Doanh số bán hàng của ‘gã khổng lồ’ hàng xa xỉ Pháp Kering có thể tiếp tục chậm lại trong quý III, tập đoàn này đang tìm cách hồi sinh thương hiệu ngôi sao Gucci theo hướng sáng tạo mới, nhưng nhu cầu yếu của ngành hàng xa xỉ đang là thách thức.

Gucci
Một cửa hàng GUCCI tại Thượng Hải. (Ảnh: Robert Way/ Shutterstock)

Người dân Mỹ và châu Âu đang theo hướng cắt giảm chi tiêu cao cấp, trong khi tại Trung Quốc tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục ở giới trẻ và cuộc khủng hoảng bất động sản khiến ngành hàng xa xỉ ở nước này trở nên khó khăn hơn.

Các nhà phân tích của TD Cowen đã hạ dự báo doanh thu quý III của Kering từ mức tăng trưởng ban đầu là 0,3% xuống mức giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một bản cập nhật doanh số gần đây từ đối thủ hàng đầu của Kering là LVMH cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với thời trang cao cấp đang giảm so với đỉnh điểm sau đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích tại HSBC hôm thứ Hai (23/10) cho rằng “hồi chuông báo động này khá tàn nhẫn”, họ chỉ ra rằng các nhà đầu tư đã đánh giá thấp thái độ thận trọng của người tiêu dùng đối với việc tiêu dùng hàng xa xỉ.

Triển vọng kinh tế bấp bênh khiến nỗ lực của Kering nhằm vực dậy doanh số bán hàng của Gucci trở nên hóc búa hơn, năm ngoái doanh số bán của Gucci chiếm hơn một nửa tổng doanh thu và gần 2/3 lợi nhuận của tập đoàn.

Gucci từng là một trong những thương hiệu thành công nhất trong ngành hàng xa xỉ, doanh số bán hàng từ năm 2015 – 2019 đã tăng gấp đôi lên gần 10 tỷ euro (11 tỷ USD), nhưng hiện đang thua các đối thủ như Dior và Louis Vuitton của LVMH.

Tại buổi trình diễn thời trang đầu tiên ở Milan vào tháng 9 của Sabato De Sarno – nhà thiết kế mới của Gucci – đã giới thiệu thiết kế lại thẩm mỹ của thương hiệu này, trình bày nó theo phong cách đơn giản, gợi cảm. Những phong cách mới cho thấy nhà thiết kế De Sarno sẽ thay đổi phong cách kiểu cổ quái, linh hoạt về giới tính (gender fluid) của người tiền nhiệm Alessandro Michele.

Phong cách mới của Gucci sẽ không có sẵn cho đến cuối năm nay. Những thiết kế mới của De Sarno đã nhận được phản hồi tích cực trong những ngày sau buổi trình diễn vào tháng 9. Nhưng hãng dịch vụ tài chính JPMorgan cho hay, mức quan tâm trực tuyến sẽ sớm giảm xuống như trước khi trình diễn. JPMorgan cho rằng cần có thời gian để mang lại sự thay đổi.

Nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc bất ngờ trỗi dậy vào đầu năm nay sau khi ĐCSTQ dỡ bỏ ‘Zero COVID’ vào tháng 12 năm ngoái, điều đó khiến nhiều CEO hàng xa xỉ lạc quan về khả năng phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc sẽ dẫn đến doanh số bán các mặt hàng xa xỉ có thể tăng mạnh trong năm nay, nhưng kỳ vọng đó đã không thành hiện thực. Xu thế bùng nổ tiêu dùng sau khi nhà chức trách mở cửa xã hội trở lại nhanh chóng hạ nhiệt, hàng loạt yếu tố như khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, xuất khẩu giảm mạnh và giới trẻ khó tìm việc làm đã khiến người Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào tiết kiệm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các vấn đề cơ cấu ngày càng tồi tệ có thể khiến Trung Quốc gặp khó khăn duy trì thời kỳ tăng trưởng cao đã đưa nước này trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới.

Nỗi lo của các nhà đầu tư về tiêu dùng của Trung Quốc đã kéo giá cổ phiếu của các công ty hàng xa xỉ sụt giảm. Tháng trước, cổ phiếu của Kering đã giảm khoảng 9%, cổ phiếu của LVMH giảm 7%, và cổ phiếu của Hermes giảm 4,5%.