Giám đốc điều hành Intel, ông Gelsinger cho biết tại Diễn đàn Davos rằng Trung Quốc tụt hậu so với ngành bán dẫn toàn cầu về sản xuất chip khoảng 10 năm, và tình trạng này sẽ còn tiếp tục.

Gelsinger
Giám đốc điều hành Intel Gelsinger. (Ảnh: Intel.com)

Theo CNBC, hôm thứ Tư, tại Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới 2024 ở Thụy Sĩ, người đứng đầu Intel – ông Gelsinger đã chỉ ra rằng chính sách xuất khẩu hiện tại của nhiều quốc gia, cùng với việc thiếu sự liên kết trong ngành đã khiến quá trình sản xuất chip của Trung Quốc bị tụt hậu 10 năm, và đó là khoảng cách bền vững.

“Các chính sách xuất khẩu được thực thi gần đây, chúng tôi đã thấy việc thực hiện (chính sách) của Hà Lan, chính sách của Mỹ, chính sách của Nhật Bản, ở một mức độ nào đó đã đặt ra giới hạn thấp nhất cho (ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc) trong phạm vi 10 đến 7 nanomet.” Ông nói, ” Chúng tôi đang chạy đua để đạt được quy trình dưới 2nm và sau đó là 1,5nm, và bạn biết đấy, chúng tôi không thể nhìn thấy điểm kết thúc.”

Ông Gelsinger phân tích rằng điều này không có nghĩa là Trung Quốc không đổi mới, mà đây là một ngành có tính liên kết cao, bao gồm ống kính từ Zeiss, lắp ráp thiết bị từ ASML, hóa chất và in thạch bản từ Nhật Bản, mặt nạ quang của Intel sản xuất, v.v.

Hiện tại, xưởng đúc SMIC của Trung Quốc có công nghệ xử lý 7 nanomet, chậm hơn TSMC và Samsung khoảng 5 năm rưỡi. Đồng thời, theo báo chí đưa tin, Shanghai Huali Microelectronics Co., Ltd. (HLMC) đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm chip dựa trên quy trình sản xuất FinFET 14 nanomet vào năm 2020, tức là chậm hơn TSMC 9 đến 10 năm.

Tuy nhiên, cả SMIC và Huali Microelectronics đều sử dụng các công cụ được sản xuất tại Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ, cũng như nguyên liệu thô hoàn toàn của Nhật Bản.

“Tất cả những điều đó cộng lại, tôi nghĩ đó là khoảng cách 10 năm, hơn nữa tôi nghĩ đó là khoảng cách 10 năm bền vững dựa trên các chính sách xuất khẩu đã được áp dụng.”

Chính quyền Biden đã áp đặt một loạt hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc kể từ năm 2022, cấm không chỉ xuất khẩu chip tiên tiến mà còn cả phần mềm thiết kế chip, thiết bị sản xuất và linh kiện do Mỹ sản xuất. Không chỉ vậy, những lệnh cấm này còn bao gồm việc cấm xuất khẩu chip của bất kỳ công ty nào trên thế giới sử dụng công nghệ bán dẫn của Mỹ.

Nếu những tuyên bố của Giám đốc điều hành Intel là đáng tin cậy thì các biện pháp trừng phạt này hiện có vẻ đang phát huy tác dụng như dự định. Khi Trung Quốc tiếp tục tụt hậu so với những hạn chế này, các nhà sản xuất chip như Intel đang hướng tới tương lai.

Ông Gelsinger cho biết, một nhà máy sản xuất chip mới quy mô lớn đang được phát triển ở Đức sẽ là “cơ sở sản xuất tiên tiến nhất trên thế giới”.