Tổ chức nghiên cứu New World Wealth và công ty tư vấn đầu tư nhập cư Henley & Partners đã đưa ra một báo cáo chỉ ra: Việt Nam đang không ngừng phát triển hướng tới khả năng của một trung tâm sản xuất toàn cầu, trong 10 năm tới Việt Nam sẽ đạt đỉnh cao về tăng trưởng tài sản.

r shutterstock 1892177602
Cầu Bãi Cháy ở thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Qcon / Shutterstock)

Nhà phân tích Andrew Amoils của New World Wealth cho biết, dự kiến tài sản của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ tăng 125%, theo phân tích tính theo GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú thì đây sẽ là mức tỷ lệ tăng trưởng tài sản lớn nhất thế giới.

“Việt Nam là cơ sở sản xuất ngày càng được các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia chú trọng”, Amoils nói với Kênh Kinh doanh và Tin tức Người tiêu dùng Mỹ (CNBC).

Ông cũng cho biết rằng Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027, tài sản của Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng 110%, đứng thứ hai.

Theo ông nhận định, Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú và 58 tỷ phú, được coi là tương đối an toàn so với các nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, điều này mang lại thêm động lực cho các công ty thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Trong một báo cáo đưa ra vào năm ngoái, Công ty tư vấn quản lý McKinsey cũng cho biết những yếu tố giúp Việt Nam trở thành “điểm đến hàng đầu” cho đầu tư quốc tế: vị trí chiến lược tuyệt vời nằm gần các tuyến thương mại hàng hải lớn, chi phí lao động thấp, và cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu rất tốt.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2.190 USD, nhưng hiện nay đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD.

Căng thẳng Mỹ – Trung kéo dài cũng khiến Việt Nam trở thành một phần trong chiến lược “Trung Quốc + 1”, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển một phần năng lực sản xuất sang Việt Nam.

Năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 36,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, một số trở ngại có thể cản trở tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Brian Lee của Maybank nói với CNBC rằng, lực lượng lao động của Việt Nam cần được đào tạo nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của các hoạt động sản xuất phức tạp và áp dụng công nghệ mới. Ông cho hay, Việt Nam muốn tối đa hóa lợi ích của đầu tư trực tiếp nước ngoài thì nên thúc đẩy nhiều biện pháp hơn, hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty nước ngoài và các đối tác trong nước. Tuy nhiên suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường phát triển, từ đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đồng tiền mất giá mạnh cũng có thể gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.