Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dự kiến thu phí cao nhất hơn 430.000 đồng
- Đức Minh
- •
Sau gần 45 ngày thông xe, Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đã đề xuất thu phí cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (dài 51km) với mức cao nhất lên đến 8.400 đồng/xe/km. Cao tốc này không có làn dừng khẩn cấp gây tranh cãi và được cho là dễ xảy ra va chạm, tai nạn.
Sáng ngày 14/6, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận đã có đề xuất về mức giá vé qua trạm thu phí cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin.
Theo đó, toàn tuyến cao tốc dài 51km này có 5 mức phí từ 108.000-432.000 đồng/xe, tương đương từ 2.100-8.400 đồng/km.
Theo phương án tài chính đã được phê duyệt, dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sẽ có thời gian thu phí hoàn vốn là 14 năm 8 tháng 12 ngày và cứ mỗi 3 năm sẽ được tăng giá vé thêm 15%.
Công ty này dự kiến thời gian thu phí sẽ bắt đầu từ ngày 1/7/2022, tức sau 2 tháng chính thức thông xe.
Ngoài ra, theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, trong thời gian cho xe lưu thông từ ngày 30/4/2022, trung bình lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến chính của dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận là khoảng 23.000 lượt/ngày đêm.
Như vậy, trường hợp áp dụng đối với loại xe có mức phí thấp nhất khi đi toàn tuyến là khoảng 108.000 đồng/xe, thì với lưu lượng 23.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày đêm, doanh thu thu phí đạt khoảng 2,48 tỷ đồng/ngày đêm, tức khoảng 906 tỷ đồng/năm.
Còn trường hợp áp dụng mức giá vé trung bình của các loại xe nêu trên khi đi toàn tuyến là khoảng 238.000 đồng, doanh thu của dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là 5,47 tỷ đồng/ngày đêm, tức đạt khoảng 1.998 tỷ đồng/năm.
“Cao tốc” 4 làn với tốc độ tối đa chỉ 80km/h, không có làn dừng khẩn cấp gây nhiều tranh cãi
Được biết, cao tốc Trung Lương–Mỹ Thuận có chiều dài 51 km với mặt đường rộng 17 m, được thiết kế có 4 làn xe (không có làn dừng khẩn cấp), tốc độ tối đa 80 km/h – tốc độ tối thiểu 60 km/h. Tổng vốn đầu tư cho tuyến cao tốc này là trên 12.200 tỷ đồng. Dự án này nằm trong trục tuyến cao tốc Bắc Nam, được khởi công vào năm 2009 với kế hoạch đưa vào sử dụng năm 2013 nhưng đến nay mới chính thức đưa vào khai thác.
Ông Cao Văn Hòa – Phó giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận cho biết từ ngày 25/1-9/2, trong 15 ngày lưu thông, tuyến đường này đã xảy ra 24 vụ va chạm giao thông, 99 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, 249 trường hợp xe bị nổ lốp, 80 trường hợp xe hết xăng, dầu…
TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường của Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết làn dừng khẩn cấp thiết kế phía ngoài cùng bên phải của cao tốc. Làn đường này thường hẹp hơn các làn khác, giúp xe bị sự cố có thể lập tức tấp vào, hạn chế ùn tắc, giảm thiểu tai nạn so với việc phải dừng trên phần đường chính. Làn dừng khẩn cấp còn tác dụng để các xe ưu tiên như cứu thương, cứu hoả, cảnh sát… chạy vào trong trường hợp khẩn cấp, báo Vnexpress đưa tin.
“Tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận khi khai thác có mật độ xe rất lớn, bởi là trục giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy nếu chỉ sự cố nhỏ sẽ xảy ra gây ùn tắc nghiêm trọng”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thiết kế 6 điểm dừng khẩn cấp. Tuy nhiên điều này không thay thế được tác dụng làn dừng khẩn cấp. Ông Minh nêu ví dụ, khi lưu thông ô tô không biết khi nào sẽ xảy ra sự cố, nếu vị trí xảy ra sự cố khiến xe không thể di chuyển đến điểm dừng khẩn cấp, việc này sẽ dễ gây ra tai nạn nếu xe dừng ngay trên đường chính và nguy hiểm cho các xe phía sau. Các xe cứu nạn, cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường kịp thời.
Từ khóa cao tốc Bắc - Nam Phí cao tốc cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận