Công ty cổ phần (CTCP) BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết mức thu phí 2.100 đồng/km (mức thấp nhất) của dự án do báo chí trong nước đưa tin là dự toán phương án tài chính. Hiện công ty chưa có giá vé chính thức, đang cân nhắc vị trí đặt trạm để thống nhất phương án thu phí toàn tuyến TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Screenshot 3
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến là 51 km (Ảnh chụp màn hình/Google Maps)

Ngày 11/2, CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết sau khi dừng vận hành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, công ty này sẽ tiếp tục hoàn thành các công trình còn lại để thực hiện nghiệm thu, sau đó đưa vào vận hành chính thức, dự kiến vào tháng 4/2022.

“Sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu thì mới tính toán lại và khi đó mới xác định được mức thu, giá vé chính thức. Thời điểm này, phía tỉnh Tiền Giang cũng mới đề xuất lên Bộ GTVT để xây trạm thu phí tuyến chính (do chưa thống nhất được phương án thu phí toàn tuyến TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ). Sau khi Bộ GTVT có ý kiến mới triển khai xây trạm và thời gian thực hiện mất khoảng 6 tháng”, đại diện CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho hay, báo Tiền Phong dẫn lời.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 51 km với mặt đường rộng 17 m, được thiết kế có 4 làn xe (không có làn dừng khẩn cấp), tốc độ tối đa 80 km/h – tốc độ tối thiểu 60 km/h. Tổng vốn đầu tư cho tuyến cao tốc này là trên 12.200 tỷ đồng.

Dự án này nằm trong trục tuyến cao tốc Bắc Nam, được khởi công vào năm 2009 với kế hoạch đưa vào sử dụng năm 2013. Tuy vậy, đến ngày 25/1/2022, tuyến đường mới được đưa vào thông xe thử nghiệm, đến ngày 11/2 thì ngừng hoạt động để hoàn thành các hạng mục còn thiếu.

Tại công văn gửi Bộ GTVT Việt Nam cuối tháng 1/2022, UBND tỉnh Tiền Giang trình phương án đối với việc đặt trạm thu phí của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận như sau:

– Đặt 1 trạm tạm trên tuyến chính tại Km51+940 khu vực nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) để kiểm soát toàn bộ các phương tiện ra vào tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

– Trong quá trình khai thác, nhà đầu tư theo dõi tình hình thực tế và đề xuất phương án đặt thêm 1 trạm trên tuyến chính tại khu vực nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang) trong trường hợp cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành nhưng chưa thu phí. Vị trí đặt trạm này cần phù hợp với nút giao cao tốc Cao Lãnh – An Hữu.

UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT đưa ra ý kiến đối với phương án đặt trạm thu phí trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận để tỉnh này phối hợp với CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tiến hành việc đặt trạm.

Theo dự toán tài chính ban đầu, mức thu phí thấp nhất tại cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là 107.100 đồng (2.100 đồng/km – nhóm 1); cao nhất là 428.400 đồng (8.400 đồng/km – nhóm 5), theo báo Giao Thông.

Mức phí dự toán của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận so với mức phí của cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (chiều dài 55km, tốc độ tối đa 120km/h):

muc phi du toan cao toc trung luong my thuan
(Số liệu: Quang Minh tổng hợp/Epass-vdtc.com.vn)

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ kết hợp với cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo thành tuyến cao tốc xuyên suốt từ TP.HCM về Cần Thơ, gồm: cao tốc TP.HCM – Trung Lương; Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ. Tổng chiều dài 3 tuyến cao tốc hợp lại khoảng 136 km.

Tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương với chiều dài khoảng 62 km đã đưa vào sử dụng từ năm 2010.

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được khởi công từ tháng 1/2021, chiều dài khoảng 22,97 km với tổng mức đầu tư hơn 4.820 tỷ đồng. Giai đoạn một của dự án này có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc tối đa 80 km/h. Thời gian thi công dự kiến 24 tháng, đưa vào sử dụng từ năm 2023.

Quang Minh

Xem thêm: