Gần 77% người tìm việc tại TP.HCM có trình độ đại học trở lên, tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng đối với nhóm này từ phía doanh nghiệp chỉ chiếm 22,85%, trong xu hướng việc làm những tháng cuối năm 2023.

Trên cả nước, trong 9 tháng qua, 118,4 nghìn người đã mất việc; TP.HCM đứng thứ hai trong bảng sa thải với 34,6 nghìn người.

tim viec lam tphcm
Một nhân viên khách sạn 5 sao trong giờ làm việc, tại TP.HCM, tháng 5/2014. (Ảnh minih họa: Xuanhuongho/Shutterstock)

Cứ mỗi ngày có hơn 1.300 người mất việc

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo định kỳ, cho hay trên cả nước, lao động có việc làm “có xu hướng tăng nhưng tăng chậm”.

Riêng trong quý 3/2023, số lao động bị mất việc lên tới 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với quý trước, tức bình quân cứ mỗi ngày có 1.315 người bị sa thải. Số lao động mất việc tập trung chủ yếu ở Bình Dương (33,6 nghìn người) và TP.HCM (34,6 nghìn người), do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày.

Xét về vùng, ĐBSCL và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,87% và 3,08%.

Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng buộc phải cho lao động nghỉ giãn việc vẫn tiếp diễn – Tổng cục Thống kê nhận định. Trong quý 3/2023, cả nước có khoảng 54,2 nghìn lao động bị cho nghỉ giãn việc, giảm 187,3 nghìn người so với quý trước. Trong đó, phần lớn lao động bị giãn việc tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (66,3%), lần lượt chiếm 31,9% ở ngành da giày và 30,9% ở ngành dệt may.

Trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, chỉ giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,73%; khu vực nông thôn là 2%. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2023 là 2,02%, chỉ giảm 0,27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2023, thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 6,8%, tương ứng tăng 451 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm gần 65% trong 9 tháng qua, chỉ giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp cao hơn đại học, sau đại học

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi) cũng vừa công bố báo cáo thị trường lao động quý 3 và nhu cầu nhân lực quý 4/2023 tại TP.HCM.

Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát hơn 14.500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 70.000 chỗ làm việc và 32.305 người tìm việc.

Theo báo cáo, người lao động tìm việc có trình độ đại học trở lên chiếm gần 77% tổng số. Con số này với nhóm lao động tìm việc có trình độ cao đẳng là hơn 20%, trung và sơ cấp là gần 2%. Nhóm lao động có trình độ phổ thông chỉ có 0,53% người tìm việc (tìm việc tại các vị trí như công nhân đóng gói, may mặc, nhập liệu tại nhà…).

Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp xét theo trình độ chuyên môn có phần đồng đều giữa các nhóm, mặc dù nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp cao nhất, chiếm 27,17%. Thứ đến là nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng chiếm 24,61%, sau đó mới đến nhu cầu đối với nhóm trình độ đại học trở lên, 22,85%.

Với nhóm lao động có trình độ sơ cấp, nhu cầu tuyển dụng chỉ chiếm 11,82% và nhu cầu nhân lực ở nhóm lao động phổ thông cao hơn, chiếm 13,55%.

Với 13,55% nhu cầu tuyển dụng rơi vào nhóm lao động phổ thông, có gần 9.500 vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở các nhóm kinh doanh thương mại, bảo vệ, tư vấn, chăm sóc khách hàng, kho bãi…

Theo đó, nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên đang gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm việc so với các nhóm khác.

Điều này có thể có ít nhiều quan hệ đến mức lương mong muốn và mức lương nhà tuyển dụng chi trả. Khảo sát của Falmi chỉ ra có trên 40% người tìm việc mong muốn lương mỗi tháng trên 20 triệu đồng, gần 21% lao động muốn lương trên 15-20 triệu đồng, mức từ trên 10-15 triệu đồng chiếm 26% và còn lại mong muốn lương từ 5-10 triệu đồng.

Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu mức lương của doanh nghiệp trong quý 3 tập trung vào nhóm lao động có mức lương 10-15 triệu đồng (chiếm gần 34,3%). Tiếp đến là nhóm lao động có mức lương 15-20 triệu đồng (gần 26,5%); nhóm lao động có mức lương 5-10 triệu đồng (hơn 22,4%); nhóm lao động cao cấp có mức lương trên 20 triệu đồng (gần 14,8%).

Thị trường việc làm có nhu cầu ít nhất đối với nhóm lao động phổ thông, có mức lương dưới 5 triệu đồng (khoảng 2%).

Báo cáo này cho hay dự kiến trong quý 4/2023, nền kinh tế TP.HCM cần khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ (chiếm hơn 70,1% tổng nhu cầu nhân lực), khu vực công nghiệp – xây dựng (chiếm gần 29,7%)…

Nguyễn Minh