Do vốn chủ sở hữu của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã bị âm nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải chuyển giao bắt buộc DongA Bank cho ngân hàng khác, Kiểm toán Nhà nước đề nghị.

r ngan hang dong a NHNN nhan vien ngan hang
Ngân hàng Đông Á đã bị âm vốn chủ sở hữu nên NHNN phải chuyển giao bắt buộc. (Ảnh minh họa: thaibinh.gov.vn)

Trong nội dung báo cáo về chính sách tiền tệ năm 2022, Kiểm toán Nhà nước cho hay tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm còn căng thẳng.

Theo đó, một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với khối lượng tiền lớn.

Đối với DongA Bank, do vốn chủ sở hữu của ngân hàng đã bị âm nên theo quy định, NHNN phải chuyển giao bắt buộc DongA Bank cho ngân hàng khác, báo Việt Nam Net đưa tin.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (Ocean Bank, GP Bank, CB Bank) còn chậm, kéo dài qua nhiều năm (từ 2015 đến nay).

Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh các ngân hàng này lỗ liên tục.

Tại thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc nói trên mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp đề nghị chuyển giao bắt buộc.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc gồm Ngân hàng Xây dựng (CB Bank), Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank).

Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Vừa qua, Cơ quan điều tra cho biết ngân hàng này đã bị ‘rút ruột’ hàng trăm nghìn tỷ đồng bởi các cá nhân của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cán bộ nhà nước liên quan.

Tuấn Minh