Ngày 9/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt phương án đơn giản hóa hàng loạt thủ tục hành chính trong năm 2017. Vừa tái cấu trúc toàn diện vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính, liệu Bộ Công Thương có đạt mục tiêu?

Theo Quyết định số 4846/QĐ-BCT, Bộ Công Thương sẽ bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ Công Thương quản lý.

Các lĩnh vực được đưa vào kế hoạch đơn giản hóa năm nay bao gồm: Lĩnh vực kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu; Lĩnh vực thương mại quốc tế; Lĩnh vực Công nghiệp nặng; Lĩnh vực kinh doanh phân bón; Lĩnh vực kinh doanh tiền chất công nghiệp; Lĩnh vực hóa chất; Lĩnh vực điện lực; Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá; Lĩnh vực kinh doanh khí; Lĩnh vực Năng lượng; Lĩnh vực an toàn thực phẩm; Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu; Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Lĩnh vực xúc tiến thương mại; Lĩnh vực xuất, nhập khẩu.

Đây là khối lượng công việc lớn, thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc cải cách thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý. Tuy nhiên, số lượng thủ tục đưa vào lộ trình cải cách khá nhiều, nhưng phương pháp cải cách chưa thể hiện được sự chuyển biến căn bản sang hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn đặt định trên cơ sở xin – cho.

Các phương pháp thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn đi theo đường lối truyền thống như cắt giảm thời gian xem xét hồ sơ, loại bỏ một số giấy tờ chứng minh năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Lĩnh vực đạt được thành tựu đáng kể trong việc gỡ bỏ các rào cản hành chính phải kể tới là lĩnh vực kinh doanh khí. Trong kế hoạch lần này, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định 19 vừa mới ban hành, đồng thời gỡ bỏ nhiều quy định áp đặt trước đây cho các cơ sở kinh doanh như: không yêu cầu cơ sở kinh doanh phải sở hữu chai chứa LPG, không yêu cầu phải sở hữu bồn chứa hoặc đi thuê, không yêu cầu thương nhân nhập khẩu phải có trên 40 đại lý;… Có thể nói, lĩnh vực kinh doanh khí đạt được nhiều thành tựu nhất trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính.

Ngày 27/9, một đoàn 50 doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng từ nhiều tỉnh thành đã về Hà Nội tham dự hội nghị đối thoại với Bộ Công Thương. Đại diện của nhóm, bà Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về quản lý kinh doanh gas đặt ra yêu cầu hết sức phi lý và vượt khả năng của doanh nghiệp.

Cụ thể, Nghị định yêu cầu doanh nghiệp phải có 100.000 vỏ bình gas và có kho chứa tới 300 m3, có 20 tổng đại lý, khiến cho những doanh nghiệp đang kinh doanh phải đầu tư lên tới gần 50 tỷ đồng. Đáng nói là nhu cầu thị trường lại có quy mô nhỏ hơn so với số lượng cung ứng của doanh nghiệp, do đó bà Trang cho rằng quy định này vừa quá sức, vừa bất hợp lý vừa lãng phí.

Không thuận lợi như các doanh nghiệp kinh doanh khí, lĩnh vực nhập khẩu ô tô không được nhắc đến trong lộ trình cắt giảm thủ tục hành chính năm 2017, mặc dù Thông tư 20 đã hết hạn và gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

Các lĩnh vực khác cũng đạt được một số cải biến như thủ tục cấp phép xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm tra chất lượng thép, thủ tục xin cấp quyền xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI, … Thủ tục giấy tờ và thời hạn xử lý hồ sơ đã được giảm xuống đáng kể.

Bộ Công Thương thực hiện việc đơn giản hóa hàng loạt thủ tục hành chính trong bối cảnh tái cấu trúc bộ máy toàn diện

Bộ Công Thương đưa ra kế hoạch cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính trong bối cảnh đang sắp xếp lại tổng thể cơ cấu tổ chức của Bộ theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả.  Trước đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra phương án giảm 35 đơn vị trực thuộc Bộ xuống còn 28 bằng cách sáp nhập một số cục, vụ, viện.

Đây là nhiệm vụ rất khó khăn khi công tác tổ chức nhân sự của Bộ Công Thương rất phức tạp, nhiều bê bối. Với những kế hoạch thay đổi của mình, giới truyền thông cũng có các bài nhận định Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đang ở trong “tâm bão”. Tuy nhiên, nếu không có thay đổi thì Bộ Công Thương cũng không thể phát triển và thực hiện đúng chức năng của mình được.

> Tái cơ cấu Bộ Công thương sẽ gặp trở ngại lớn

bo-cong-thuong
Trụ sở của Bộ Công Thương. (Ảnh: legal.moit.gov.vn)

Di sản của Bộ Công Thương

Báo chí đưa tin Bộ Công Thương hiện tại nổi lên rất nhiều vấn đề bất cập, trong đó có rất nhiều mối quan hệ con ông cháu cha được bổ nhiệm “đúng quy trình”, nhiều quy định được cho là cản trở và xâm phạm quyền tự do của doanh nghiệp.

Rất nhiều dự án được phê duyệt, đưa vào quy hoạch ngành dù nhiều cảnh báo sẽ gây hệ quả tàn phá môi trường, 5 dự án thực hiện dở dang gây lãng phí tới hơn 30.000 tỷ đồng… Đây không chỉ là di sản của Bộ Công Thương, mà còn là kết quả của nhiều vấn đề khác liên đới đến Bộ này.

Các chuyên gia nhận định rằng nếu các phương án này được thực hiện thì Bộ Công Thương sẽ trở thành bộ tiên phong cải tổ lớn trong lĩnh vực hành chính. Nhiều người cũng hy vọng Bộ này sẽ nói và làm được chứ không phải chỉ là khẩu hiệu.

Doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất

Nhiều người cũng nhìn nhận nếu việc cải tổ này thành công, sẽ bớt thủ tục rườm rà không cần thiết cho các doanh nghiệp. Không chỉ bớt chi phí, thời gian, mà còn giảm được nạn “bôi trơn” vốn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam.

Ví như Thông tư liên tịch số 58/2015 đưa ra nhiều quy định được xem là làm khổ doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp than các thủ tục không hợp lý như cấp xác nhận kê khai nhập khẩu, cấp bản xác nhận nhu cầu nhập khẩu, cấp thông báo kết quả kiểm tra chất lượng v.v…

Doanh nghiệp cho rằng các thủ tục này không hợp lý do chịu nhiều sự kiểm tra của các cơ quan, đơn vị khác nhau khiến cho thời gian thông quan để lấy được hàng về kéo dài làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Điều này khiến các doanh nghiệp muốn được nhanh hơn thì phải tốn thêm chi phí “bôi trơn”.

Các quy định thủ tục về khuyến mãi trong Thông tư liên tịch số 07/2007 cũng gây bất bình cho doanh nghiệp. Theo đó doanh nghiệp nào có chương trình khuyến mãi phải báo trước cho cơ quan quản lý 7 ngày. Thế nhưng ở nhiều doanh nghiệp, việc lên kế hoạch khuyến mãi chỉ diễn ra 3 ngày, nhiều nhất là các chương trình giảm giá, điều này gây phiền hà, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Công Thương đã bỏ quy định khuyến mãi phải báo trước 7 ngày, doanh nghiệp chỉ cần báo trước khi khuyến mãi là được, không quy định số ngày là bao nhiêu, đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc trực tuyến. Đây là một bước thay đổi tích cực về giảm bớt thủ tục hành chính.

Đối với lĩnh vực thương mại quốc tế, Bộ Công Thương cũng cho phép doanh nghiệp FDI không phải làm thủ tục xin quyền xuất nhập khẩu, mở rộng quyền bán buôn các mặt hàng là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Quyền phân phối bán buôn chỉ giới hạn trong phạm vi một số ngành hàng nhất định thuộc danh mục do Bộ Công Thương ban hành.

Ngoài ra, Bộ cũng đã bỏ một số thủ tục hành chính ở các lĩnh vực khác và nhận được sự đồng tình từ các doanh nghiệp.

Khó khăn nằm ở tinh giản bộ máy

Việc thay đổi một số thủ tục hành chính tỏ ra dễ dàng hơn, trong khi việc tinh giản bộ máy được dự báo là sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như sự không thống nhất trong nội bộ, mà nguồn gốc là do vấn nạn con ông cháu cha, nhiều lãnh đạo trong Bộ đều có những mối quan hệ nên không dễ thuyên chuyển hay sáp nhập.

Thế nhưng nếu không loại bỏ được lãnh đạo, công chức yếu kém, thì việc cải tổ này sẽ chỉ thực hiện được một phần và không có được hiệu quả cao.

Trần Hưng 

Xem thêm: