy Nhật Bản là nước chủ chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, Liên minh châu Âu (EU) – nơi đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đang tăng cường hợp tác về chip với Nhật Bản. Giám đốc ngành công nghiệp EU Thierry Breton cho biết vào tháng 7 năm nay rằng, EU và Nhật Bản sẽ cùng giám sát chuỗi cung ứng chip và thúc đẩy trao đổi nhà nghiên cứu và kỹ sư, EU cũng sẽ hỗ trợ các công ty bán dẫn Nhật Bản hoạt động tại các nước EU.

Theo Tiêu Man, RFI