Trong bối cảnh Apple thúc đẩy dịch chuyển bớt hoạt động sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc, Ấn Độ đã nhanh chóng trở thành điểm đến được ưa chuộng; theo đó ngoài các nhà thầu hiện có của Apple như Foxconn, Pegatron… ở Ấn Độ, thì các công ty bản địa như Tata cũng đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu mới của Apple.

Tim Cook Modi
Từ trái sang: CEO Google Sundar Pichai và CEO Apple Tim Cook nghe phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị thương mại cấp cao Mỹ-Ấn ở Nhà Trắng ngày 23/6/2023. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP qua Getty Images)

Tập đoàn Tata của Ấn Độ đang cố gắng kịp tiến độ hoàn thành nhà máy Tata Electronics mới nằm ở thành phố công nghiệp Hosur thuộc bang Tamil Nadu. Nhà máy nằm cạnh cơ sở sản xuất thiết bị điện tử hiện có của Tata, để cung ứng sản xuất cho thế hệ điện thoại tiếp theo của Apple.

Tata Electronics đang mở rộng năng lực sản xuất nhà máy sản xuất vỏ iPhone lên gấp đôi, diện tích 500 mẫu Anh với khoảng 20 dây chuyền lắp ráp, kế hoạch tuyển dụng khoảng 50.000 công nhân với khoản đầu tư ban đầu hơn 600 triệu USD. Nhà máy mới dự kiến ​​sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024 để sản xuất iPhone 17.

Kế hoạch trong vòng 2 – 3 năm tới Apple và các nhà cung cấp mỗi năm sản xuất 50 triệu iPhone ở Ấn Độ, họ cũng có kế hoạch theo thời gian sau đó sản xuất hàng chục triệu sản phẩm liên quan.

Với tiêu chí tìm kiếm đa dạng hóa sản xuất, công ty Apple đã thúc đẩy Tata Electronics là nhà cung ứng, theo đó giao việc sản xuất vỏ iPhone cho Tata Electronics.

Được biết, hoàn toàn có khả năng nhà máy mới để sản xuất linh kiện điện thoại Apple, nhưng không thể loại trừ khả năng cũng sản xuất linh kiện cho điện thoại di động cao cấp của các hãng khác.

Narasiman, một doanh nhân nổi tiếng ở Hosur, nói với VOA: “Thật đáng tự hào khi Apple hợp tác với một công ty Ấn Độ để sản xuất thế hệ iPhone mới, và điều đó lại ở thành phố của chúng tôi”.

Ông tích cực thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển thành phố nơi ông sống, tin rằng thương hiệu Apple sẽ khiến thành phố của ông trở nên nổi tiếng. Ông nói: “Điều này không chỉ mang lại việc làm và các cơ hội kinh doanh khác cho người dân địa phương, còn khiến chúng tôi vui khi thấy hoạt động kinh doanh này không còn giới hạn ở Trung Quốc… Ấn Độ là tương lai. Apple sớm hay muộn cũng sẽ nhận ra điều này. Câu chuyện độc riêng của Trung Quốc đã kết thúc”.

Ngay khi kế hoạch mở rộng của Tata được công bố, nhà cung ứng lớn nhất của Apple là Foxconn đã mở vòng đầu tư mới trị giá 1,6 tỷ USD vào Ấn Độ, nhằm xây dựng các dự án sản xuất iPhone mới ở Ấn Độ.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng, nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan đã không ngừng thúc đẩy kinh doanh ra bên ngoài Trung Quốc.

Foxconn đã qua vài năm đầu tư ở Ấn Độ sản xuất iPhone, bao gồm cả iPhone 15 mới nhất và các sản phẩm khác. Tháng 9 năm nay, đại diện của Foxconn tại Ấn Độ cho biết trên LinkedIn rằng công ty Đài Loan này có kế hoạch từng bước tăng gấp đôi quy mô kinh doanh tại Ấn Độ.

Khoản đầu tư của Foxconn vào Ấn Độ hiện đã ở mức 8 tỷ USD, nhưng dự kiến ​​sẽ tăng gấp 5 lần trong 3 năm tới.

Chính quyền bang Karnataka của Ấn Độ đã thông báo vào tháng 8 rằng Foxconn có kế hoạch đầu tư 600 triệu USD vào bang miền nam Ấn Độ này, bao gồm một nhà máy sản xuất vỏ iPhone và một nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn hợp tác với U.S. Application Materials.

Ngoài 2 dự án trên, Foxconn còn kế hoạch xây dựng cơ sở trị giá 700 triệu USD trên khu đất rộng 300 mẫu Anh (121 ha) gần sân bay Bengaluru.

Google cũng tiết lộ kế hoạch lắp ráp điện thoại thông minh Pixel tại Ấn Độ. Một số lượng lớn công ty đang đặt cược vào việc biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc – chiến lược mà các nhà phân tích thường gọi là “Trung Quốc + 1”.

New Delhi đang tích cực đưa ra các ưu đãi tài chính đáng kể để thu hút các công ty toàn cầu thiết lập hoạt động sản xuất tại Ấn Độ.

Trong kế hoạch xây dựng hệ sinh thái và nguồn linh kiện tại Ấn Độ, công ty Apple từng bước giảm thiểu phụ thuộc Trung Quốc cũng đã nhắm đến pin iPhone do Ấn Độ sản xuất.

‘Gã khổng lồ’ công nghệ Mỹ này muốn các nhà cung cấp sản xuất các linh kiện chính ở Ấn Độ như một phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Ấn Độ trong năm qua chỉ cho phép các nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc của Apple thiết lập hoạt động sau khi có được đối tác liên doanh địa phương Ấn Độ .

Apple cũng muốn pin cho iPhone 16 thế hệ mới nhất được sản xuất tại Ấn Độ như một phần trong nỗ lực của ‘gã khổng lồ’ công nghệ Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Giáo sư N.K. Goyal, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Ấn Độ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA: “Sau đại dịch COVID-19, trên toàn cầu có xu thế bắt đầu xem xét việc thiết lập các nguồn cung ứng mới, nghĩa là sử dụng các kế hoạch dự phòng linh hoạt để ứng phó tốt khi hoạt động có vấn đề gián đoạn. Là một phần của kế hoạch này, Apple và nhiều công ty khác đã thiết lập chuỗi cung ứng ở Ấn Độ, kế hoạch pin của Apple chỉ là một phần câu chuyện này”.

Công ty giá trị nhất thế giới đã thông báo với các nhà cung cấp linh kiện của mình rằng, họ muốn tìm nguồn pin cho iPhone 16 sắp ra mắt từ các nhà máy ở Ấn Độ.

Giáo sư Goyal cho biết: “Ấn Độ đã đạt được trình độ xuất sắc trong sản xuất, bản thân Apple là hình mẫu cho sự thành công này. Không còn nghi ngờ gì nữa, Ấn Độ có khả năng và quy mô như vậy”.

Các nhà sản xuất pin như Desai của Trung Quốc cũng được khuyến khích thành lập nhà máy mới ở Ấn Độ, trong khi nhà cung cấp pin Sipro Technology của Đài Loan cũng được yêu cầu mở rộng sản xuất tại Ấn Độ để đáp ứng các đơn đặt hàng trong tương lai.

Tại Nhật Bản có TDK là nhà cung ứng của Apple, công ty này đang xây dựng một cơ sở rộng 180 mẫu Anh ở Manesar bang Haryana phía bắc, gần thủ đô New Delhi của Ấn Độ, để sản xuất pin cho iPhone sản xuất ở Ấn Độ.

Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Nhà nước Ấn Độ phụ trách Phát triển kỹ năng và Khởi nghiệp là Rajeev Chandrasekhar chúc mừng Apple, TDK và chính quyền địa phương đã thực hiện mục tiêu của Chính phủ đẩy mạnh hệ sinh thái sản xuất điện tử tại Ấn Độ.

Công ty TDK cho hay đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất pin ở Ấn Độ, kế hoạch bắt đầu hoạt động vào năm 2025.

Các công ty như Desai và Sipro lắp ráp pin do TDK và các công ty cùng ngành sản xuất thành mô-đun gửi chúng đến các nhà lắp ráp như Foxconn.

Trong vài tháng qua nhà sản xuất iPhone đã nỗ lực tăng cường sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ nhưng gặp khó khăn trong việc tái tạo quy mô, tốc độ và chất lượng mà họ đang có tại Trung Quốc.

Động thái mới nhất của Apple nhằm tìm nguồn cung ứng pin bên ngoài Trung Quốc phù hợp với sáng kiến ​​“Sản xuất tại Ấn Độ” của Chính phủ Narendra Modi, nhằm khuyến khích các công ty sẵn sàng đầu tư vào điện thoại di động, pin và các ngành mục tiêu khác.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài VOA, chuyên gia Prachir Singh tại Counterpoint Technology Market Research – một công ty nghiên cứu toàn cầu chuyên nghiên cứu sản phẩm trong ngành TMT (công nghệ, truyền thông và viễn thông), cho biết: “Hệ sinh thái sản xuất điện thoại di động đang không ngừng phát triển tại Ấn Độ. Vài năm trước đây chủ yếu là các nhà lắp ráp điện thoại thông minh, hiện Ấn Độ có trình độ cao hơn trong sản xuất công nghệ có độ chính xác cao, có nhiều nhà sản xuất địa phương về các linh kiện điện thoại thông minh quan trọng như bộ pin, mô-đun máy ảnh và mô-đun màn hình…”.

Năm 2020 Ấn Độ bắt đầu áp đặt các quy định chặt chẽ hơn đối với đầu tư từ Trung Quốc – động thái được đưa ra sau các cuộc đụng độ gây chết người giữa quân đội hai nước ở Thung lũng Galwan và phía đông Ladakh. Là một phần của chính sách này, các khoản đầu tư từ Trung Quốc trước tiên phải được chính quyền trung ương chấp thuận.

Ấn Độ đang tìm kiếm đầu tư nước ngoài để hỗ trợ nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực như xe điện và chất bán dẫn. Tuy nhiên, những nỗ lực của Ấn Độ nhằm thu hút nguồn tài trợ nước ngoài trong các lĩnh vực như điện tử lại xung đột với lập trường cứng rắn của nước này đối với Trung Quốc.

Trong năm qua, chỉ trong trường hợp công ty Trung Quốc cung cấp linh kiện của Apple có được đối tác liên doanh địa phương Ấn Độ, mới được hoạt động tại Ấn Độ.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, Chủ tịch Pankaj Mohindroo của Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ (ICEA) cho biết: “Kể từ năm 2015 đến nay, mức tăng trưởng ngành sản xuất điện thoại di động của Ấn Độ đã tăng chưa từng thấy là 1.800%, nay đã đạt 44 tỷ USD. Ngành công nghiệp sản xuất điện tử đã vượt 100 tỷ USD. Quy mô này sẽ đưa Ấn Độ trở thành cơ sở sản xuất điện tử có quy mô toàn cầu và trình độ hàng đầu thế giới”.

Trường hợp nhà sản xuất pin Sundan có trụ sở tại Thâm Quyến – Trung Quốc vận hành một nhà máy ở bang Uttar Pradesh ngoại ô Delhi cung cấp pin cho Apple, doanh nghiệp này mở nhà máy ở Ấn Độ trước khi chính phủ Ấn Độ áp đặt các hạn chế đối với đầu tư từ Trung Quốc.

Tuy nhiên công ty Trung Quốc Desai đã cung cấp pin cho iPhone trong nhiều năm, có thể gặp trở ngại khi tìm cách xây dựng một nhà máy mới ở Ấn Độ – theo chia sẻ từ các quan chức địa phương và những người trong ngành.

Chuyên gia Singh cho biết: “Phân khúc sản xuất theo hợp đồng đang mở rộng, nhiều công ty EMS (dịch vụ sản xuất điện tử) đang tăng cường sản xuất. Mục tiêu khuyến khích chuỗi sản xuất (PLI) là một trong những yếu tố chính thúc đẩy xu hướng này. Công ty con tại Ấn Độ của Foxconn là Bharat FIH đóng vai trò quan trọng trong phát triển tổng thể hệ sinh thái sản xuất điện thoại thông minh và tận dụng tài năng địa phương, đặc biệt là lực lượng lao động nữ. Các kế hoạch khuyến khích chuỗi sản xuất gần đây do Chính phủ Ấn Độ đưa ra, cùng với các sáng kiến ​​khác ở cấp trung ương và cấp bang đã thúc đẩy ngành sản xuất này tại Ấn Độ. Hiện chúng tôi đang thấy nhiều công ty đầu tư vào Ấn Độ và mở rộng cơ sở sản xuất của họ”.

Các nhà phân tích quan tâm Apple cho rằng việc hãng sản xuất pin này sớm thành lập nhà máy ở Ấn Độ sẽ là lợi thế, nếu chất lượng đạt yêu cầu thì Apple ưu tiên các nhà sản xuất có nhà máy ở Ấn Độ.

Quan hệ đối tác chiến lược với Tata Electronics, Foxconn và Pegatron đánh dấu bước đi tích cực của Apple tại Ấn Độ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc, cũng là bước phát triển quan trọng trong chiến lược sản xuất toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ này.

Apple và Foxconn không trả lời yêu cầu bình luận của VOA.