Tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào thứ Ba (19/3), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã công bố thay đổi mang tính bước ngoặt: Bỏ chính sách lãi suất âm, không còn sử dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn để kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007, kỷ nguyên 8 năm lãi suất âm của Nhật Bản đã chính thức kết thúc.

Embed from Getty Images

Trụ sở của BOJ. (Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP/Getty)

Chính sách lãi suất âm có nghĩa là người gửi tiền vào ngân hàng không nhận được lãi suất mà thậm chí phải trả phí để giữ tiền trong ngân hàng.

BOJ đã tăng lãi suất chuẩn từ -0,1% lên 0-0,1% (lãi suất cho vay qua đêm không có bảo đảm – vay tiền trong thời gian ngắn mà không cần tài sản đảm bảo và lãi suất được tính dựa trên thời gian vay qua đêm), cũng quyết định dừng hoạt động kiểm soát đường cong lãi suất dài hạn (YCC – giúp các nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể về cơ hội sinh lời và rủi ro của các khoản đầu tư) – chính sách được triển khai từ năm 2016 và giới hạn lãi suất dài hạn gần bằng 0.

BOJ cũng quyết định ngừng mua các tài sản rủi ro như quỹ đầu tư chỉ số (ETF) và quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT).

Trong tuyên bố công bố quyết định này, BOJ cho biết họ sẽ phản ứng linh hoạt, chẳng hạn như tăng cường mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản nếu lợi suất tăng nhanh. Tuy nhiên ngân hàng này không đề cập đến mục tiêu lợi suất 0% đối với trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ 10 năm.

Dưới thời cựu thống đốc Haruhiko Kuroda, BOJ vào năm 2013 đã phát động chương trình mua tài sản khổng lồ, ban đầu nhằm mục đích trong khoảng hai năm nâng lạm phát lên mục tiêu 2%.

Do lạm phát trong tình trạng không tốt cũng không xấu, BOJ phải điều chỉnh kế hoạch kích cầu sang kế hoạch bền vững hơn, do đó năm 2016 đưa ra lãi suất âm và chính sách kiểm soát đường cong lãi suất dài hạn (YCC). Khi đó, BOJ đã hạ lãi suất tiền gửi dự trữ dư thừa của các ngân hàng thương mại từ 0,1% xuống -0,1%.

Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda sau đó đã tổ chức họp báo giải thích về quyết định hủy bỏ lãi suất âm, ông cho biết chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn với lãi suất âm làm cốt lõi “đã phát huy vai trò”.

Sự thay đổi chính sách tiền tệ này hiện khiến BOJ trở thành ngân hàng trung ương cuối cùng từ bỏ lãi suất âm.

Trong 2 ngày vào ngày 18 – 19/3, BOJ đã tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ. Ngày 19, có 9 thành viên chính sách, bao gồm các phó thống đốc ngân hàng trung ương và các thành viên ủy ban đánh giá, đã bỏ phiếu với tỷ lệ 7-2 để chấm dứt chính sách lãi suất âm.

Reuters đưa tin, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC ở Hồng Kông là Frederic Neumann cho biết: “BOJ đã thực hiện bước đi thăm dò đầu tiên hướng tới bình thường hóa chính sách ngày hôm nay. Việc loại bỏ lãi suất âm là dấu hiệu đặc biệt cho thấy BOJ tin rằng Nhật Bản đã thoát khỏi sự kìm kẹp của giảm phát”.

Trước đó, “Tổng Liên đoàn Lao động Nhật Bản” (National Confederation of Trade Unions) đã công bố kết quả đàm phán lao động mùa xuân năm nay, cho thấy tốc độ tăng lương trung bình của các công ty Nhật Bản là 5,28%, mức tăng lương lớn nhất trong 33 năm – vấn đề mở đường cho BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm. Ngân hàng đánh giá rằng sẽ đạt được một chu kỳ kinh tế thuận lợi trong đó tiền lương và giá cả tăng đồng thời.

Phân tích cho rằng mặc dù đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản sau 17 năm, do sự phục hồi kinh tế mong manh nên ngân hàng trung ương phải hạn chế tăng lãi suất để khuyến khích việc vay mượn và đầu tư trong nền kinh tế, qua đó giữ lãi suất gần bằng 0. Tuy nhiên, liệu các tổ chức tài chính có tăng lãi suất đối với các khoản vay mua nhà thả nổi và các khoản vay doanh nghiệp liên quan đến lãi suất ngắn hạn hay không là vấn đề trọng tâm.

BOJ cho biết trong một tuyên bố rằng, dự kiến “môi trường tài chính duy trì lỏng lẻo như hiện tại” cho thấy việc tăng lãi suất trong tương lai sẽ đảm bảo mức bình ổn. Đồng thời, BOJ cũng cam kết vẫn tăng cường nỗ lực kích thích khi cần thiết để ổn định tỷ lệ lạm phát trên mục tiêu 2%.

Chứng khoán Nhật Bản biến động mạnh vào thứ Ba (19/3), đồng yên giảm xuống gần 150 yên một đô la Mỹ. Các nhà đầu tư coi hướng dẫn ôn hòa của Ngân hàng Nhật Bản là một dấu hiệu cho thấy chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ có thể không thu hẹp đáng kể.