Ngày 31/8, Tổ chức Bảo vệ Môi trường của Canada đã công bố một báo cáo cho biết hơn 25% sản phẩm trong các cửa hàng 1 USD của Canada có chứa chất độc hại như chì. Tổ chức này thúc giục chính phủ cải thiện tính minh bạch và tăng cường thực thi các quy định về hóa chất độc hại.

shutterstock 453887179
Cửa hàng Dollar Tree. (Ảnh: Lester Balajadia/ Shutterstock)

Tổ chức này đã thử nghiệm hàng chục sản phẩm trong các cửa hàng 1 USD của Canada, gồm đồ điện tử, đồ chơi, đồ hộp và bỏng ngô bằng lò vi sóng.

“Đạo luật Bảo vệ Môi trường Canada” chỉ quy định mức độ độc hại trong các bộ phận có thể tiếp cận như lớp ngoài của sản phẩm. Tuy nhiên, hàm lượng chất độc hại của một số tai nghe trong tai và các bộ phận hàn trong đồ chơi gấp 8.000 lần so với mức giới hạn hàm lượng chì cho phép ở lớp ngoài, báo cáo cho biết.

Bà Cassie Barker, giám đốc dự án về các chất độc hại của Tổ chức Bảo vệ Môi trường, cho biết nếu sản phẩm bị hư hỏng hoặc mài mòn, chì bên trong vẫn sẽ bị lộ ra ngoài. “Cách trẻ em sử dụng sản phẩm, bạn biết rằng chúng sẽ phá vỡ mọi thứ. Do đó, bên trong (chì) nhanh chóng lộ ra bên ngoài”, bà nói.

Nguy cơ nhiễm độc chì đã có lịch sử hơn 50 năm. Nó có thể gây ra sự chậm phát triển và chậm nhận thức đáng kể ở trẻ nhỏ, và có thể dẫn đến bệnh huyết áp cao và tổn thương thận ở người lớn. Nó bị cấm sử dụng trong xăng, hộp thực phẩm và sơn. Cadmium thường được tìm thấy trong pin, sơn và chất ổn định nhựa và là một chất gây ung thư đã được biết đến.

Bà Barker cho biết, 2 kim loại có trong tai nghe đều vượt quá giới hạn cho phép, điều này cho thấy cần phải tăng cường giám sát và thực thi các quy định về chất độc. Bà nói: “Rõ ràng, các nhà bán lẻ không nên trốn tránh trách nhiệm của họ đối với việc cung cấp các sản phẩm an toàn trên kệ hàng.” Nhưng các cơ quan quản lý đang để lại những “lỗ hổng lớn” cho các cửa hàng 1 USD.

Các sản phẩm khác gây lo ngại về môi trường là các hộp thực phẩm được lót bằng Bisphenol A (thường được gọi là BPA). Loại hóa chất này giúp nhựa cứng hơn. Nó đã được thêm vào danh sách các chất độc hại của Canada năm 2010, sau một nghiên cứu liên hệ nó với bệnh tuyến tiền liệt, ung thư vú, vô sinh và các vấn đề về hành vi ở trẻ em. Cùng năm đó, nó đã bị cấm xuất hiện trong bình sữa của trẻ em và các sản phẩm trẻ em bằng nhựa khác.

Báo cáo kêu gọi Cục Môi trường Canada yêu cầu các công ty ghi rõ tất cả các thành phần có hại trong sản phẩm của họ, gồm cả những thành phần ẩn bên trong các sản phẩm điện tử, hoặc được sử dụng trong bao bì. Báo cáo cũng khuyến nghị cần tăng cường thực thi giám sát và kiểm tra sản phẩm, để xác định xem liệu chúng có hại trước khi được đưa lên kệ hay không.

Bà Barker cho biết, thử nghiệm này được thực hiện nhắm vào các cửa hàng 1 USD. Vì đây thường là lựa chọn duy nhất cho những người có thu nhập thấp, hoặc các cộng đồng bị thiệt thòi.

Tổ chức Bảo vệ Môi trường đã cung cấp báo cáo cho các cửa hàng đang được điều tra, gồm Dollar Tree và Dollarama. Một nghiên cứu tương tự được thực hiện ở Hoa Kỳ 2 năm trước đã thúc đẩy việc loại bỏ các sản phẩm có chứa 17 chất hóa học, Dollar Tree cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Môi trường liên bang Canada, ông Steven Guilbeault, cho biết ông sẽ đọc báo cáo và hạ viện sẽ tranh luận về việc cập nhật “Đạo luật Bảo vệ Môi trường” vào mùa thu.