Thị trường chứng khoán Tokyo lần đầu tiên vượt 40.000 điểm vào ngày 4/3, chỉ số giá cổ phiếu Nikkei bình quân tiếp tục tăng, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/3 ở mức 40.109,23 điểm.

chung khoan Tokyo
Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. (Ảnh: SHutterstock)

Thị trường chứng khoán Tokyo lần đầu tiên vượt mốc 40.000 điểm vào ngày 4/3. Theo Kyodo News, ngay sau khi thị trường mở cửa hôm 4/3 thì chỉ số Nikkei đứng ở mức 40.000 điểm và duy trì ở mức đó cho đến khi đóng cửa.

Sau khi thiết lập các mức cao mới “trong ngày” và “đóng cửa” vào ngày 22/2 (lần đầu tiên sau khoảng 34 năm), chỉ số Nikkei không ngừng tăng và hơn một tuần sau đó đã có kỷ lục mới vượt mốc 40.000 điểm.

Chỉ số Nikkei đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/3 cao hơn 198,41 điểm so với thứ Sáu tuần trước, ở mức 40109,23 điểm, tăng 0,50%. Có thời điểm trong phiên hôm đó chỉ số đã tăng hơn 400 điểm, đạt 40314,64 điểm. Cùng thời điểm, chỉ số Topix (TOPIX) giảm 3,14 điểm xuống 2706,28 điểm, giảm 0,12%. Khoảng 1,859 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong ngày.

Theo Nikkei, sức mua chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu liên quan đến chất bán dẫn, như Tokyo Electron và Advantest. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phiếu giảm giá trên thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo lên tới 69%, áp lực bán tương đối lớn. Chiến lược gia trưởng Kenji Abe của Yamato Securities cho biết: “Mặc dù sẽ có áp lực bán chốt lời khi vượt mốc 40.000 yên, nhưng xu hướng tăng sẽ tiếp tục”.

Nikkei cho biết nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Tokyo tăng điểm là do hoạt động kinh doanh tốt của các công ty. Các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo dự kiến ​​sẽ có năm thứ ba liên tiếp đạt lợi nhuận ròng cao kỷ lục. Sau khi Toyota Motor nâng dự báo lợi nhuận cho năm tài chính 2023 kết thúc vào 1/3, giá cổ phiếu của hãng đã đạt mức cao mới kể từ khi niêm yết.

Một trong những lý do thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu Nhật Bản được giới quan sát nhận định là vì tiến bộ trong cải cách quản trị doanh nghiệp ở Nhật Bản. Một điểm nhấn đáng kể như vào tháng 3/2023, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo gây áp lực để cải thiện tình hình đối với các công ty có PBR (tỷ lệ giá trị cổ phiếu trên tài sản ròng) thấp hơn giá trị giải thể (nếu xảy ra), sau đó số công ty cải thiện hiệu quả sử dụng vốn ngày càng tăng.