Mặc dù hiện nay đã có nhiều loại thuế phí liên quan đến khía cạnh bảo vệ môi trường (BVMT), nhưng Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất thu thêm phí khí thải với sản xuất gang thép, phân bón vô cơ, sản xuất than cốc, nhiệt điện, xi măng…

BHXH
Công nhân nhà máy xi măng Hoàng Thạch (Hải Dương). (Ảnh minh họa: Thi/Shutterstock)

Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải, theo báo Việt Nam Net.

Theo Bộ Tài chính, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân sinh sống ở khu vực đó.

Bộ này cho biết hiện Việt Nam có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành. Bên cạnh đó, có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp.

Có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, hoạt động xây dựng nhà ở, khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng.

Vì vậy, theo cơ quan này, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí BVMT đối với khí thải là cần thiết.

Bộ Tài chính trình Chính phủ trước mắt chỉ quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải như: sản xuất gang thép, luyện kim; hóa chất vô cơ cơ bản, phân bón vô cơ và hợp chất ni tơ; lọc hóa dầu; tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sản xuất than cốc, khí than; nhiệt điện; xi măng,…

Theo cơ quan này, phí BVMT đối với khí thải là khoản thu mới, dự kiến khi thực hiện sẽ tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm ngân sách nhà nước.

Tuấn Minh