Giá mía tại vùng nguyên liệu miền Tây từ 1.800-2.500 giảm còn 1.300-1.400 đồng/kg, sau khi nhà máy đường lớn nhất ở đây tạm ngưng hoạt động.

r nha may duong lon nhat mien tay dong cua nong dan bi thuong lai ep gia1
Nhà máy đường lớn nhất miền Tây đóng cửa, nông dân bị thương lái ‘ép giá’. (Ảnh: casuco.com.vn)

Nhà máy đường phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu

Mới đây, một số báo trong nước đưa tin đại hội cổ đông của Công ty CP mía đường Cần Thơ (Casuco) đã quyết định đóng cửa nhà máy Phụng Hiệp trong vụ ép 2023-2024.

Lý do việc tạm ngừng hoạt động được cho là lượng mía nguyên liệu được nông dân cung cấp không đủ để ép.

Ông Trần Văn Tuấn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết việc nhà máy đường Phụng Hiệp tạm ngưng hoạt động có ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân nhưng không quá lớn. Do nhiều năm nay, người dân ưu tiên bán mía chục (mía làm nước giải khát) cho thương lái vì lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, vẫn bán cho nhà máy đường với số lượng nhỏ “duy trì”.

Tuy nhiên, khi nhà máy đường có văn bản thông báo ngưng vụ ép 2023-2024, người dân phải chuyển qua bán mía chục hoàn toàn thì xuất hiện tình trạng thương lái ép giá.

“Nếu trước đó, mía chục có thể bán được mức giá từ 1.800 đến hơn 2.500 đồng/kg thì khoảng vài ngày nay giá mía chục giảm còn 1.300-1.400 đồng/kg. Một số trường hợp thương lái đã đặt cọc trước đó nhưng không lấy hàng, buộc nông dân hạ giá mới giao dịch tiếp,” ông Tuấn nói.

Bán mía chục có lời nhưng không phải hướng tối ưu

Được biết, toàn huyện Phụng Hiệp có hơn 3.100ha mía, tập trung ở 3 địa phương gồm Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu.

Ông Nguyễn Văn Cảnh (ngụ ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng) cho biết vụ mía đường thông thường trồng 11-12 tháng mới xuất bán, nhưng khoảng 3 năm nay giá mía đường thường bấp bênh, người dân không còn mặn mà với việc bán cho nhà máy đường mà ưu tiên bán mía chục.

“Mía chục trồng chừng 5 tháng có thể bán rồi còn mía đường tới 11-12 tháng mới bán. Thời gian chăm sóc lâu, tốn phân thuốc mà giá bán được 1.100-1.200 đồng/kg là lỗ. Còn bán mía chục lời hơn nên nhiều người ham. Nhưng hiện giờ do nhà máy đường thông báo ngưng vụ này, thương lái mới ép giá, tính ra giảm từ 200 đồng/kg”, ông Cảnh nói với báo Dân Trí.

Bà Trần Thị Út (ngụ xã Hiệp Hưng) cho hay thu nhập chính của gia đình bà từ cây mía. Ruộng nhà bà có khoảng 2.000m2 đất trồng mía tương ứng hơn 600 hộc (hàng) mía.

Một bó mía (12 cây) có trọng lượng khoảng 20kg được thương lái mua với giá chỉ 24.000 đồng, tương đương khoảng 1.200 đồng/kg, trong khi vụ năm ngoái giá thấp nhất cũng 1.700 đồng/kg. Thương lái chủ yếu ở TP.HCM.

“Bán mía chục vẫn có rủi ro vì phụ thuộc thương lái nên dễ bị ép giá. Còn nếu tự chủ đầu ra nghĩa là bán trực tiếp cho người mua ép nước mía thì số lượng không nhiều, cùng lắm chừng vài chục bó/ngày”, bà Út lo ngại.

Tỉnh Hậu Giang những năm 2010-2011 có diện tích mía nhiều nhất miền Tây với 15.000-16.000ha, tập trung chủ yếu tại huyện Phụng Hiệp và TP. Vị Thanh. Tỉnh có 3 nhà máy đường lớn hoạt động lúc cao điểm tại thị xã Long Mỹ, TP. Vị Thanh và TP. Ngã Bảy.

Những năm sau đó, giá mía thấp, nông dân thu nhập bấp bênh, diện tích cây trồng này giảm dần. Hiện cả 3 nhà máy đường này đều ngưng hoạt động vì thiếu hụt nguyên liệu.

Miền Tây có hơn 50.000ha đất trồng mía vào năm 2010, nay chỉ còn khoảng 15.000-16.000 ha trồng loại cây này. Toàn vùng từ chỗ có 10 nhà máy đường hoạt động, đến nay chỉ còn 2 nhà máy ở Trà Vinh và Sóc Trăng.

Một số độc giả đã để lại bình luận bên dưới bài báo. Bạn 4875jky2kj viết: “Tóm lại sự tình là thế này, ban đầu nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng khi giá thị trường cao hơn giá thu mua, họ phá vỡ hợp đồng dẫn tới nhà máy phải đóng cửa. Bây giờ thương lái tha hồ ép giá.”

Độc giả có tên Sông Đông êm đềm bình luận: “Vì công nghệ trồng mía lạc hậu, công nghệ sản xuất đường lạc hậu, dẫn đến giá thành sản xuất cao. Đường nhập về hình như còn rẻ hơn giá thành sản xuất của ta.”

Bảo Khánh