Với hỗ trợ của phương Tây, Việt Nam có kế hoạch vào năm tới khởi động lại mỏ đất hiếm lớn nhất nước, quy mô sản lượng gần tương đương mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới hiện nay. Kế hoạch này có thể giúp thiết lập chuỗi cung ứng đất hiếm ở các nước Đông Nam Á và làm suy yếu thống trị của Trung Quốc trên thị trường nguyên liệu thô quan trọng này.

GettyImages 1163776858
Một mỏ đất hiếm ở Nam Phi. (Ảnh: Rodger Bosch / AFP/Getty)

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, nhưng phần lớn vẫn chưa được khám phá.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Hà Nội trong tháng này để nâng cấp quan hệ song phương, đồng thời ký một thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào trữ lượng đất hiếm.

Giám đốc điều hành Tessa Kutscher của công ty khai thác mỏ Blackstone Minerals (Úc) nói với Reuters rằng Chính phủ Việt Nam có kế hoạch gọi thầu nhiều khu vực của mỏ Đông Pao (tỉnh Lai Châu) trước cuối năm nay. Công ty Blackstone Minerals có kế hoạch tham gia đấu thầu, nếu thành công họ sẽ đầu tư khoảng 100 triệu USD vào kế hoạch này.

Ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (Vietnam Rare Earth JSC) cũng xác nhận thông tin này. Ông cho biết thời gian đấu thầu có thể thay đổi, nhưng chính phủ đã có kế hoạch khởi động lại mỏ vào năm tới.

Đầu năm nay, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cấm xuất khẩu Gali và Germani, những nguyên liệu thô quan trọng cho chất bán dẫn, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về việc Trung Quốc kiểm soát các khoáng sản chiến lược.

Trung Quốc được biết đến như nguồn cung thống trị một số kim loại, gồm cả Gali và Germani, cho công nghiệp pin và chip, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành quan trọng như xe điện, AI, quốc phòng, v.v. Thời gian qua, các biện pháp trừng phạt và cấm vận của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc càng trở nên đặc biệt căng thẳng. Các con chip công nghệ cao với khả năng tính toán mạnh mẽ đã lần lượt rơi vào các danh sách cấm vận của Hoa Kỳ cùng các đồng minh, rõ ràng nhằm bao vây và cản trở sự phát triển của Trung Quốc trong một số ngành mũi nhọn chiến lược như trí tuệ nhân tạo AI và vũ khí tối tân.

Theo công bố của Bộ Thương mại Trung Quốc, Gali và Germani, cùng với các hợp chất hay hợp kim của chúng, được liệt vào danh sách kiểm soát xuất khẩu để bảo vệ an ninh quốc gia. Kể từ 1/8, tất cả các đơn vị sản xuất những chất này bắt buộc phải xin phép từ Bộ Thương mại, và phải báo cáo chi tiết về người mua nước ngoài cùng các đơn hàng của họ.

Tuy các kim loại này không đặc biệt hiếm hoặc khó tìm, nhưng Trung Quốc trở thành nhà cung ứng chủ chốt hiện nay là nhờ giữ chúng ở mức giá rẻ.

Trong các cuộc phỏng vấn với Reuters, nhiều giám đốc điều hành, nhà đầu tư, nhà phân tích và quan chức nước ngoài đã nhắc kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, cho thấy rằng cuộc thảo luận về việc giảm rủi ro chuỗi cung ứng và sự phụ thuộc vào Trung Quốc đang được chuyển thành hành động.

Giáo sư Dudley Kingsnorth tại Trường Mỏ Tây Úc thuộc Đại học Curtin chỉ ra rằng Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu về đất hiếm, tuy nhiên Việt Nam “có nguồn tài nguyên, công nghệ khai thác và chế biến để cho phép có lựa chọn thay thế Trung Quốc”.

Mộc Vệ (t/h)