Công ty TNHH Xuyên Việt Oil bị Bộ Công thương tước giấy phép kinh doanh từ ngày 11/8, tuy vậy Bộ Tài chính cho biết 2 lần gửi văn bản đề nghị doanh nghiệp (DN) này trả lại gần 220 tỷ đồng Quỹ bình ổn nhưng “chưa được hồi âm”.

cay xang gia xang dau lien bo cay xang dong cua
Bị tước giấy phép, Xuyên Việt Oil có trả lại gần 220 tỷ đồng Quỹ bình ổn theo quy định? (Ảnh minh họa: CTV/Trí Thức VN)

Vào ngày 9/9, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, bị can và ra lệnh tạm giam với hai nữ Giám đốc, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Doanh nghiệp này đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu từ ngày 11/8 và đề nghị doanh nghiệp chuyển nộp toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách nhà nước.

Tuy vậy, Bộ Tài chính cho biết hai lần nhắc Xuyên Việt Oil nộp lại số dư Quỹ bình ổn xăng dầu nhưng chưa được hồi âm.

Tại thời điểm ngày 31/3/2023, số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu Công ty Xuyên Việt Oil giữ gần 220 tỷ đồng, theo báo Lao Động.

Đáng chú ý, theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý 1/2023, 4 doanh nghiệp đầu mối bị thanh tra này đang nắm giữ hàng trăm tỷ đồng tiền từ Quỹ bình ổn xăng dầu.

Cụ thể, trong số 33 doanh nghiệp đầu mối được Bộ Tài chính cập nhật, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà là doanh nghiệp đang có số dư Quỹ bình ổn xăng dầu thứ 2 với 595 tỷ đồng.

Tiếp đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức là đơn vị có quỹ bình ổn xăng dầu cao thứ 3 trong danh sách 33 doanh nghiệp đầu mối, khi có số dư lên đến 428 tỷ đồng.

Chia sẻ với báo Giao Thông, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết Quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động theo cơ chế trích lập trong giá (thu của dân thông qua giá bán mỗt lít xăng dầu) một khoản tiền để hình thành quỹ và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá trong nước tăng cao.

Theo ông Thỏa, việc sử dụng quỹ này đã lộ rõ những sai lầm nghiêm trọng trong điều hành.

Trong kiến nghị gửi Chính phủ, nhóm 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM khẳng định Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang không hỗ trợ nền kinh tế, không có ích cho người tiêu dùng và gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, giữa nhà bán buôn và bán lẻ.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị bỏ quỹ này để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.

Đức Minh