• Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định đồng nội tệ mạnh lên vào cuối năm.
  • VND chạm mức thấp kỷ lục trong tuần trước, nằm trong số những đồng tiền giảm mạnh trong tháng này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát tín hiệu sẵn sàng bảo vệ tiền đồng sau khi đồng tiền này trượt xuống mức thấp kỷ lục trong bối cảnh đồng USD mạnh lên.

nhnn phat tin hieu san sang ho tro tien dong khi lien tuc mat gia
Tờ 1 đô la Mỹ và 1.000 đồng Việt Nam. (Ảnh minh họa: Wokh/Shutterstock)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục theo dõi tỷ giá hối đoái của tiền đồng trong bối cảnh tiền tệ biến động trên thị trường toàn cầu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói với Quốc hội hôm thứ Tư (29/5).

Bà cho biết NHNN nhận thấy nhu cầu đối với đồng USD có thể giảm do các công ty tăng cường mua kỳ hạn đồng bạc xanh. Cơ quan quản lý tiền tệ cũng kỳ vọng tiền đồng sẽ mạnh lên vào cuối năm nay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Sự mất giá của VND được thúc đẩy bởi những bất ổn toàn cầu, bao gồm cả sự chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất dự kiến của FED. Tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu (nhập siêu) cũng góp phần làm tăng nhu cầu về USD. Tình trạng này sẽ được khắc phục khi xu hướng đảo ngược.
VND đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 25.477 mỗi USD và trở thành một trong những đồng tiền tệ nhất châu Á trong tháng này. NHNN Việt Nam tháng 4 đã bán USD với “giá can thiệp” là 25.450 đồng 1 USD.

Tuần trước, NHNN cho biết sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua các công cụ chính sách tiền tệ. Cơ quan này sau đó đã nâng lãi suất OMO lên 4,5% (từ mức 4,25%), tăng lần thứ hai trong vòng 1 tháng, trong một động thái được coi là nỗ lực nhằm ổn định tiền đồng.

Những hành động này làm tăng thêm dự đoán rằng NHNN có thể sớm áp dụng biện pháp thắt chặt lãi suất cơ bản.

Ở một diễn biến khác, lạm phát ở mức cao nhất trong 16 tháng có khả năng gây thêm áp lực lên NHNN trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước, so với mức 4,40% trong tháng 4. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2023 và so sánh với mức tăng giá trung bình 4,50% được dự đoán trong một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế của Bloomberg.

Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn và chi phí điện tăng là những yếu tố chính khiến lạm phát tăng cao trong tháng 5.

Lạm phát vẫn ở mức trên 4% trong tháng thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh đồng nội tệ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la trong tháng này khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Cũng theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tháng 5 xuất khẩu tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 10,6% ước tính trong khảo sát của Bloomberg, trong khi nhập khẩu tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức ước tính 20% của Bloomberg. Điều đó đã khiến cán cân thương mại bị thâm hụt 1 tỷ USD trong tháng 5, từ mức thặng dư 680 triệu USD của tháng trước.

Phan Vũ (theo Bloomberg)