Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Trump đã khiến vấn đề “tách rời” Mỹ-Trung thành tâm điểm truyền thông; trong đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phong tỏa chuỗi cung ứng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở nhiều nước, thì người Mỹ nhận thức rõ hơn về tính cấp thiết này. Những dữ liệu mới nhất cho thấy xu thế này vẫn gia tăng dù mang tính chọn lọc.

GettyImages 1143921532
Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Bộ Thương mại Mỹ, giá trị nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc 5 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ xuống còn 169 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ – mức thấp nhất trong 19 năm. (Ảnh: MARK RALSTON/AFP/Getty)

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Bộ Thương mại Mỹ, giá trị nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ trước xuống còn 169 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ – mức thấp nhất trong 19 năm.

Phóng viên cấp cao Brendan Murray và Ramsey Al-Rikabi của Bloomberg (chuyên mục chính sách kinh tế và thương mại) gần đây đã có bài phân tích chi tiết việc “tách rời” giữa Trung Quốc và Mỹ. Họ cho rằng mặc dù nhiều công ty vẫn đang xem xét phát triển kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng quá trình “tách rời” (decoupling) đã được dự đoán từ cả thập kỷ qua hiện đang diễn ra, mặc dù nhiều quan chức Mỹ mô tả điều này là “thoát hiểm” hoặc “tránh rủi ro” (derisking).

“Tách rời” là gì?

“Decoupling” trong tiếng Anh có nghĩa là tách khỏi quan hệ đối tác, vì vậy về mặt kinh tế thì “tách rời” có nghĩa là tách khỏi quan hệ đối tác thương mại. “Brexit” của Anh cũng là một kiểu tách rời. Các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, vốn đã buộc nhiều nước phải từ bỏ xuất khẩu sang Nga, cũng là một hình thức tách rời.

Nhưng bài viết của Bloomberg cho rằng sự tách rời của Trung Quốc và Mỹ sẽ không phải là tách biệt hoàn toàn của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà là giảm thiểu sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của hai nước một cách từ từ mang tính ổn định.

Nguồn gốc của “tách rời”

Năm 2001 Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhờ đó phát triển kinh tế nhanh chóng, nhưng quá trình tiếp xúc với xã hội phương Tây không làm ĐCSTQ thay đổi hệ thống chính trị, ngược lại sau khi đạt được lợi ích kinh tế với sự giúp đỡ của phương Tây, thì ĐCSTQ lại gia tăng tham vọng bá chủ toàn cầu.

Bài viết của Bloomberg chỉ ra rằng kể từ khi ĐCSTQ nổi rõ tham vọng thành cường quốc số một thế giới thì niềm tin của người dân Mỹ vào toàn cầu hóa bắt đầu phai nhạt. Năm 2017 Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào Nhà Trắng thề sẽ “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cáo buộc ĐCSTQ về các chính sách kinh tế không công bằng và khởi động các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc, còn được gọi là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, mục tiêu tìm cách tái cân bằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc bằng cách áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Nhưng ĐCSTQ không thực hiện thỏa thuận thương mại đã ký với Mỹ.

Điểm nhấn kích hoạt “tách rời”

Ngay khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị đình trệ, đại dịch viêm phổi Vũ Hán bắt đầu trở thành đại dịch toàn cầu. Do ĐCSTQ kiểm soát việc xuất khẩu một số sản phẩm chủ chốt nên đã dẫn đến tình trạng nhiều nơi trên thế giới thiếu hụt sản phẩm chủ chốt đó (tiêu biểu như thuốc chữa bệnh…), hơn nữa còn gây hỗn loạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khiến trong nhiều tháng sản xuất hàng hóa ở nhiều khu vực trên thế giới bị đình trệ.

Vì vậy mà doanh giới nhiều nước đã bắt đầu tìm kiếm chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, ngoài việc tăng lượng hàng lưu kho thì việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một giải pháp quan trọng. Đối với một số công ty lớn, điều đó có nghĩa là đảm bảo Trung Quốc không còn là nguồn cung duy nhất của họ, hoặc rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc để thay vào là thiết lập cơ sở sản xuất ở các nước như Việt Nam, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ.

Gia tăng tình trạng “tách rời”

Sau khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức, ông tiếp tục chính sách ngăn chặn Trung Quốc đối với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, đồng thời củng cố hơn nữa an ninh quốc gia đối với Trung Quốc thông qua các biện pháp như kiểm soát xuất khẩu, hạn chế đầu tư, tập trung vào vấn đề khoáng sản quan trọng.

Ví dụ, một mục tiêu quan trọng của “Đạo luật Giảm lạm phát” (Inflation Reduction Act) của Mỹ là kiểm soát sức mạnh thị trường của Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô như lithium, coban, niken và magnesi (ma-giê) là những nguyên liệu thô chính cho động cơ điện và pin, đồng thời cũng là những nguyên liệu quan trọng để chuyển đổi năng lượng xanh.

Đạo luật khoa học và chip (CHIPS and Science Act) trị giá 50 tỷ USD của Tổng thống Biden nhằm thực hiện các bước tương tự để đưa việc sản xuất các thiết bị công nghệ cao như chất bán dẫn về nước, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chúng.

Những giao dịch nào bị ảnh hưởng bởi việc “tách rời”?

Tóm lại: những sản phẩm bị áp thuế quan và kiểm soát xuất khẩu đã rơi vào thế “tách rời”. Cụ thể, khoảng 2/3 hàng nhập khẩu của Trung Quốc phải chịu thuế quan từ thời chính quyền Trump, cũng như chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất liên quan mà chính quyền Biden bắt đầu thúc đẩy kiểm soát.

Bài viết của Bloomberg cho rằng chính sách kiểm soát của Mỹ dù hạn chế ở một số lĩnh vực nhất định nhưng lại liên quan nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ quân sự của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất máy giặt, vốn cũng chứa chip dùng trong tên lửa.

Dữ liệu cho thấy xu hướng tách rời có tính chọn lọc

Bài viết trên Bloomberg cho biết, theo một báo cáo vào tháng 3 của Trường Kinh doanh Stern (Stern School of Business) thuộc Đại học New York và ‘gã khổng lồ’ chuyển phát bưu kiện DHL, quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang bắt đầu cho thấy “bức tranh tổng thể” của sự tách rời.

Nghiên cứu cho biết vào năm 2022 hàng nhập khẩu của Trung Quốc chỉ còn chiếm 16,6% tổng hàng nhập khẩu của Mỹ, trong khi mức năm 2017 là 21,6%. Tỷ trọng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của Mỹ năm 2022 cũng giảm xuống 7,3% từ mức 8,4% năm 2017.

Mới đây, dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tổng giá trị hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc chiếm 13,4% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều sản phẩm mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng giảm, đặc biệt việc nhập khẩu các sản phẩm bán dẫn đã giảm một nửa.

Quá trình “tách rời” giữa Trung Quốc và Mỹ dù đang diễn ra nhưng có tính chọn lọc. Một nghiên cứu mới của chuyên gia thương mại Chad Bown tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics) ở Washington cho thấy, so với trước chiến tranh thương mại thì năm 2022 lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu mức thuế 25% đã giảm gần 25%, nhưng tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc không được áp thuế đã tăng 42%, cho thấy vấn đề chọn lọc của xu thế “tách rời” này.