Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước tính lỗ thêm hơn 28.700 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2023. Nếu tính lũy kế năm ngoái, tổng số lỗ dự kiến khoảng 55.000 tỷ đồng (khoảng 2,24 tỷ USD). Tập đoàn này liên tục xin tăng giá để bù đắp việc thua lỗ, Bộ Công thương cũng đề xuất đưa các khoản lỗ của EVN vào công thức tính giá bán lẻ điện bình quân.

Dien luc Viet Nam EVN tap doan dien luc 219677968
Tập đoàn EVN dự kiến lỗ tới 28.700 tỷ đồng chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, cao hơn cả năm 2022. (Ảnh minh họa: Xuanhuongho/Shutterstock)

Trong báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đưa ra trong buổi họp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính trong 8 tháng năm 2023, số lỗ của EVN dự kiến là hơn 28.700 tỷ đồng, báo VTC đưa tin.

Năm 2022, EVN lỗ 26.500 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá.

Tính chung số lỗ năm 2022 và 8 tháng năm 2023, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng (khoảng 2,24 tỷ USD).

EVN cho biết đang cắt giảm chi phí không cần thiết, tuy vậy cũng đề xuất tiếp tục tăng giá bán (đã tăng 1 lần từ ngày 4/5/2023, thêm 3%).

Theo báo cáo từ EVN, năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, tập đoàn không thể trả nợ đúng hạn; các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.

Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay.

Tại Diễn đàn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Tiến sỹ Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Không nên giao cho Tập đoàn EVN làm nhiệm vụ của Nhà nước nữa, để cho doanh nghiệp tự làm, tự cạnh tranh. Đến bây giờ, không có lý gì mà chúng ta không đánh giá được thị trường điện, vấn đề chỉ là e ngại, sợ nhiều quá thôi”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam dẫn lời.

Ông Thiên cho biết tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài nếu giữ cách quản lý như hiện nay.

Bởi vì, khi Nhà nước giữ cơ chế định giá để duy trì giá điện cố định sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu. Nếu duy trì điện giá thấp nghĩa là đang khuyến khích tiêu dùng điện chứ không khuyến khích sản xuất điện.

Gần đây, khi giá điện và giá điện tái tạo được điều chỉnh, lập tức nguồn cung được bổ sung ngay, sản lượng điện tăng lên. Đây là yếu tố góp phần quan trọng thay đổi cán cân nguồn cung điện.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh “không thể can thiệp bằng mệnh lệnh” mà cần để thị trường vận hành.

Nếu EVN lỗ và bù đắp bằng cách tăng giá điện, như vậy tiếp tục lỗ thì tiếp tục tăng giá? Vấn đề sẽ mãi không giải quyết nếu vòng lặp này duy trì, ông Cung nhận định.

Đức Minh