Trong tháng Hai, Ngân hàng Trung Quốc đã bổ sung thêm 390.000 troy ounces vàng, đưa số vàng nước này cất giữ lên 72,58 triệu troy ounces, tương đương với 2.257 tấn. Các ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng tăng tích trữ vàng, mua 1037 tấn vào năm ngoái.

vang nhan
(Ảnh chụp màn hình video)

Tuần qua, giá vàng thế giới tăng cao do khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất trong tháng Sáu. Thị trường vàng tiếp tục nóng khi nhu cầu gom vàng giữ tiền của giới trung lưu tăng mạnh. Trung Quốc mạnh tay nhập khẩu vàng, giới trung lưu đổ xô tích vàng để tránh tiêu sản.

Ghi nhận trên thị trường thế giới, Trung Quốc đang mạnh tay gom vàng trong suốt 16 tháng liên tiếp. Tháng Hai vừa qua, Ngân hàng Trung ương nước này đã bổ sung thêm 390.000 troy ounces vàng, đưa số vàng nước này cất giữ lên 72,58 triệu troy ounces, tương đương với 2.257 tấn. Ngoài Trung Quốc, một số Ngân hàng Trung ương các nước cũng chuyển hướng tích trữ vàng. Theo Hiệp hội Vàng thế giới, năm 2022, các ngân hàng Trung ương đã mua 1037 tấn vàng để đa dạng hóa rổ giá trị, tránh phụ thuộc vào USD.

Ở một số quốc gia mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, giới trung lưu cũng đổ xô đi mua vàng để giữ giá tài sản trong bối cảnh khủng hoảng thị trường bất động sản và suy thoái kinh tế đang bào mòn giá trị tài sản của các cá nhân.

Việt Nam vàng nhẫn tăng mạnh, nguồn cung thiếu đẩy giá lên cao

Tại Việt Nam, vàng đã vượt mức mọi thời đại. Trong tuần qua (4-10/3), giá vàng nhẫn tiếp đà tăng mạnh từ tuần trước. Vàng nhẫn liên tục xác lập đỉnh giá mới. Một số thương hiệu đã đưa giá vàng nhẫn vượt 71 triệu đồng/lượng, mốc cao nhất trong lịch sử.

Đặc biệt, phiên cuối tuần (9/3), giá vàng nhẫn đều được các thương hiệu điều chỉnh tăng rất mạnh, có loại tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với phiên trước.

Cụ thể, Giá vàng nhẫn Phú Quý tại thời điểm 9h ngày 10/3 niêm yết ở mức 69,70-71,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại thời điểm 17h43 ngày 10/3 ở mức 69,88-71,18 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng tới 3,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu tuần.

Đáng chú ý, giá vàng nhẫn trong nước đã bắt đầu vượt quá giá thế giới (giá thế giới cùng thời điểm quy đổi là 67,47 triệu đồng/lượng).

Giới phân tích nhận định, giá vàng nhẫn có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây là do nguồn cung trong nước trở nên hạn chế khi các vụ buôn lậu bị siết chặt, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Mặt khác, một bộ phận người dân dịch chuyển từ nắm giữ vàng miếng sang vàng nhẫn, trước lo ngại về việc thay đổi chính sách với vàng miếng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vàng nhẫn vừa đạt được mục đích đầu tư vừa có thể sử dụng cho mục đích thường ngày như món trang sức, hữu dụng hơn. Trong khi vàng miếng chỉ có mục đích duy nhất là đầu tư, nhưng tính thanh khoản lại cao hơn. Hơn nữa, vào đầu năm, các gia đình thường cân đối nguồn tài chính để tính toán kênh đầu tư sao cho hiệu quả nhất. Trong khi thị trường bất động sản vẫn “đóng băng”, chứng khoán kém hấp dẫn, lãi suất ngân hàng đang ở “đáy” nên vàng trở thành lựa chọn hấp dẫn hàng đầu với nhiều người.

Lo ngại dòng vốn chuyển sang tích trữ vàng, nhà nước siết chặt quản lý thuế lĩnh vực kinh doanh vàng.

Tuần vừa qua, thị trường chứng kiến cuộc tháo chạy đồng loạt của các nhà đầu tư. Chỉ trong một ngày hơn 34 ngàn tỷ đồng đã được các nhà đầu tư bán tháo, chốt lời. Dòng tiền này sẽ quay trở lại chứng khoán hay một phần sẽ đổ vào thị trường vàng đang lên là câu hỏi nhiều người đặt ra.

Chống vàng hóa là một nỗ lực dài lâu của Chính phủ Việt Nam trong vài chục năm qua, được thực hiện qua nhiều biện pháp như xóa bỏ việc định giá bất động sản bằng vàng, xóa bỏ gửi tiết kiệm bằng vàng, siết chặt việc xuất nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng …. Liệu cơn sốt vàng lần này có làm nỗ lực bao nhiêu năm bỏ xuống sông xuống biển?

Một loạt biện pháp đã được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh vàng tiếp tục leo thang, vàng trong nước tiếp tục cao hơn vàng thế giới:

Ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Công văn số 157/BCĐ389-VPTT ngày 8/12/2023 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Công văn số 03/BTC-BCĐ ngày 19/1/2024 của Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính về việc tăng cường kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu mặt hàng vàng, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

Cụ thể, thứ nhất, yêu cầu các cục thuế tổ chức quán triệt, nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo tại các công văn nêu trên.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công văn số 5045/TCT-TTKT ngày 22/12/2021; Công văn số 1002/TCT-TTKT ngày 4/4/2022 và Công văn số 2705/TCT-TTKT ngày 30/6/2023 về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

“Qua công tác quản lý thuế kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng“, Tổng cục Thuế đề nghị.

Theo đó, các cục thuế tiếp tục rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.

Trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định, trong đó tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn theo đúng quy định và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Bên cạnh đó, lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, trang sức, mỹ nghệ.

Tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.

“Quản lý thuế kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng”, Tổng cục Thuế đề nghị.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở, ban, ngành để tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như: Công an, quản lý thị trường, ngân hàng, hải quan để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.

Trường hợp qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyên Hương