Công ty Hewlett-Packard (HP) đang làm việc với các nhà cung cấp để lên kế hoạch chuyển việc sản xuất hàng triệu máy tính xách tay (laptop) từ Trung Quốc sang Thái Lan và Mexico. Đây sẽ là lần đầu tiên hãng sản xuất máy tính Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trên quy mô lớn.

shutterstock 1398220322
(Nguồn: N.Z.Photography/ Shutterstock)

Theo Nikkei Asia, HP là nhà sản xuất máy tính cá nhân (PC) lớn thứ hai thế giới sau Lenovo của Trung Quốc. Hiện HP đang có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất máy tính xách tay ra khỏi Trung Quốc: Một phần sang Mexico và một phần khác sang Thái Lan.

Một trong những nhà cung cấp cho biết HP cũng có kế hoạch bắt đầu từ năm tới chuyển một số hoạt động sản xuất máy tính xách tay sang Việt Nam.

Theo nguồn tin, trong năm nay HP sẽ chuyển hàng triệu máy tính xách tay khỏi Trung Quốc với số lượng tối đa là 5 triệu chiếc. Theo công ty nghiên cứu Canalys, vào năm ngoái HP đã xuất xưởng 55,2 triệu PC trên toàn cầu.

Thái Lan đã có một số nhà cung cấp máy tính nói chung (PC, personal computer), điều này cũng sẽ hữu ích cho chuyển hướng của HP [qua Thái Lan], trong khi việc sản xuất ở Mexico sẽ giúp HP phục vụ thị trường quan trọng nhất Bắc Mỹ.

Hôm thứ Hai (17/7), HP đã đưa ra một tuyên bố trên trang web của họ rằng công ty đang mở rộng dây chuyền sản xuất hiện có ở Đông Nam Á và những nơi khác, đồng thời tiếp tục tăng sản lượng máy tính xách tay ở Mexico.

Nguồn thạo tin nói với Nikkei Asia rằng kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng này được hãng Dell bắt đầu sớm hơn HP, trong năm nay họ sẽ sản xuất ít nhất 20% máy tính xách tay của hãng tại Việt Nam. Nhưng về linh kiện, ước tính cho đến cuối năm 2024 Dell mới hoàn thành kế hoạch loại bỏ hoàn toàn chip sản xuất tại Trung Quốc.

Trong khi đó, trong năm nay Apple đã bắt đầu sản xuất MacBook tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên máy tính xách tay của Apple được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Động thái của HP sẽ tiếp tục giúp Việt Nam và Thái Lan thiết lập hệ sinh thái chuỗi cung ứng PC. Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị liên quan Trung Quốc, Đông Nam Á đã trở thành một trong những khu vực hấp dẫn nhất để các nhà sản xuất cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

HP chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc tương đối chậm so với các công ty công nghệ khác của Mỹ. Nhưng từ năm 2019  HP đã không ngừng đàm phán với các nhà cung cấp để đánh giá lựa chọn này.

Một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng cho biết: “Kế hoạch của HP trước tiên là chuyển dây chuyền sản xuất ra ngoài Trung Quốc, nhưng HP vẫn chưa đưa ra cam kết rõ ràng và chắc chắn, quyết định cần thay đổi trên quy mô lớn chuyển sang dùng chip và linh kiện không phải do Trung Quốc sản xuất”.

Tuy nhiên, ba nguồn tin khác trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán cho biết HP đã thảo luận với các nhà sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam về khả năng chuyển hàng sang Thái Lan.

Một giám đốc điều hành nhà cung cấp của HP cho biết: “HP không muốn gây ồn ào trong kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Quyết định này ngoài những lo ngại về địa chính trị còn là xem xét sự gia tăng chi phí sản xuất ở Trung Quốc, chẳng hạn như những thách thức về tuyển dụng và chi phí lao động tăng lên”.

Theo dữ liệu của Canalys, Mỹ là thị trường PC đơn lẻ lớn nhất của HP và Dell, lần lượt chiếm 31% và 40% số lô hàng của họ trong quý đầu tiên của năm nay. Thị trường [của HP và Dell] tại Trung Quốc nhỏ hơn nhiều, chỉ chiếm lần lượt 7,5% và 8%. Lenovo và Huawei thống trị thị trường PC tại Trung Quốc.

Dell sở hữu khoảng 73% thị trường PC của Chính phủ Mỹ nên có động cơ chính trị mạnh mẽ hơn để rời Trung Quốc trong kế hoạch đa dạng hóa sản xuất.

Nhà phân tích Kieren Jessop của Canalys cho biết: “Mục đích chính của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là giảm các yếu tố rủi ro liên quan đến căng thẳng Mỹ-Trung, hoặc tận dụng lợi thế của các trung tâm sản xuất mới nổi ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác”.

Jessop cho biết, đối với các công ty Mỹ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần nội địa của họ ở Trung Quốc, nhưng có thể ảnh hưởng đến một số cuộc đấu thầu liên quan đến chính phủ.