Thời gian gần đây, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng dành cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) dường như đang được thắt chặt do lo ngại “bong bóng” BĐS đang len lỏi ở nhiều địa phương. Nhiều chuyên gia cho biết nguồn lực xã hội sẽ bị “chôn” hết vào BĐS nếu không có biện pháp ngăn ngừa tình trạng đầu cơ thổi giá đất.

Khanh Hoa sot dat sot gia ao bat dong san sot dat nhieu noi
Ngân hàng đang siết tín dụng vào lĩnh vực BĐS để hạn chế tình trạng đầu cơ thổi giá ảo ở nhiều địa phương. Ảnh: Môi giới chào mời khách khu vực “sốt” đất ở xã Ninh Xuân, Khánh Hòa vào tháng 12/2021. (Nguồn: baokhanhhoa.vn)

Lo ngại nguy cơ hình thành “bong bóng” BĐS

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trở thành một sức ép không nhỏ trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều bất ổn về kinh tế, chính trị. Do lo ngại về tình trạng lạm phát có thể tăng cao, dòng vốn trên thị trường đã dịch chuyển sang các lĩnh vực “trú ẩn” như: vàng, chứng khoán, BĐS, v.v…

Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về một đợt “bong bóng” BĐS mới kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế Việt Nam vốn chưa được phục hồi sau đại dịch COVID-19. Bộ Tài chính cho biết thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chỉ thị các ngân hàng kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực BĐS.

Đơn cử, ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã có động thái yêu cầu các Giám đốc khu vực, Giám đốc chi nhánh và Trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS, ngoại trừ người vay là cán bộ, công nhân viên và người mua, xây, sửa BĐS để ở. Đồng thời yêu cầu các ngân hàng tập trung cấp tín dụng với các lĩnh vực sản xuất, không thực hiện huy động – cho vay cầm cố cùng lúc.

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Tập đoàn Savills Việt Nam, nếu lạm phát xảy ra do tăng trưởng kinh tế, nhu cầu BĐS sẽ được đẩy lên và giúp làm tăng giá trị của BĐS. Tuy nhiên, nếu lạm phát được hình thành bởi các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung BĐS.

Ở góc độ khác, đầu tư vào BĐS trong lạm phát tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường BĐS cũng đang đối mặt với tình trạng giá nhà đất tăng cao do tình trạng nguồn cung nhà ở ít, cũng như việc một số nhóm người đã bắt tay tạo ra các cơn “sốt” ảo trên thị trường nhà đất nhằm đẩy giá BĐS tăng cao tại nhiều địa phương.

Bộ Tài chính cho hay một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay là việc các nhà đầu tư đổ dòng tiền vào BĐS sẽ có nguy cơ tạo ra tình trạng “bong bóng” tài sản.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn hẹp sẽ khiến tạo ra sốt ảo, vì đây không phải là nhu cầu đầu tư thật, đầu tư để giữ tài sản, mà đúng hơn là đầu cơ khiến giá BĐS tăng vọt.

Ông Khương cho biết khi giá nhà được đẩy lên quá cao, thanh khoản của thị trường sẽ xuống cấp hoặc không có. Nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để đầu cơ BĐS có thể tạo thành gánh nặng lớn nếu thị trường đột ngột thay đổi, vì vậy nếu tình trạng này phổ biến sẽ lặp lại tình trang “chết trên đống tài sản” đã từng xảy ra trong những năm trước.

“Trong khoảng từ 9 đến 12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính nhiều khả năng có thể xảy ra”, ông Khương cho biết thêm, theo Cổng thông tin Bộ Tài chính.

Ngân hàng hạn chế dòng vốn vay đầu cơ BĐS

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết hiện ngân hàng thương mại siết dòng vốn BĐS để kiểm soát tình trạng đầu cơ thổi giá ảo.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã thực hiện các biện pháp hạn chế cho vay lĩnh vực BĐS hơn một tháng qua. Tại TP.HCM, Cơ quan quản lý yêu cầu hạn chế tín dụng cho đầu cơ BĐS, đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng,…

Anh A. – nhân viên tín dụng một ngân hàng lớn có trụ sở tại TP.HCM cho biết trong ba tuần cuối của tháng 4 anh phải làm thêm ngoài giờ để kịp thời gian từ thẩm định cho đến đợi hồ sơ phê duyệt cho khách hàng.

“Nhiều khách hàng không vay được ở ngân hàng khác nên đã chuyển sang vay tại ngân hàng tôi làm việc. Do vốn ‘khan hiếm’ hơn nên lãi suất cho vay mua BĐS đã nhích lên 0,5-1%/năm, lên mức 8%/năm trong 12 tháng đầu ưu đãi, sau đó tăng lên mức 11%/năm”, vị này nói, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Trên thị trường hiện nay mức lãi suất cho vay BĐS được một số ngân hàng có vốn nhà nước áp dụng là 8-8,2%/năm cố định trong thời gian đầu ưu đãi. Sau thời gian này sẽ áp dụng bằng lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ từ 4-4,5%/năm, tương đương 9,5-10%/năm, theo báo Tuổi Trẻ.

Trong khi đó các ngân hàng cổ phần áp dụng mức lãi suất cao hơn và thời gian ưu đãi cũng ngắn hơn, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm và thời gian ưu đãi càng dài lãi suất càng cao. Nếu cố định 6 tháng lãi suất khoảng 8%, cố định 12 tháng lãi suất lên mức 9%/năm, sau đó mức lãi suất dao động khoảng 11-12%/năm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết cho vay BĐS hiện vẫn là khoản cho vay có lãi nhất của các ngân hàng. Các ngân hàng cho vay sáu lĩnh vực ưu tiên với lãi suất không quá 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay BĐS lên đến 11-12%/năm, chưa tính đến các khoản khác. Do đó, có khả năng một số ngân hàng không dễ bỏ qua mảng cho vay đem lại lợi nhuận cao này, báo VietnamPlus (thuộc TTXVN) đưa tin.

Đức Minh