Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

30 lo sau rieng viet nam xuat sang trung quoc bi canh bao nhiem kim loai nang
Trái sầu riêng trong nhà vườn tại Bến Tre. (Ảnh minh họa: Chamlong Intarach/Shutterstock)

Ngày 21/3, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho hay vừa có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.

Theo nội dung văn bản gửi đi, Cục Bảo vệ thực vật cho hay nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động – Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp (cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc BVTV và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng); tiến hành khắc phục và tránh tái diễn vi phạm. Thời hạn gửi báo cáo kết quả về Cục Bảo vệ thực vật là trước ngày 1/4/2024.

Đối với cấp cơ quan quản lý, các Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội được giao chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo theo quy định của pháp luật.

Thời hạn báo cáo kết quả kèm hồ sơ liên quan phải gửi về Cục Bảo vệ thực vật là trước ngày 3/4/2024, để Cục này có cơ sở phản hồi tới GACC.

Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam, sản lượng xuất khẩu trong năm 2023 là 493.000 tấn sầu riêng, kim ngạch 2,1 tỷ USD, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022.

Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng thẳng đứng lên 34,6% năm 2023. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332,2 USD/tấn.

Ngày 24/1/2024, Tổng Cục hải quan Trung Quốc (GACC) công bố 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Danh sách này được đăng tải trên website của GACC: http://dzs.customs.gov.cn/dzs/.

Cadimi (Cd) là một kim loại nặng tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh, ít khi tồn tại dưới dạng tinh chất mà thường kết hợp với các nguyên tố khác tạo thành các hợp chất như cadimi oxit, cadimi clorua, cadimi sunfua, cadimi sunfat.

Cadimi được dùng chủ yếu trong mạ điện, sản xuất pin niken-cadimi, các loại nước sơn làm đồ sứ, chén dĩa,… Từ không khí, cadimi di chuyển vào trong đất, nước gây ô nhiễm môi sinh. Trong nông nghiệp, nguồn ô nhiễm cadimi chính là trong các loại phân bón hóa học có chứa phosphate. Việc sử dụng bùn cống thải để bón cho đất cũng là một nguyên nhân dẫn tới tích tụ cadimi trong đất.

Từ đất và nước, camidi tích tụ vào trong cây trồng và sinh vật thủy sinh, đi vào chuỗi thực phẩm, trở thành nguồn gây nhiễm cadimi chính đối với người không hút thuốc (do cây thuốc lá tích tụ lượng lớn cadimi trong lá).

Nhiễm độc cadimi gây rối loạn tiêu hóa, nhiễm độc lâu ngày sẽ làm tổn thương chức năng hoạt động của thận; rối loạn chuyển hóa canxi, kéo theo các bệnh lý về xương như làm yếu xương, biến dạng xương, hủy mô xương, gây ra chứng loãng xương và những cơn đau nhức xương.

Cadimi còn gây tổn thương đường hô hấp với các triệu chứng: Viêm mũi, giảm khứu giác, mất khứu giác. Hít phải bụi chứa oxit cadimi với liều lượng cao gây viêm phổi cấp tính, có thể dẫn tới chết người.

Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư (The International Agency for Research on Cancer – IARC) phân loại cadimi và các hợp chất cadimi là chất gây ung thư nhóm 1.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định giới hạn an toàn cho phép (maximum level) của cadimi trong nước uống là 3µ/l, trong không khí là 5ng/m3, lượng ăn vào hằng tuần có thể chấp nhận được tạm thời (Provisional Tolerable Weekly Intake): 25µg/kg (tương đương 0,025 mg/kg).

Theo Viện Pasteur Nha Trang

Tình trạng nguồn nhiễm cadimi tại Trung Quốc từng được dấy lên liên tục. Hồi tháng 5/2013, Cục Quản lý giám sát thực phẩm – dược phẩm Quảng Châu (Trung Quốc) công bố hơn 44% số gạo được kiểm tra ngẫu nhiên tại TP. Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông) chứa cadmium vượt mức cho phép là 0,2mg/kg.

Trước đó, tháng 9/2012, PGS. TS. DS Nguyễn Hữu Đức (Trường Đại học Y Dược TP.HCM) cho hay lượng cadimi có trong lồng đèn nhựa Trung Quốc là 7.390 mg/kg, cao gấp 123 lần mức mà Bộ Khoa học – Công nghệ quy định (60 mg/kg).

Tại Việt Nam, tháng 12/2016, giới chức tỉnh Quảng Bình tiêu hủy 606,4 tấn hải sản đông lạnh (được đánh bắt từ tháng 4-8/2016) có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng.

Minh Sơn