Trong vòng chưa đầy 10 năm, 10 tổng công ty (công ty mẹ) thuộc Bộ Xây dựng bị kết luận vi phạm về tài chính với tổng số tiền tạm tính lên tới khoảng 5.690 tỷ đồng, từ kê khai thiếu giá trị tài sản đến đầu tư thua lỗ.

tam tinh 10 tong cong ty thuoc bo xay dung vi pham khoang 5 690 ty dong
Ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên tại Hội nghị Đại hội Đảng bộ Tổng công ty VIcem nhiệm kỳ 2020- 2025, tháng 6/2023. (Ảnh: vicem.vn)

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng giai đoạn 2011-2018. Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển 2 vụ việc vi phạm sang Bộ Công an để điều tra.

Theo kết luận thanh tra, trong xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 10 tổng công ty (công ty mẹ) thuộc Bộ Xây dựng có những khuyết điểm, vi phạm về tài chính với tổng số tiền tạm tính khoảng 5.690 tỷ đồng.

Trong đó, các doanh nghiệp: Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Licogi (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội thiếu khoảng 1.879 tỷ đồng.

Cụ thể, Licogi tính thiếu khoảng 348 tỷ đồng tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt; Viwaseen tính thiếu 23,8 tỷ đồng khi chuyển nhượng dự án khu đô thị An Thịnh 6; Vicem khi xác định giá trị doanh nghiệp đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản các mỏ đá vôi, đất sét khoảng 1.507 tỷ đồng.

Trong quá trình xử lý tài chính để cổ phần hóa Vicem, Vicem Hải Phòng, Vicem chưa xử lý, thu nộp khoản chênh lệch 3.011 tỷ đồng giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ.

Việc thoái vốn nhà nước tại các tổng công ty có nhiều công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoạt động không hiệu quả, thường xuyên thua lỗ kéo dài nhưng các tổng công ty không có phương án xử lý triệt để, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Trong đó có các khoản đầu tư của Tổng công ty Xây dựng số 1, Tổng công ty Vicem, Tổng công ty Viglacera lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2019 khoảng 4.817 tỷ đồng.

Một số tổng công ty dù thực hiện thoái vốn nhà nước nhưng vẫn còn các khoản đầu tư ngoài ngành, không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, có nhiều rủi ro thua lỗ với số tiền khoảng 147 tỷ đồng.

“10/16 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý, sử dụng khoảng 1.348.172m2 đất nhưng trong quá trình cổ phần hóa, một số tổng công ty chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tài sản nhà đất; chưa hoàn thành phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đáng chú ý, một số trường hợp xây dựng phương án sử dụng đất không đúng quy hoạch sử dụng đất địa phương”, theo nội dung kết luận thanh tra.

Ngoài ra, nhiều tổng công ty không cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu đất đai theo đề nghị của địa phương. Một số địa phương nhận được văn bản đề nghị của Bộ Xây dựng và các tổng công ty nhưng chưa có văn bản tham gia ý kiến về phương án sử dụng đất, chưa phê duyệt giá đất để xác định giá trị tài sản đất đai phục vụ định giá doanh nghiệp.

Một tổng công ty “bỏ quên” cộng “lỗ lũy kế” 5.904 tỷ đồng

Theo kết luận thanh tra, trong quá trình thanh tra việc xác định giá trị một số tài sản, nhà cửa vật kiến trúc trong giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, một số tài sản được xác định giá trị chưa chính xác, thấp hơn quy định, làm giảm giá trị doanh nghiệp.

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, các công ty con 100% vốn nhà nước thuộc Tổng công ty VICEM đang sử dụng 9 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi, đất sét để sản xuất ximăng, với tổng trữ lượng được khai thác trên 9,5 triệu tấn đá vôi/năm và hơn 1,9 triệu tấn đá sét/năm. Thời gian khai thác còn lại từ 2 – 30 năm tùy từng giấy phép. Dù vậy, đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp – Công ty TNHH kiểm toán AASC, đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ này.

Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ và Bộ Xây dựng, Tổng công ty VIECM đã thuê tư vấn định giá để xác định giá trị lợi thế thương mại về quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ trên. Ngày 1/12/2019, Công ty kiểm toán AASC có chứng thư xác định tổng giá trị thương mại về quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ của 3 đơn vị trên là 1.507 tỷ đồng. Trong đó, VICEM Hoàng Thạch trên 638 tỷ đồng, VICEM Hải Phòng 532,6 tỷ đồng, VICEM Tam Điệp trên 344 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra kết luận việc Công ty kiểm toán AASC, Tổng công ty Vicem không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ với số tiền tạm tính 1.507 tỷ đồng là không đúng với quy định của Chính phủ về xử lý tài chính khi cổ phần hóa. Do đó, cần phải được rà soát lại và ghi nhận vào phần vốn nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty VICEM.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhận định dù việc cổ phần hóa của Tổng công ty VICEM cùng 3 Công ty TNHH MTV VICEM Tam Điệp, VICEM Hải Phòng và VICEM Hoàng Thạch chưa hoàn thành, nhưng qua kiểm tra việc xử lý tài chính để cổ phần hóa cho thấy khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại tổng công ty phải được xử lý là 3.011 tỷ đồng.

Đối với số tiền tạm tính trên 4.500 tỷ đồng tại Tổng công ty Vicem, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chỉ đạo, xử lý, thu nộp về ngân sách đối với khoản tiền chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của Tổng công ty Vicem 2.910 tỷ đồng và xử lý đối với khoản chênh lệch 101 tỷ đồng giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tại Công ty Vicem Hải Phòng.

Tổng công ty Vicem chỉ đạo việc hạch toán với khoản công nợ phải thu của Vicem Tam Điệp gần 12 tỷ đồng. Đồng thời rà soát, xác định đầy đủ, chính xác các khoản giá trị lợi thế thương mại quyền khai thác khoáng sản của Tổng công ty Vicem tại các mỏ còn trong thời hạn khai thác.

Ngoài các khoản chênh lệch, bị “bỏ quên” trên, Vicem còn lỗ lũy kế trên 4.397 tỷ đồng (tính đến hết năm 2019) do chưa xử lý dứt điểm một số khoản đầu tư tài chính dài hạn tại 4 công ty.

Cụ thể, tỷ lệ sở hữu của tổng công ty/vốn điều lệ là 100%, đầu tư vào Vicem Tam Điệp, số lỗ lũy kế lên tới 1.087 tỷ đồng; đầu tư vào Vicem Hải Phòng, số lỗ lũy kế của công ty trên 161 tỷ đồng; Vicem Hạ Long, số lỗ lũy kế 3.435 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư tiếp nhận vốn từ Tổng công ty Sông Đà năm 2016; đầu tư vào xi măng Sông Thao, số lỗ lũy kế trên 380 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư tiếp nhận phần vốn từ Tổng công ty HUD năm 2017.

Chuyển Bộ Cộng an điều tra 2 vụ cổ phần hóa

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tổng công ty tập trung rà soát, xử lý theo quy định đối với vi phạm về tài chính đã nêu trong kết luận thanh tra với tổng số tiền khoảng 5.690 tỷ đồng.

Đồng thời, Thanh tra kiến nghị 9 tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa xử lý số tiền vi phạm khoảng 1.160 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách 753 tỷ đồng, ghi tăng giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp 34 tỷ đồng.

Từ những vi phạm trong cổ phần hóa 2 đơn vị Coma và Viwaseen, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển sang Bộ Công an để điều tra. Trong đó, vụ vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai của Công ty Decoimex (thuộc Coma) tại dự án nhà ở Decoimex mở rộng phường 6, phường 9, TP. Vũng Tàu có dấu hiệu vi phạm Điều 228, 229, Bộ luật Hình sự 2015 về quản lý, sử dụng đất đai. Còn vụ việc vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của Viwaseen tại Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Viwaseen – Huế, có dấu hiệu vi phạm Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015.

Nguyễn Quân