Các chuyên gia trong ngành dự báo nguy cơ thiếu hụt điện, khí, than sẽ xảy ra từ năm 2020, khi nhu cầu tiêu thụ điện trong nước ngày càng gia tăng dẫn đến cung không đáp ứng đủ cầu.

dien luc
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Ngày 29/11, Hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường” vừa được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Theo Quy hoạch điện bảy hiệu chỉnh, nhu cầu điện trong các năm tới tăng dần từ mức 60.000MW năm 2020 lên 96.500MW năm 2025, và lên đến 129.500MW vào năm 2030.

Các chuyên gia tính toán, để đáp ứng nhu cầu trên, tổng công suất nguồn điện từ nay đến 2030 cần tăng bình quân thêm khoảng 6.000 – 7.000MW/năm.

Ông Trần Viết Anh, Trưởng ban chiến lược Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định đây là một thách thức không hề nhỏ. Ông cho biết hiện công suất nguồn điện cả nước mới chỉ đạt 47.750MW, trong khi đó, nhiều dự án nhiệt điện đang chậm tiến độ dẫn tới có khả năng thiếu hụt điện từ năm 2020 đến năm 2025.

Chưa kể, nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN cũng được tập đoàn này cho biết là đang thiếu hụt trầm trọng, dẫn đến việc nhiều nhà máy nhiệt điện đang hoạt động cầm chừng như Nhiệt điện Phả Lại duy trì được thêm 10 ngày, Nhiệt điện Mông Dương, Nhiệt điện Thủy Nguyên, Nhiệt điện Ninh Bình, Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Mạo Khê, Nhiệt điện Uông Bí…

Trong khi đó, Nhiệt điện Quảng Ninh đã phải dừng hoạt động 2 tổ máy từ đầu tháng 11 đến nay do thiếu than. Mới đây, trong công văn gửi lên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, EVN cho biết có khả năng sẽ phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019 vì Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) không đảm bảo nguồn cấp than cho các nhà máy nhiệt điện.

Ở lĩnh vực dầu khí, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự báo Việt Nam sẽ thiếu khoảng 10 triệu tấn khí hóa lỏng (LPG) từ sau năm 2020.

Do đó, lãnh đạo PVN cho rằng bên cạnh việc khai thác khí như hiện tại, cần tính đến phương án xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí hóa lỏng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông Sơn còn thông tin thêm rằng việc khai thác dầu khí dài hạn của PVN cũng chưa được xác định do tập đoàn hiện đang chỉ khai thác các mỏ cũ, trong khi việc khai thác trữ lượng mỏ bổ sung với 25 triệu tấn vẫn “chưa có câu trả lời”, nên sản lượng khai thác hàng năm vẫn còn hạn hẹp.

Trước đó tại Hội thảo “Thách thức và triển vọng thị trường Gas” hôm 14/11, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cũng cảnh báo từ sau năm 2020, các mỏ khí thiên nhiên của Việt Nam sẽ suy giảm và cần phải nhập khẩu hàng chục tỷ m3 khí hóa lỏng để cung cấp cho các nhà máy điện khí.

Ở lĩnh vực than, đại diện TKV cho biết khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành đến năm 2035 tăng không nhiều, chỉ ở mức 42 – 45 triệu tấn/năm. Trong khi đó nhu cầu than của các hộ ngày càng cao, vượt quá khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện, lên tới 128 triệu tấn/năm.

Điều này dẫn đến khả năng nhập khẩu than từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước là tất yếu. Theo tính toán của TKV, năm 2025 nhu cầu nhập khẩu khoảng 67 triệu tấn than, và sẽ tăng lên 98 triệu tấn trong năm 2030.

Vào hôm qua (28/11), trả lời về việc nhà máy nhiệt điện đang thiếu nguyên liệu than, dẫn đến một số nhà máy đứng trước nguy cơ dừng hoạt động, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc TKV cho biết nguyên nhân là do tăng trưởng điện năm 2018 ở mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu về nhiệt điện than tăng mạnh. Đồng thời ông khẳng định TKV đã cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng ký kết.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho rằng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong thời gian tới cần rà soát lại các dự án điện, khí, than, và khắc phục những dự án nào đang chậm tiến độ, dự án nào chưa khởi động thì triển khai. Từ đó, giao nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp, thực hiện và tháo gỡ khó khăn.

Về cung ứng than cho nhà máy nhiệt điện, ông Ngãi cho rằng cần phải cân đối được tỷ lệ nguồn điện để từ đó có các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn vốn, cơ sở hạ tầng cho chiến lược nhập khẩu than cũng như đưa các dự án đi vào triển khai xây dựng và vận hành.

Tú Mỹ

Xem thêm: