Căng thẳng ở Trung Đông đã tác động đến thị trường toàn cầu, nếu nhiều phe cuốn vào cuộc chiến của Israel chống lại Hamas thì có thể đẩy giá dầu lên cao và gây ra những tác động mới tới nền kinh tế thế giới. Giới đầu tư đang lo ngại và có những toan tính về biến động của thị trường.

Israel Hamas Palestine
Một tên lửa phát nổ ở Thành phố Gaza trong cuộc không kích của Israel vào ngày 8/ 10/2023 trả đũa cho hành động tấn công của phiến quân Hamas vào Israel. (Ảnh của MAHMUD HAMS/AFP qua Getty Images)

Lực lượng Phòng vệ Israel đang chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Hamas để đáp trả cuộc tấn công khủng bố chưa từng có của Hamas khiến hơn 1.400 người Israel thiệt mạng. Trước khi tiến hành một cuộc tấn công trên bộ, nhà chức trách Israel đã yêu cầu hơn một triệu người Palestine sơ tán từ phía bắc Gaza xuống phía nam để tránh nguy hiểm. Israel hôm Chủ nhật (15/10) cho biết, sẽ tiếp tục cho phép người dân ở Gaza (do Hamas kiểm soát) sơ tán về phía nam.

Các nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến giữa Israel và nhóm cực đoan Hamas tại Palestine có thể mở rộng, họ đang nỗ lực đánh giá rủi ro cuộc xung đột ở Trung Đông có khả năng leo thang rộng lớn hơn.

Ben Cahill, thành viên cấp cao của Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Thị trường sẽ có phản ứng khi xảy ra xung đột ở mức độ lớn như vậy”.

Các xu hướng trên thị trường hàng hóa có thể phản ánh rõ nhất “cảm giác khủng hoảng” của thị trường. Nhà đầu tư đổ xô tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng tăng hơn 3%, trong khi đồng USD mạnh lên mức cao nhất trong một tuần, còn giá trái phiếu kho bạc cũng gia tăng.

Giá dầu cũng tăng mạnh, vào ngày 13/10 chỉ số về dầu thô của Mỹ là dầu thô trung cấp West Texas (WTI) tăng lên khoảng 87 USD/thùng, tăng 6% so với ngày 12/10. Còn một chỉ số của châu Âu là giá dầu thô Brent Biển Bắc thì chỉ sau khoảng một tuần cũng lần đầu tiên vượt mốc 90 USD.

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm 0,5% trong phiên giao dịch ngày 13/10. Giá khí đốt châu Âu cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3, do việc đóng cửa tạm thời các mỏ khí đốt của Israel làm dấy lên lo ngại về nguồn cung từ Ai Cập và Jordan.

Chuyên gia kinh tế toàn cầu đứng đầu tại The Economic Outlook Group là Bernard Baumohl cho rằng nếu xung đột lan rộng thì có khả năng dẫn đến lạm phát cao hơn, điều đó sẽ kích thích các ngân hàng trung ương đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất để kiểm soát giá cả tăng vọt.

Theo ông Baumohl, mặc dù bối cảnh này có thể khiến lãi suất ở nhiều nước có thể tăng, thế nhưng Mỹ có thể là một ngoại lệ, nếu các nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ khiến lãi suất giảm và đồng USD mạnh lên.

Cố vấn kinh tế trưởng tại UniCredit Group là Erik Nielsen cho biết: “Tôi không biết liệu thị trường có tiếp tục diễn biến tương đối tốt hay không. Điều đó gần như chắc chắn phụ thuộc vào việc các xung đột gần đây ở Trung Đông có còn mang tính cục bộ hay sẽ leo thang thành một cuộc chiến rộng lớn hơn”.

Xung đột Israel-Palestine tiếp tục diễn ra có thể dẫn đến những bất ổn mới ở Trung Đông, thị trường tài chính toàn cầu chắc chắn sẽ vẫn hết sức lo ngại về điều này.

Thứ Sáu tuần trước (13/10), Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan đã đưa ra một tuyên bố cùng lúc với việc ngân hàng công bố thu nhập hàng quý, cảnh báo rằng cuộc chiến Nga – Ukraine và xung đột vùng Trung Đông có thể gây ra hậu quả sâu rộng đối với thị trường năng lượng và thực phẩm, thương mại toàn cầu và quan hệ địa chính trị, đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất thế giới trong nhiều thập niên qua.

Ông nói thêm, “Tuy chúng tôi hy vọng điều tốt nhất, chúng tôi cũng chuẩn bị cho nhiều kết quả khác”.