Ngày 7/7, Bộ trưởng Kinh tế Jakov Milatovic của Montenegro cho biết nước này đang đàm phán với “một số ngân hàng phương Tây từ châu Âu và Hoa Kỳ” nhằm tái cấp vốn cho món nợ gần 1 tỷ USD giữa Montenegro và Trung Quốc. Là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, khoản tiền này được Trung Quốc tài trợ cho Montenegro trong dự án xây dựng một con đường cao tốc xa xỉ.

Embed from Getty Images

Hình ảnh một phần đường cao tốc mới nối thành phố Bar trên bờ biển Montenegros Adriatic với nước láng giềng Serbia, (đường cao tốc Bar-Boljare) vào ngày 11/5 /2021, gần Podgorica, đang được xây dựng bởi Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) (Ảnh minh họa: Getty Images)

Nằm trên những cột xi măng khổng lồ cao sừng sững trên hẻm núi sông Moraca đẹp như tranh vẽ của Montenegro, có rất nhiều công nhân Trung Quốc đang xây dựng một con đường cao tốc hiện đại xuyên qua những địa hình gồ ghề nhất ở Nam Âu. Dự án nhằm liên kết cảng Bar trên bờ biển Adriatic của Montenegro với nước láng giềng Serbia. Con đường dài 165 km được mô tả với những cây cầu hùng vĩ và đường hầm sâu, hứa hẹn là công trình xây dựng của thế kỷ và là con đường dẫn đến thế giới hiện đại.

Tuy nhiên sau 41 km đầu tiên được xây dựng một cách khó khăn trong 6 năm, đất nước Montenegro với GDP chỉ khoảng 5.5 tỷ USD đang phải đối mặt với món nợ khổng lồ gần 1 tỷ USD từ Trung Quốc. Hơn 120 km còn lại của con đường vẫn cần được xây dựng với chi phí có thể lên tới ít nhất 1,2 tỷ USD, và nguồn tiền này không biết sẽ đến từ đâu.

Montenegro được cho là đã rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc để xây dựng một “con đường chẳng đi đến đâu”.

Trong số các ngân hàng phương Tây được Montenegro “cầu cứu”, Bộ trưởng Milatovic không nêu tên bất kỳ ngân hàng nào, tuy nhiên ông cho biết mình “rất lạc quan” sẽ đạt được thỏa thuận trong vòng vài tuần. Thỏa thuận kêu gọi EU giúp Montenegro trả món nợ với lãi suất 2% từ Trung Quốc bằng khoản cho vay mới với mức lãi suất 1% hoặc thấp hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Có hai lựa chọn: thứ nhất là tái cấp vốn, thứ hai là hoán đổi khoản vay, hoặc lựa chọn thứ ba là thực hiện một phần phương án đầu tiên kết hợp với một phần phương án thứ hai. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể nhận được các thỏa thuận tốt hơn nhiều.”

Sự lạc quan của ông Milatovic dường như không phù hợp lắm với hoàn cảnh Montenegro đã thất bại lặp đi lặp lại trong việc thuyết phục châu Âu giải cứu nước này khỏi bẫy nợ của Trung Quốc mà châu Âu vốn đã cảnh báo Montenegro tránh xa từ đầu.

Hồi tháng 4, khi các khoản thanh toán khổng lồ đầu tiên cho Trung Quốc bắt đầu được thực hiện, Montenegro dường như đã cố gắng thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) bảo lãnh khoản nợ này, cho rằng EU sẽ không bao giờ để một thành viên tiềm năng – đặc biệt là cửa ngõ vào khu vực Balkan – bị Bắc Kinh kéo vào vòng kiểm soát bởi các khoản vay không trả được.

EU đã xem xét một cách cẩn trọng món nợ gian xảo của Trung Quốc chất chồng lên nền kinh tế nhỏ bé của Montenegro, tuy nhiên họ đã quyết định không dính líu vào, thay vào đó họ đề nghị giúp hoàn thành dự án quá đắt đỏ và kém hiệu quả mà Trung Quốc đã thuyết phục được chính phủ Montenegro trước đó.

Đến tháng 6, Montenegro thực hiện một chiến lược khác để thuyết phục EU bằng cách bán bớt tài sản nhà nước của họ gồm công ty điện lực nhà nước, hai sân bay, một cảng biển và bất động sản bên bờ Adriatic để có thể trả một phần các khoản vay của Trung Quốc, trước khi đưa ra một thỏa thuận tái cấp vốn mới với EU. Montenegro lập luận rằng việc gánh chi phí lãi vay thấp hơn thông qua tái cấp vốn sẽ mang lại cho Montenegro nhiều tiền hơn để đầu tư vào phục hồi nền kinh tế dựa trên du lịch vốn bị tàn phá bởi dịch COVID-19.

Các quan chức EU tại Brussels đã nhắc đến việc tập hợp một đoàn các ngân hàng từ Đức, Pháp và Ý nhằm tiếp nhận các khoản vay của Trung Quốc, nhưng cho đến nay chưa có lời đề nghị chắc chắn nào được tuyên bố công khai. Việc ông Milatovic đề cập rằng các ngân hàng Mỹ sẽ tham gia vào thỏa thuận cho thấy các chủ ngân hàng châu Âu vẫn “nuốt không trôi” món nợ của Montenegro.

Một trở ngại khác là Trung Quốc có thể sẽ không đồng ý về thỏa thuận tái cấp vốn. Bắc Kinh tiếp tục khẳng định dự án Vành đai và Con đường là tốt cho “sự phát triển kinh tế xã hội” của Montenegro và Bắc Kinh muốn phát triển các mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa (đồng nghĩa với việc kiểm soát nhiều hơn nữa) đối với quốc gia vùng Balkan nhỏ bé này. Trung Quốc đã đồng ý trì hoãn việc thanh toán khoản vay đầu tiên của Montenegro đến cuối năm 2022.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Montenegro đã tỏ ra “tủi thân” khi được hỏi về cáo buộc bẫy nợ: “Sự hợp tác này là đôi bên cùng có lợi. Nếu ai đó dán nhãn tiêu cực vào việc đầu tư của Trung Quốc, điều đó không chỉ không công bằng đối với Trung Quốc mà còn thiếu tôn trọng các quốc gia Balkan của phương Tây.”

Montenegro đã vay 944 triệu USD từ Trung Quốc vào năm 2014 – số tiền chiếm 20% toàn bộ nền kinh tế Montenegro – để xây dựng một con đường cao tốc nối từ cảng Bar đến đất nước toàn bao phủ bởi đất liền – Serbia.

Những người chỉ trích cựu Tổng thống kiêm Thủ tướng Milo Djukanovic của Montenegro ví von dự án là “Con đường Chẳng đi đến đâu” và là “Xa lộ tới Địa ngục”. Tất cả các bên mà Montenegro xin tái cấp vốn trước đó, bao gồm Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và phía Hoa Kỳ, đã cảnh báo ông Djukanovic rằng con đường quá đắt đỏ, việc xây dựng quá rủi ro và doanh thu dự kiến ​​sẽ không thể bù đắp cho chi phí.

Ông Djukanovic đã kiên quyết phớt lờ lời khuyên của họ để lấy khoản tiền từ Bắc Kinh. Sau khi một loạt các nghiên cứu đáng tin cậy từ nhiều quốc gia cho rằng dự án sẽ là một thảm họa trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Xuất nhập khẩu quốc doanh của Trung Quốc đã trả tiền cho một số giáo sư tại Đại học Montenegro để thực hiện một nghiên cứu bí mật và kết luận rằng bằng cách nào đó dự án vẫn khả thi. Các quan chức Trung Quốc và Montenegro đều từ chối để các quan sát viên bên ngoài xem tài liệu đó.

Những vụ bê bối tham nhũng hàng loạt sau đó khiến “núi tiền” cho vay đắt đỏ từ Trung Quốc biến mất không dấu vết. Dự án yêu cầu xây dựng khoảng 40 cây cầu và 90 đường hầm băng qua những ngọn núi và thung lũng của Montenegro, đã phải đối mặt với hàng loạt sự chậm trễ mà không có một lời giải thích thỏa đáng từ phía công ty xây dựng Trung Quốc mà ông Djukanovic đã thuê bằng chính số tiền ông này vay từ Trung Quốc.

Cũng giống hầu hết các dự án Vành đai và Con đường được cho là bẫy nợ của Trung Quốc, gần như tất cả các “món hời” được hứa hẹn từ “Con đường Chẳng đi đến đâu” này hiện tại đều do các công ty Trung Quốc thu được chứ không phải các công ty Montenegro. Các nhà thầu phụ địa phương bị cáo buộc đã hối lộ cho các quan chức chính phủ, bao gồm cả ông Djukanovic, để được nhận một phần công việc và đưa ra các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Một cư dân bất bình, người có tài sản đã bị trưng thu cho dự án này trả lời tờ EuroNews vào tháng 5:  “Không có quy trình mua hàng công khai áp dụng với các nhà thầu phụ. Hầu hết dự án được tuyên bố là bí mật nhà nước. Tất cả các lợi ích mà Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) nhận được, chẳng hạn như không phải trả VAT (Thuế giá trị gia tăng), hoặc không chịu thuế thuê lao động, thuế hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, cũng được áp dụng cho các nhà thầu phụ và hoàn toàn không kiểm soát được.”

Dự án cũng trở thành cơn ác mộng về môi trường, với tác động tàn phá đến thung lũng sông Tara và quần thể cá sinh sống trong đó. Rác thải xây dựng có thể đã khiến lòng sông không phục hồi được. Ông Djukanovic và các đối tác kinh doanh Trung Quốc của ông dường như không nhận thấy con đường cao tốc dự kiến ​​của họ sẽ xâm phạm đến Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, Công viên Quốc gia Durmitor của Thung lũng Tara.

Ngày 7/7, Bộ trưởng Kinh tế Milatovic tuyên bố rằng một sự phục hồi mạnh mẽ được dự báo sẽ diễn ra vào cuối năm 2022, các cơ quan nhà nước khét tiếng tham nhũng và kém năng lực đang được thanh lọc và cải tổ; một phần trợ giúp từ phương Tây có thể giúp kháng cự lại sự kiểm soát của Trung Quốc, vì vậy Montenegro là một khoản đầu tư tốt cho châu Âu và Hoa Kỳ.

Chính quyền mới của Thủ tướng Zdravko Krivokapic, bao gồm nhiều nhà lãnh đạo đối lập từng nài nỉ ông Djukanovic không vay tiền từ Trung Quốc, đã tỏ quyết tâm thoát khỏi bẫy nợ. Ông Krivokapic đã cam kết giải quyết nạn tham nhũng lan rộng và phục hồi các mối quan hệ với EU.

Những người hoài nghi đã tính được chi phí của con đường cao tốc trong dự án Vành đai và Con đường là vào khoảng 40 triệu USD 1 dặm (1 dặm ~ 1,6 km), khiến nó trở thành một trong những con đường đắt đỏ nhất hành tinh và sự phục hồi mà ông Milatovic hứa hẹn vẫn còn đáng ngờ. Nền kinh tế của Montenegro đã sụt giảm hơn 15% trong thời kỳ đại dịch và nợ công của nước này hiện vượt quá 103% GDP.

Việc thanh toán các khoản vay của Trung Quốc có thể là một khó khăn về mặt chính trị đối với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây. Các điều khoản chính của món nợ vẫn được giữ bí mật, khiến các chủ ngân hàng châu Âu lo lắng về việc mua lại khoản vay.

Những cảnh báo về khoản thiệt hại khổng lồ mà ông Djukanovic đã kiên quyết bỏ qua để rút được túi tiền từ Bắc Kinh có vẻ đã đúng sau 7 năm, các nhà phân tích cho rằng con đường không bao giờ có thể tạo ra đủ doanh thu để trang trải chi phí bảo trì hàng năm, chứ chưa nói đến việc trả nợ hàng tỷ USD. Nó sẽ không tạo ra nhiều doanh thu cho đến khi toàn bộ mạng lưới đường đến Serbia được hoàn thành và điều đó sẽ mất thêm nhiều năm nữa, với giả định rằng việc hoàn thành có thể thực hiện được.

Con đường cao tốc khiến các chủ ngân hàng châu Âu e ngại giống như một hố tiền không thể lấp đầy bằng cách tái cấp vốn cho khoản vay trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc.

“Có một dấu hỏi lớn về cách họ hoàn thành nó. Ngân sách của họ đã bị thu hẹp rất nhiều. Họ đã thắt cổ tự vẫn. Và trong thời điểm hiện tại, đây là một con đường cao tốc chẳng đi đến đâu.”, một quan chức EU đã than thở với tờ Reuters vào năm 2018, sau khi công ty URS của Mỹ ước tính con đường sẽ phải đạt mức doanh thu hơn 400% để đạt được khả thi về mặt tài chính.

Sau nhiều lần công khai cầu xin EU giúp đỡ trong các tháng đầu năm 2021, chính phủ Montenegro bất ngờ im lặng vào cuối tháng 6, khiến một số nhà phân tích nghi ngại rằng họ đang âm thầm đàm phán với Trung Quốc để cơ cấu lại nợ. Buổi phát biểu mới đây từ các Bộ trưởng về những nỗ lực cuối cùng để tái cấp vốn cho dự án trông rất đáng ngờ, dường như họ đang cố gắng chơi “trò nước đôi” giữa phương Đông và phương Tây. 

EU có lẽ đã cảm thấy mệt mỏi với cuộc chơi này, cho rằng mối lo sợ bị rơi vào vòng kiểm soát của Bắc Kinh sẽ bị lợi dụng để châu Âu phải nhượng bộ vô thời hạn và bị vắt kiệt tiền bạc. Có không ít các quan chức châu Âu đã trả lời phòng viên rằng EU không thể để cho cửa ngõ Balkan bị rơi vào tay Trung Quốc, và những lời này có lẽ đã được ông Krivokapic và các Bộ trưởng của ông ta nghe được.

Vy An (Theo Breitbart)

Xem thêm: