Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak hôm thứ Ba (5/9) loan báo rằng Nga sẽ gia hạn cắt giảm lượng dầu xuất khẩu 300.000 thùng/ ngày cho đến cuối năm 2023. Cùng với Ả Rập Saudi cũng có động thái tương tự, giá dầu thô thế giới đã tăng lên mức hơn 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022.

Hãng tin RT dẫn lời ông Aleksandr Novak tuyên bố: “Cắt giảm tự nguyện bổ sung về nguồn cung dầu cho xuất khẩu là nhằm củng cố các biện pháp phòng ngừa do các quốc gia OPEC+ thực hiện để duy trì ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ”.

Ông Novak nói thêm rằng Nga sẽ đánh giá việc cắt giảm tự nguyện này theo tần suất hàng tháng để “cân nhắc về khả năng cắt giảm thêm hoặc tăng sản lượng, tùy thuộc vào tình hình thị trường thế giới”.

Phó thủ tướng Nga giải thích thêm rằng biện pháp cắt giảm mới nhất này là “nằm ngoài khoản cắt giảm tự nguyện đã được Nga loan báo trước từ tháng 4/2023 và đã gia hạn đến tháng 12/2024”.

Biện pháp cắt giảm lượng dầu xuất khẩu của Nga, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới là cùng chung nhịp điệu với Ả Rập Saudi, quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu.

Reuters dẫn theo tin từ SPA News cho biết một quan chức bộ năng lượng Ả Rập Saudi hôm thứ Ba (5/9) tuyên bố rằng Riyadh đã gia hạn biện pháp cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu/ ngày cho đến cuối năm nay.

Đợt cắt giảm dầu mỏ lần này của Ả Rập Saudi là nằm ngoài khoản cắt giảm tự nguyện 1,66 triệu thùng/ngày mà một số quốc gia thành viên OPEC+ đã tuyên bố lần đầu vào tháng Tư và sau đó đã gia hạn đến cuối năm 2024.

Cũng giống như Nga, Ả Rập Saudi sẽ đánh giá biện pháp cắt giảm mới hàng tháng để xem xét tiếp tục cắt giảm hay tăng sản lượng, căn cứ theo các điều kiện thị trường.

Các biện pháp cắt giảm nêu trên được gọi là tự nguyện bởi vì nó nằm ngoài chính sách chính thức của OPEC+, trong đó bắt buộc mọi thành viên không có ngoại lệ phải sản xuất theo một hạn mức sản xuất nhất định.

OPEC+ là nhóm kết hợp giữa Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, trong đó có Nga. OPEC+ đóng góp khoảng 40% sản lượng dầu mỏ của thế giới, nhưng đã đang cắt giảm sản lượng từ tháng 11/2022.

Giá dầu vẫn tăng trong đầu phiên giao dịch thứ Tư (6/9) tại châu Á sau khi tăng 1% trong phiên trước đó.

Giá dầu thu Brent giao tương lai đã tăng 14 cent lên 90,18 USD/thùng vào lúc 2:15 ngày 6/9 (giờ GMT). Trong khi cùng thời gian này, giá dầu WTI của Mỹ giao tương lai tăng 12 cent, lên mức 86,81 USD/thùng.

Reuters dẫn lời ông Jorge Leon, phó chủ tịch của công ty tư vấn Rystad Energy, nhận định: “Những động thái này siết chặt đáng kể thị trường dầu mỏ toàn cầu và có thể dẫn đến một kết quả duy nhất: giá dầu mỏ cao hơn trên khắp thế giới”.

Trong khi đó, cũng theo Reuters, ông Sugandha Sachdeva – giám đốc điều hành và chiến lược gia trưởng của công ty Acme Investment Advisors cho rằng: “Quyết định kéo dài cắt giảm sản lượng nhấn mạnh đến nỗ lực của họ nhằm ổn định giá trong điều kiện thị trường ngày càng thách thức”.

Tuy nhiên, ông Sachdeva nói thêm rằng thời gian duy tu hàng năm các nhà máy lọc dầu tại Mỹ rơi vào tháng Chín và tháng Mười có thể giới hạn nhu cầu mua dầu thô và sẽ đóng vai trò là yếu tố kiềm chế giá dầu tăng.

Hải Đăng