Dù khủng hoảng trần nợ của Mỹ đã giải tỏa được từ hai tháng trước, nhưng ngày 1/8 cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch vẫn hạ bậc tín nhiệm cao nhất của Mỹ. Động thái đã khiến Chính phủ Mỹ bất bình, nhiều nhà phân tích thì ngạc nhiên, thông tin này đã gây sóng gió thị trường tài chính.

shutterstock 491623144
Fitch hạ xếp hạng nợ ngoại tệ dài hạn của Mỹ từ AAA xuống AA+ (Nguồn: 4kclips/ Shutterstock)

Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ xuống AA + từ AAA, với lý do là vì các điều kiện tài chính xấu đi trong 3 năm tới và vấn đề đàm phán trần nợ luôn tiềm ẩn đe dọa khả năng thanh toán hóa đơn của chính phủ.

Fitch cho biết trong một tuyên bố: “Việc Mỹ bị hạ bậc phản ánh tình trạng tài chính suy thoái dự kiến ​​trong 3 năm tới, gánh nặng nợ chính phủ cao và ngày càng tăng, cũng như khả năng quản lý kém so với các nước được xếp hạng AAA hoặc AA khác”.

Tuyên bố cũng trích dẫn gánh nặng nợ đang phình to nhanh chóng, dự kiến ​​vào năm 2025 sẽ lên tới 118% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao gần gấp 3 lần so với mức trung bình “AAA” của một quốc gia là 39,3%. Fitch dự kiến ​​tỷ lệ nợ trên GDP sẽ tăng hơn nữa trong thời gian dài hơn, làm tăng tính dễ bị tổn thương của Mỹ trước những cú sốc kinh tế trong tương lai.

Fitch cho biết trong hai thập niên qua, hoạt động quản trị của Mỹ đã bị xói mòn so với các nước được xếp hạng ‘AA’ và ‘AAA’, vấn đề này thể hiện qua những lần bế tắc về trần nợ, việc giải quyết chỉ được đưa ra vào phút chót.

Fitch cho rằng Chính phủ Mỹ có vấn đề trong kế hoạch tài khóa trung hạn, quy trình lập ngân sách phức tạp, thêm vào đó là những cú sốc kinh tế cùng vấn đề cắt giảm thuế và các kế hoạch chi tiêu mới đã khiến nợ liên tiếp tăng trong thập niên qua. Ngoài ra trong việc giải quyết vấn đề già hóa dân số gây các thách thức trung hạn như tăng chi phí An sinh xã hội và Chăm sóc sức khỏe, tiến bộ có được rất hạn chế. Dự kiến trước cuộc bầu cử tháng 11/2024 ​​sẽ chưa thể có biện pháp củng cố tài chính thực chất nào hiệu quả.

Tuy nhiên, Fitch cũng nhấn mạnh vẫn còn một số lợi thế mang tính cấu trúc hỗ trợ cho việc xếp hạng của Mỹ: Nền kinh tế lớn, tiên tiến, đa dạng và có thu nhập cao, môi trường kinh doanh sôi động, đặc biệt là đồng USD là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất của thế giới giúp cho chính phủ tính linh hoạt tài chính đặc biệt.

Ảnh hưởng

Bị ảnh hưởng từ hạ xếp hạng của Fitch, đồng USD  bị sụt giá, nhưng một số nhà đầu tư và nhà phân tích dự tính việc hạ cấp sẽ ảnh hưởng hạn chế.

Ngày 1/8, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đóng cửa với kết quả khác nhau: Chỉ số Dow tăng 0,2%, Nasdaq giảm 0,43%, S&P 500 giảm 0,27%.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục lao dốc ngày 2/8: Chỉ số HSTECH giảm gần 3% và Chỉ số Hang Seng giảm hơn 2%. Trong số các cổ phiếu chính, Xiaopeng Motors giảm 12%, Weilai giảm 6%; Bilibili và Wanguo Data giảm 5%; Weibo, China Literature, JD Health giảm 4%; Kingsoft, Baidu, Meituan giảm 3%.

Về thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa giảm 768,89 điểm (tương đương 2,30%) còn 32707,69 điểm, chỉ số chứng khoán Topix đóng cửa giảm 35,60 điểm (tương đương 1,52%) còn 2301,76 điểm.

Phản ứng từ Chính phủ Mỹ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã phản hồi về việc này, trong một tuyên bố bà gọi việc hạ cấp của Fitch là “tùy tiện và dựa trên dữ liệu lỗi thời”.

“Quyết định của Fitch không thay đổi thực tế những gì người Mỹ, nhà đầu tư và mọi người trên khắp thế giới đã biết: Trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn là tài sản thanh khoản và an toàn ưu việt của thế giới, về cơ bản nền kinh tế Mỹ là vững mạnh”, bà Yellen nói.

Bà cho biết nền kinh tế Mỹ đã phục hồi nhanh chóng sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, tăng trưởng trong Quý II (từ từ tháng 4 – 6) là 2,4%.

Janet Yellen scaled
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: flickr/Federalreserve)

Nhà Trắng cũng có quan điểm tương tự, tuyên bố “hoàn toàn không đồng ý với quyết định này”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre: “Việc hạ bậc xếp hạng đi ngược lại thực tế Tổng thống Biden đã mang lại sự phục hồi mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Không ít người bày tỏ ngạc nhiên

Giám đốc Wendy Edelberg của Dự án Hamilton tại Viện Brookings, một think tank ở Washington, cho biết: “Tôi không hiểu thông tin mà họ (Fitch) có bây giờ thế nào mà lại tồi tệ hơn trước khi cuộc khủng hoảng trần nợ được giải quyết”.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers: “Mỹ phải đối mặt với những thách thức tài chính dài hạn nghiêm trọng, nhưng ngày nay, với nền kinh tế có vẻ mạnh hơn dự kiến, quyết định của các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ cấp Mỹ là kỳ lạ và kém cỏi”.

Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng trong dài hạn, việc hạ xếp hạng tín dụng của chính phủ Mỹ chỉ tác động hạn chế.

Giám đốc đầu tư Jason Ware của Albion Financial Group: “Tôi không nghĩ rằng bạn sẽ thấy quá nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người có chiến lược đầu tư dài hạn, nghĩ rằng vì Fitch hạ bậc xếp hạng của Mỹ từ AAA xuống AA+ mà bán cổ phiếu”.

Chuyên gia phân tích Ed Mills tại Raymond James cho biết hôm thứ Ba rằng ông không nghĩ thông tin này sẽ gây phản ứng lớn của thị trường. Ông nói: “Tôi thấy rằng [trước đây] sau khi S&P hạ bậc [của Mỹ], rất nhiều hợp đồng đã được đổi thành ‘AAA’ hoặc ‘được chính phủ bảo đảm’ (government-guaranteed), vì vậy sự bảo đảm của chính phủ quan trọng hơn xếp hạng của Fitch”.

Cùng quan điểm, Viện trưởng Mohamed El-Erian của Viện Queens College – Đại học Cambridge cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn: “Nhìn chung, khả năng tuyên bố xếp hạng bị bác bỏ còn lớn hơn nhiều là để lại hậu quả xấu lâu dài cho nền kinh tế và thị trường Mỹ”.

Fitch là một trong ba tổ chức xếp hạng quốc tế lớn nhất trên thế giới, là tổ chức xếp hạng quốc tế duy nhất do châu Âu tài trợ. Fitch có hơn 1100 nhà phân tích, trụ sở chính tại New York và London, ngoài ra có hơn 40 chi nhánh trên khắp thế giới.

Mộc Vệ (t/h)