Với số lỗ treo lơ lửng hàng chục nghìn tỷ đồng cùng với đề xuất quay về “cơ chế cũ” tăng giá điện để bù lỗ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra thông điệp “mất cân đối tài chính” để đẩy nhanh quá trình tăng giá từ 6 tháng/lần xuống còn 3 tháng/lần. Chuyên gia kinh tế cho rằng không nên tiếp tục để EVN độc quyền thị trường điện như hiện nay, mà nên để doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, tạo động lực thay đổi.

EVN dien luc vietnam nha may nhiet dien vinh tan binh thuan 2286633343
EVN tiếp tục lỗ và muốn tăng giá điện để bù đắp, “vòng xoáy” lặp lại và người dân thiệt hại nhất. (Ảnh minh họa: Duc Huy Nguyen/Shutterstock)

Tại Diễn đàn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Tiến sỹ Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Không nên giao cho Tập đoàn EVN làm nhiệm vụ của Nhà nước nữa, để cho doanh nghiệp tự làm, tự cạnh tranh. Đến bây giờ, không có lý gì mà chúng ta không đánh giá được thị trường điện, vấn đề chỉ là e ngại, sợ nhiều quá thôi”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam dẫn lời.

Ông Thiên cho biết tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài nếu giữ cách quản lý như hiện nay.

Bởi vì, khi Nhà nước giữ cơ chế định giá để duy trì giá điện cố định sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu. Nếu duy trì điện giá thấp nghĩa là đang khuyến khích tiêu dùng điện chứ không khuyến khích sản xuất điện.

Gần đây, khi giá điện và giá điện tái tạo được điều chỉnh, lập tức nguồn cung được bổ sung ngay, sản lượng điện tăng lên. Đây là yếu tố góp phần quan trọng thay đổi cán cân nguồn cung điện.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh “không thể can thiệp bằng mệnh lệnh” mà cần để thị trường vận hành.

Nếu EVN lỗ và bù đắp bằng cách tăng giá điện, như vậy tiếp tục lỗ thì tiếp tục tăng giá? Vấn đề sẽ mãi không giải quyết nếu vòng lặp này duy trì, ông Cung nhận định.

Tính riêng năm vừa qua, Tập đoàn EVN đã lỗ tới hơn 1 tỷ USD (chưa tính lỗ tỷ giá) và liên tục đưa ra “cảnh báo” mất cân đối tài chính với Chính phủ Việt Nam.

EVN muốn nhanh chóng tăng giá điện và đưa các khoản lỗ vào giá thành, tức để người tiêu dùng gánh các khoản lỗ của tập đoàn này.

Với vị thế độc quyền thị trường điện rất quan trọng, EVN gần như được đáp ứng các đề xuất với Bộ Công thương, cũng như các cơ quan Chính phủ.

Đơn cử như từ ngày 4/5/2023, EVN tăng giá thêm 3%, lên mức 1.920 đồng/kWh (chưa gồm VAT) nhưng tuyên bố chưa đủ bù lỗ. Hay đề xuất của tập đoàn này về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng/lần còn 3 tháng/lần đều có thể được Chính phủ thông qua.

Dù các đề xuất nêu trên của EVN có góp phần vào giải quyết các vấn đề trước mắt nhưng nhiều chuyên gia khẳng định biện pháp lành mạnh cung cầu chính là cần phải xóa bỏ vị trí độc quyền ở thị trường điện của EVN.

Hạo Thiên