Nhà kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Emily Blanchard, khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam tính toán trữ lượng đất hiếm và đấu giá việc khai thác.

r mo dat hiem lai chau my muon giup viet nam khai thac dat hiem
Tỉnh Lai Châu được đánh giá có 2 nguồn đất hiếm gồm Đông Pao và Nậm Xe. (Ảnh minh họa: monre.gov.vn)

“Nếu Việt Nam có yêu cầu Mỹ hỗ trợ phát triển dự án đất hiếm, chúng tôi sẵn sàng cung cấp sự giúp đỡ đó”, bà Emily Blanchard khẳng định trong cuộc gặp báo chí tại Hà Nội chiều 25-10.

Theo bà, nhu cầu với đất hiếm ngày càng tăng sẽ dẫn tới nhu cầu đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, đa dạng hóa các nguồn cung. Trong bối cảnh đó, Mỹ xem Việt Nam là một đối tác quan trọng để “đảm bảo an ninh khoáng sản”.

Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam tính toán trữ lượng đất hiếm và đấu giá việc khai thác. Tuy nhiên, quyết định vẫn sẽ ở phía Chính phủ Việt Nam.

Bà cho rằng với kinh nghiệm khai thác và hỗ trợ kỹ thuật việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Mỹ có thể hỗ trợ kỹ thuật Việt Nam “để tạo ra nhiều sự quan tâm nhất” khi đấu giá phát triển đất hiếm.

Đề xuất của Mỹ đưa ra trong bối cảnh tình hình quản lý và khai thác các mỏ đất hiếm tại Việt Nam rất nổi cộm. Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thái Dương (Thái Dương Group) và các đơn vị có liên quan.

Ông Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Dương Group; ông Nguyễn Văn Chính – Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Thái Dương Group bị cáo buộc đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.200 tấn quặng đất hiếm có giá trị khoảng 440 tỷ đồng và 152,8 tấn quặng sắt có giá trị khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng.

Box thông tin

Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, có vai trò quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao, như: Điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

Được biết, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính… không thể không dùng đến đất hiếm.

Ở Việt Nam, đất hiếm phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, tập trung ở Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái.

Trong đó, những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế.

Dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, đạt khoảng 22 triệu tấn, và đứng vị trí thứ ba thế giới về trữ lượng tungsten (vonfram).

Hoàng Mai