Xe tự hành Curiosity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã di chuyển thành công đến Gediz Vallis Ridge, một hệ tầng địa chất quan trọng trên sao Hỏa, nơi lưu giữ manh mối về sự tồn tại của trữ lượng nước lớn trên Hành tinh Đỏ thời xa xưa.

Xe tự hành
Xe tự hành Curiosity. (Nguồn: NASA)

Cụ thể, xe tự hành Curiosity đã đến được khu vực trên vào ngày 14/8 sau nhiều nỗ lực. Được cho là tàn dư của những dòng chảy mạnh bao gồm nước và những vật chất khác, Gediz Vallis Ridge là điểm đến được nhóm khoa học của dự án xe tự hành Curiosity tìm kiếm từ lâu.

Ông Ashwin Vasavada, nhà khoa học thuộc dự án xe tự hành Curiosity tại Phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực (JPL) của NASA ở Nam California, cho biết: “Sau 3 năm, cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy một nơi mà sao Hỏa cho phép xe tự hành Curiosity tiếp cận sườn núi dốc một cách an toàn. Thật hồi hộp khi có thể đưa tay ra và chạm vào những tảng đá được vận chuyển từ những nơi cao trên núi Sharp”.

Trong khi các nhà khoa học vẫn đang phân tích dữ liệu và hình ảnh từ Gediz Vallis Ridge, xe tự hành Curiosity đã chuyển sang thử thách tiếp theo: tìm đường dẫn đến kênh phía trên sườn núi để các nhà khoa học có thể tìm hiểu thêm về cách thức và địa điểm nước từng chảy xuống núi Sharp.

Xe tự hành Curiosity đã đáp xuống Hành tinh Đỏ vào ngày 5/8/2012. Đây là xe tự hành lớn nhất và tinh vi nhất từ trước đến nay mà NASA đưa lên Sao Hỏa để thực hiện hoạt động thám hiểm.

NASA cho biết núi Sharp, với các địa tầng già nhất ở đáy và các địa tầng trẻ nhất ở đỉnh, cung cấp cho các nhà khoa học một “trình tự thời gian trên sao Hỏa”. Nhờ vậy, các nhà khoa học có thể nghiên cứu cách thức sao Hỏa biến đổi từ một hành tinh giống Trái Đất hơn trong quá khứ cổ đại, với khí hậu ẩm và nhiều nước, thành một hoang mạc lạnh giá như ngày nay.

Phan Anh

Video: Bí mật đen tối phía sau “kỷ lục thế giới” về bơi lội của Mao Trạch Đông