Trước tình hình kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao ngày càng leo thang của Hoa Kỳ, công ty bán dẫn lớn của Hàn Quốc SK Hynix cho biết họ sẽ xem xét việc bán các cơ sở sản xuất chip của mình ở Trung Quốc trong trường hợp xấu nhất nếu việc hoạt động tại Trung Quốc trở nên quá khó khăn.

shutterstock 2200221911
Trụ sở SK Hynix tại San Jose, California, Hoa Kỳ. (Nguồn: Tada Images/ Shutterstock)

“Như một kế hoạch dự phòng, chúng tôi đang cân nhắc việc bán nhà máy, bán thiết bị hoặc chuyển thiết bị sang Hàn Quốc”, Giám đốc Tiếp thị Kevin Noh của SK Hynix cho biết trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý III qua điện thoại.

Ông Kevin Noh nói với các nhà phân tích rằng ‘gã khổng lồ’ chip nhớ đang chuẩn bị cho nhiều trường hợp khác nhau, gồm lệnh cấm của Washington có thể ngăn công ty này có được thiết bị cần thiết, để duy trì nhà máy DRAM (Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động hay RAM động) tại thành phố Vô Tích, Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh: “Đây là một kế hoạch dự phòng. Chúng tôi muốn (tiếp tục) hoạt động mà không phải đối mặt với tình huống này.”

Ông thừa nhận hoạt động của nhà máy Vô Tích gần Thượng Hải “không thể không bị ảnh hưởng” bởi nhiều hạn chế.

Hai tuần trước, SK Hynix thông báo rằng họ đã nhận được sự miễn trừ 1 năm từ Washington, có thể sản xuất chip nhớ tiên tiến tại Trung Quốc bằng công nghệ của Hoa Kỳ. Nhưng Kevin Noh cho biết ông không chắc liệu công ty có thể được gia hạn sau khi hết thời hạn hay không.

“Chúng tôi hy vọng ​​sẽ được tạm hoãn hàng năm, nhưng điều này không chắc chắn. Điều này rất không chắc chắn,” ông Kevin Noh nói.

SK Hynix là nhà sản xuất DRAM lớn thứ 2 thế giới. Theo Nikkei Asia, nhà máy Vô Tích sản xuất hơn 40% chip DRAM của công ty. Loại chip này được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh và ô tô.

Trong tháng này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các quy tắc sâu rộng hạn chế bán chất bán dẫn, và thiết bị sản xuất chip cho khách hàng Trung Quốc, đánh vào nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng nền tảng của ngành công nghiệp chip.

Các nhà máy Wafer (đĩa bán dẫn) Nam Kinh của TSMC, Samsung Electronics và SK Hynix tại Trung Quốc đều có thời hạn miễn trừ 1 năm, cho phép họ nhập khẩu các thiết bị theo yêu cầu của nhà máy. Nhưng áp lực địa chính trị gia tăng đã buộc những ‘gã khổng lồ’ bán dẫn này phải đánh giá lại các chiến lược sản xuất của mình.

Một số người tin rằng sự miễn trừ của Washington có lẽ là cho họ một thời hạn để thực hiện việc chuyển đổi, chứ không phải là tín hiệu cho phép họ tiếp tục hưởng lợi. Nếu thời gian miễn trừ hết hạn mà không thể kéo dài, các công ty này chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, về việc nộp đơn và xem xét từng trường hợp cụ thể.

Ông Brady Wang, nhà phân tích tại Counterpoint, công ty nghiên cứu thị trường công nghệ, cho biết các nhà máy sản xuất chip nhớ tiên tiến đòi hỏi đầu tư lớn, và phải liên tục nâng cấp để duy trì tính cạnh tranh. Các hạn chế mới nhất của Hoa Kỳ sẽ tạo ra sự không chắc chắn rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất chip quốc tế ở Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, ông Kim Yang-paeng, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET), nhận định Mỹ đang gửi một thông điệp tới Samsung và SK Hynix rằng họ cần phải rút khỏi Trung Quốc, và xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ.

Ông Kim Yang-paeng nói: “Đây là một áp lực khiến họ phải rút khỏi Trung Quốc, và xây dựng nhà máy ở Mỹ trong ngắn hạn. Washington là lực lượng mạnh nhất trong ngành bán dẫn.”

“Chúng tôi tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ tiếp tục theo đuổi lập trường diều hâu (cứng rắn) và duy trì mức lãi suất cao trong năm 2023. Do đó, tình hình vĩ mô sẽ tạo thêm áp lực với nhu cầu phần cứng công nghệ”, ông CW Chung – nhà phân tích cấp cao tại Nomura, cho biết.

Hôm thứ Tư (26/10), SK Hynix cảnh báo rằng họ sẽ cắt giảm một nửa chi tiêu vốn vào năm 2023, để phản ánh nhu cầu về điện tử đang suy yếu.

SK Hynix đã công bố báo cáo tài chính quý III, tổng lợi nhuận hoạt động công ty là 1.700 tỷ Won (khoảng 1,2 tỷ USD), giảm 66,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu giảm 7%, xuống còn 11.000 tỷ Won (khoảng gần 7,72 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình Minh (t/h)