Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuyên bố sẽ đẩy mạnh giám sát chặt chẽ hơn các gói hàng nhỏ từ các sàn thương mại điện tử Trung Quốc gửi đến Mỹ. Do vấn đề lỗ hổng thương mại liên quan, các gói hàng nhỏ miễn thuế từ các công ty thương mại điện tử Trung Quốc (như Temu và Shein) vào Mỹ đã gia tăng mạnh số lượng.

Shein
(Nguồn: Wirestock Creators/ Shutterstock)

Đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ

Cơ quan chức năng Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn phương thức nhập khẩu được các ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử như Temu và Shein ưa chuộng, cho phép quần áo giá rẻ miễn thuế từ Trung Quốc chảy vào Mỹ hầu như không bị kiểm soát.

Theo WSJ hôm 6/4, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết các gói hàng có “giá trị nhỏ miễn trừ thuế” – tức là các gói hàng có giá trị thấp thường được gửi trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ – sẽ phải chịu giám sát chặt chẽ hơn, trong đó có việc điều tra xem hàng hóa nhập khẩu đó có vi phạm lệnh cấm lao động cưỡng bức của Mỹ hay không.

Động thái này là một phần trong chiến dịch trấn áp tăng cường hơn trong việc nhập khẩu quần áo bất hợp pháp – quan điểm được đưa ra sau khi các tập đoàn công nghiệp, công đoàn và nhà lập pháp của Mỹ từ cả hai đảng kêu gọi có hành động tăng cường trong vấn đề này.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết: “Chúng tôi cam kết đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ”.

Vốn dĩ theo chính sách hiện tại, các gói hàng có giá trị dưới 800 USD được gửi trực tiếp từ nước ngoài vào Mỹ không cần phải nộp thuế hải quan, Hải quan Mỹ sẽ không kiểm tra nghiêm ngặt, hành khách Mỹ cũng được hưởng miễn trừ tương tự khi mang quà lưu niệm về nước. Tuy nhiên, có lẽ vì thế số lượng các gói hàng như vậy được gửi đến Mỹ đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Số gói hàng nhỏ từ Trung Quốc vào Mỹ tăng 53%

Mặc dù thương hiệu quần áo Trung Quốc Shein và phiên bản nước ngoài Temu của Pinduoduo đang chịu sự giám sát ngày càng tăng của Mỹ, nhưng việc nhập khẩu các gói hàng có giá trị nhỏ được hưởng miễn thuế vẫn tăng “đáng kinh ngạc”. Cả hai nền tảng nổi tiếng với việc bán hàng hóa với giá thấp này đều sử dụng quy tắc “miễn thuế nhỏ” cho phép các lô hàng có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế vào Mỹ.

Theo các thông tin trước đây của Đài VOA Mỹ, Chủ tịch Mike Gallagher của Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc (CECC) – Hạ viện Mỹ cho biết, vào năm 2023 có khoảng 1,05 tỷ USD hàng hóa vào Mỹ theo quy tắc “miễn thuế đối với gói hàng nhỏ”, tăng tới 53%  so với năm 2022 – đây là mức tăng đáng kinh ngạc.

Theo dữ liệu do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ tiết lộ cho CECC, Chủ tịch Gallagher cho biết hơn 485 triệu lô hàng miễn thuế giá trị nhỏ đã được gửi đến Mỹ trong năm tài chính này. Ông lưu ý rằng những miễn trừ như vậy có thể cho phép các công ty tránh bị giám sát về các vấn đề lao động cưỡng bức.

Ông Gallagher cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ thực hiện “hành động khẩn cấp” về vấn đề này.

CECC nêu trong kết quả giữa kỳ được công bố vào tháng Sáu năm ngoái rằng, Temu và Xiyin có thể chiếm hơn 30% tổng số gói hàng nhỏ được miễn trừ thuế vận chuyển đến Mỹ mỗi ngày. Nếu tính riêng các lô hàng như vậy từ Trung Quốc thì thị phần của 2 công ty thương mại điện tử này thậm chí còn chiếm cao hơn.

CECC cho biết: “Các công ty nước ngoài đã thiết lập toàn bộ mô hình bán hàng để tận dụng các quy tắc miễn trừ thuế đối với gói hàng nhỏ, qua đó tránh được thuế và sự giám sát, đồng thời hạ giá, gây bất lợi cho các công ty Mỹ tuân theo các quy tắc này”.

Tìm biện pháp hạn chế lỗ hổng thương mại

Liên quan đến số lượng lớn các gói hàng nhỏ miễn thuế của Trung Quốc vào Mỹ, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung của Quốc hội Mỹ vào ngày 1/3 đã tổ chức một phiên điều trần về các vấn đề an toàn, giám sát và chuỗi cung ứng của những mặt hàng tiêu dùng này.

Tại phiên điều trần, Phó chủ tịch Kimberly Glas của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung chỉ ra báo cáo mới nhất cho thấy, số lượng gói hàng có giá trị nhỏ vào Mỹ mỗi ngày đã lên tới gần 4 triệu, những gói hàng này vào Mỹ trong tình trạng bị “kiểm tra ít nhất, cung cấp thông tin tối thiểu, thách thức khả năng của Mỹ trong việc giám sát an toàn sản phẩm ở biên giới, khiến cơ quan thực thi pháp luật bỏ qua truy đuổi những người vi phạm bán sản phẩm không an toàn”.

Giám đốc Teresa Murray của Cơ quan giám sát người tiêu dùng và Quỹ giáo dục PIRG (tổ chức phi lợi nhuận) cho biết tại phiên điều trần rằng, ngày càng nhiều người tiêu dùng thích mua hàng trực tiếp từ người bán trực tuyến, khá nhiều người bán hàng tuyên bố rằng họ đang ở các địa phương như New Jersey, California…, nhưng thực tế các sản phẩm này thường được gửi trực tiếp từ Trung Quốc; vì những gói hàng này thường không được hải quan mở và kiểm tra, nên “những người bán hàng này thậm chí còn bán các sản phẩm nguy hiểm, hàng giả, bất hợp pháp” mà không sợ phải đối mặt với hậu quả gì nghiêm trọng.

Bà Murray cho biết thêm rằng vấn đề an toàn của đồ chơi là một trong những vấn đề mà Chính phủ Mỹ nên quan tâm nhất hiện nay. Bà dẫn dữ liệu của Reuters cho hay, từ tháng 1 – 9/2023, có 79% đồ chơi bán ở Mỹ và châu Âu được sản xuất tại Trung Quốc; trong số 23 loại đồ chơi bị thu hồi ở Mỹ vào năm 2023 có 19 loại được sản xuất tại Trung Quốc.

Bà cũng cảnh báo, trên các nền tảng trực tuyến, người tiêu dùng có thể mua phải đồ chơi giả hoặc thậm chí là đồ chơi đã bị thu hồi. Khi một sản phẩm gây ra mối đe dọa cho người tiêu dùng, người tiêu dùng ngay lập tức phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là không thể buộc họ phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Dan Harris nhấn mạnh tại phiên điều trần rằng so với nhập khẩu từ các nước khác như Mexico và Việt Nam không ngừng nỗ lực duy trì quan hệ thương mại tốt đẹp với Mỹ, thì Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề giám sát sản phẩm mà “chỉ quan tâm đến việc chế độ Cộng sản có ổn định hay không”.