Cơn lốc giá vàng được thúc đẩy bởi việc tích trữ vàng lượng lớn, liên tục của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Với số vàng tích trữ, Trung Quốc có thể đã chiếm quyền kiểm soát thị trường và tạo giá vàng. Khi lướt sóng cùng “Cá nhà táng”, các nhà đầu tư nên lường trước các rủi ro để không bị nhấn chìm giữa cuộc chơi.

Vang
(Nguồn: KsanderDN/ Shutterstock)

Theo dữ liệu chính thức công bố ngày 7/4, lượng vàng do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nắm giữ đã tăng lên 72,74 triệu ounce (tương đương với 2.062 tấn) trong tháng 3/2024. Đây là tháng thứ 17 liên tiếp Ngân hàng trung ương này mua vàng bất chấp giá cả tăng cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số thực sự Trung Quốc tích trữ có thể lớn hơn nhiều.  Trong bài viết trên trang web “Gainesville Coins” ngày 21/3, ông Nieuwenhuijs tính toán rằng PBoC thực sự nắm giữ trữ lượng vàng là 5.358 tấn, cao hơn nhiều so với con số công bố.

Việc Bắc Kinh mua vàng ồ ạt trong hai năm qua đã thay đổi căn bản thị trường vàng thế giới và có thể đã giành quyền kiểm soát giá vàng từ phương Tây và tạo ra giá vàng.

Việc tích trữ vàng khổng lồ của Bắc Kinh có thể gây ra một “cơn bão hoàn hảo”

Nhu cầu tích trữ của Bắc Kinh, cùng với nhu cầu tư nhân từ các nhà đầu tư Trung Quốc từ bỏ các lĩnh vực đầu tư truyền thống như bất động sản và chứng khoán, đã trở thành động lực thúc đẩy giá vàng.

Trong quá khứ, giá vàng thế giới phản ứng với thị trường và ít nhiều bị ảnh hưởng bởi xu hướng lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.

Giá vàng có xu hướng có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Khi lãi suất giảm, lợi nhuận trái phiếu giảm, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu. Ngược lại, lãi suất cao hơn có xu hướng làm cho vàng kém hấp dẫn hơn vì nó không thể trả bất kỳ khoản lãi nào so với trái phiếu, trong khi đồng đô la mạnh hơn cũng khiến vàng kém hấp dẫn hơn.

Nhưng bây giờ xu hướng này đã không còn nữa.

Ông Nieuwenhuijs cho rằng khi ngành bất động sản Trung Quốc bắt đầu sụp đổ vào cuối năm 2021, người dân Trung Quốc bắt đầu tăng cường mua vàng, có thể do các biện pháp kiểm soát vốn khiến nhà đầu tư Trung Quốc không có nhiều nơi để đầu tư ngoài thị trường chứng khoán, bất động sản trong nước và vàng. Vì vậy khi thị trường chứng khoán và thị trường nhà ở suy thoái, vàng càng trở nên hấp dẫn hơn.

Một lý do khác là Bắc Kinh lo lắng về tác động của việc đồng đô la Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc và đang cố gắng dần dần phi đô la hóa đồng tiền này.

Ông nói: “Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bí mật mạnh tay mua vàng phản ánh quá trình phi đô la hóa ngầm. Mặc dù đồng đô la Mỹ vẫn là đồng tiền dự trữ thống trị nhất thế giới, nhưng Trung Quốc và các quốc gia khác đang cố gắng thoát ra khỏi đồng đô la Mỹ”.

Nhưng bất kể lý do nào ở trên, nó có thể mang lại thảm họa cho thị trường. Ông Nieuwenhuijs dự đoán khi giá vàng tăng, các nhà đầu tư phương Tây sẽ đầu tư vào vàng vì những lo ngại tương tự, điều này sẽ tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” cho kim loại quý.

Vàng trong nước nhảy múa theo giá vàng thế giới

Truyền thống tích vàng của người Việt và mạng lưới cửa hàng vàng bạc lớn nhỏ trên cả nước tạo một môi trường hoàn hảo phản ánh giá vàng. Mặc dù từ lâu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu ngoài mục đích sản xuất, có nghĩa chính thức là hai thị trường và thế giới không liên thông với nhau, nhưng trên thực tế giá vàng trong nước và thế giới luôn có sự linh thông.

Vàng SJC – do lượng cung hạn chế – nên giá luôn tăng khi vàng thế giới tăng, nhưng dường như ít khi hạ khi vàng thế giới hạ. Đây là yếu tố khiến nhà đầu tư an tâm nắm giữ vàng SJC (không lo sợ mất giá) mặc dù giá vàng SJC đang cao hơn rất nhiều giá vàng thế giới tại cùng thời điểm.

Vàng nhẫn, vàng miếng thương hiệu khác là một lựa chọn bền vững hơn của nhà đầu tư khi giá vàng này luôn bám sát giá vàng thế giới. Mặc dù nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng nhưng cung cầu thị trường này được hỗ trợ bởi kênh nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu qua các nước láng giềng.

Từ đầu năm đến nay (8/4), giá vàng SJC trong nước đã tăng gần 10 triệu đồng/lượng, từ 71 triệu – 74 triệu đồng/lượng (mua – bán ) lên 80,4 triệu – 82,4 triệu đồng/lượng (mua-bán).

Giá vàng nhẫn trong nước tăng xấp xỉ 10 triệu đồng/lượng từ 64,2 triệu – 65,3 triệu đồng/lượng  73,7 triệu – 75,1 triệu đồng/lượng.

Trước thông tin NHNN sẽ bỏ độc quyền vàng SJC, xu hướng giới đầu tư quay sang vàng nhẫn khiến giá mặt hàng này tăng vọt trong 1 tháng trở lại đây.

Hệ lụy của sóng vàng

Vàng liên tục tăng giá đang hút dòng tiền nhàn rỗi ngắn hạn đầu tư tích trữ vàng. Dòng tiền chảy vào dòng tài sản này chưa được thống kê, nhưng 6 tấn vàng nhập lậu được phát hiện vừa qua chỉ là một phần rất nhỏ của tảng băng chìm.

Tiền không chảy vào sản xuất kinh doanh, mà tiền chảy vào vàng. Nhập lậu vàng cũng cần ngoại tệ, vô hình chung gây áp lực lên tỷ giá.

Rủi ro đối với các nhà đầu tư nhỏ là chi phí thanh khoản lớn (chênh lệch giá mua bán vàng tại một thời điểm). Nếu như trên thị trường thế giới, chênh lệch giữa giá mua bán (bid-ask) chỉ tương đương 0.3-0.4% thì chênh lệch giá mua bán tại các điểm giao dịch vàng Việt Nam đang trên 2-3%. Nếu bán vàng lúc giá hạ thì nhà đầu tư còn thiệt thòi hơn nữa.

Ngoài thị trường mua bán vàng vật chất, các hội nhóm kinh doanh vàng trên mạng (sàn vàng ảo) cũng phát triển như nấm sau mưa, liên tục chào mời người dân tham gia, thu hút lượng ngoại tệ không nhỏ. Trong đó không ít là mô hình lừa đảo, dụ dỗ người tham gia, bỏ tiền thu lãi được một thời gian thì không rút được tiền ra nữa.

Cuộc đua vàng còn ngầm một rủi ro lớn hơn nữa phía trước, vì không ai biết được Trung Quốc có dụng ý gì khi liên tục tích trữ một lượng lớn vàng, chuyện gì xảy ra khi Trung Quốc thực sự sử dụng quyền điều tiết thị trường vàng thế giới mà có thể gây ra “một cơn bão hoàn hảo”.

Nguyên Hương (t/h)