Nhiều người dân sau khi tố giác bị lừa mua bảo hiểm bởi sự tư vấn thiếu trung thực của một số ngân hàng, đến nay chưa thể nhận lại được tiền vì Công ty bảo hiểm từ chối hủy hợp đồng, với lý do chưa có đủ cơ sở.

Manulife bao hiem manulife vu SCB lua dao SCB tam an dau tu 2209872557
Ảnh minh họa: Joko SL/Shutterstock

Sau hơn 5 tháng, với các đơn khiếu nại cá nhân và tập thể đến các cơ quan nhà nước, nhiều người dân vẫn bị phía Công ty bảo hiểm Manulife từ chối giải quyết hoàn tiền, hủy hợp đồng với lý do thiếu cơ sở và chứng cứ cần thiết.

Cụ thể, hôm 28/9, Manulife cho biết sau khi cẩn trọng xem xét toàn bộ thông tin, chứng từ liên quan, bao gồm những thông tin mà khách hàng đã bổ sung, nhận thấy chưa có bằng chứng về các sai phạm trong quá trình tư vấn và cấp phát hợp đồng bảo hiểm như khách hàng đã phản ánh, báo Lao Động đưa tin.

“Đồng thời, các chứng từ có thể hiện ý chí tham gia hợp đồng bảo hiểm của quý khách. Do đó, chúng tôi rất tiếc phải thông báo đến quý khách về việc chúng tôi không có đủ cơ sở để hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng theo yêu cầu của quý khách” – nội dung bức thư gửi khách hàng nêu.

Tuy vậy, rất nhiều khách hàng có bằng chứng về những thông tin sai lệch về thu nhập, tình trạng sức khỏe trong bản hợp đồng nhưng đến hiện tại, số người này vẫn chưa được giải quyết.

Bà Trần Thị Khéo (76 tuổi, ngụ TPHCM) bị nhân viên ngân hàng SCB khai khống thu nhập và tình trạng sức khỏe nhằm hợp thức hóa để hồ sơ bảo hiểm được duyệt.

Bà Khéo cho hay nhận tiền lương hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Bà không buôn bán, làm thêm gì nhưng nhân viên Ngân hàng SCB tự ghi thu nhập hàng tháng 50 triệu đồng.

“Tôi cũng mang trong mình rất nhiều bệnh như tim mạch, mỡ máu, đục thủy tinh thể (cườm khô), viêm mũi xoang, ung thư (K)… nhưng nhân viên không hề ghi đủ, thậm chí gạch chéo X vào các ô ‘không bệnh’ một cách tùy tiện”– bà Khéo kể lại.

Còn anh Vũ Hồng Thành (49 tuổi, Quận 6, TP.HCM) cho biết nhóm khách hàng này có rất nhiều bằng chứng liên quan đến những sai phạm của hợp đồng bảo hiểm Tâm An Đầu Tư phân phối qua Ngân hàng SCB muốn trình lên những người có thẩm quyền của Manulife để công ty xem xét, sớm xử lý hợp đồng và hoàn trả lại tiền.

Vừa qua, trong bảng công bố báo cáo tài chính, Manulife cho biết mục chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm của Manulife có khoản chi gần 1.512 tỷ đồng cho nội dung “hủy bỏ hợp đồng”, cao hơn nhiều so với con số gần 396 tỷ đồng của năm trước.

Chiều 5/10, tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, ông Doãn Thanh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cho biết đã hoàn thành thanh tra hai doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, là AIA và Dai-ichi.

Đồng thời, Bộ này đang tiến hành thanh tra Manulife và sẽ tiếp tục thanh tra sáu doanh nghiệp bảo hiểm từ nay đến cuối năm.

Trước đó, ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm liên quan tới một số đề nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng. Bốn doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.

Kết quả thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Một số hành vi vi phạm điển hình như: (i) Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; (ii) Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; (iii) Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và (iv) Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Đức Minh