Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tập đoàn này tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp, vì giá điện không bù đắp được chi phí sản xuất điện.

EVN
Kỹ thuật viên sửa chữa đường điện tại Đà Nẵng bị hỏng trong đợt mưa lũ miền Trung, tháng 11/2023.(Ảnh: Thanhliemnguyen/Shutterstock)

Chi phí sản xuất điện cao do giá nguyên liệu, giá mua điện cao

Sáng 2/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết doanh thu bán điện toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.

Theo ông Tuấn, trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện (do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao) nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.

Đối với các nguyên nhân chính làm tăng chi phí khâu sản xuất điện, ông Tuấn cho biết mặc dù đã giảm so với năm 2022 nhưng giá nhiên liệu năm 2023 vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thủy điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Cùng với đó, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.

Theo Tổng giám đốc EVN, hiện EVN và các Tổng công ty phát điện chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện; còn lại (62,5%) phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Theo đó, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 80% chi phí giá thành, cao gấp đôi các nước, là bất cập trong tiêu thụ điện.

90.997 tỷ đồng đã chi cho xây dựng toàn tập đoàn

Theo báo cáo của EVN tại hội nghị, quy mô hệ thống điện Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt khoảng 80.555MW về tổng công suất nguồn, tăng thêm khoảng 2.800MW so với năm 2022. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664MW, chiếm tỷ trọng 27% toàn hệ thống. Với số liệu trên, Việt Nam đang đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Trong năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56% so với năm trước; điện thương phẩm ước đạt 251,25 tỷ kWh, tăng 3,52%.

Giá trị khối lượng đầu tư xây dựng toàn Tập đoàn năm 2023 ước đạt 90.997 tỷ đồng.

Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN ở mức 6,15%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2022. Chỉ số SAIDI (thời gian mất điện bình quân/khách hàng trong năm) là 242 phút, giảm 25 phút so với năm 2022. Kết quả thực hiện tiết kiệm điện năm 2023 của EVN ước đạt 1.815 triệu kWh.

Đối với năm 2024, EVN cho biết dự báo sản lượng điện thương phẩm năm 2024 tối đa 269,3 tỷ kWh, sẽ chỉ đạo các nhà máy điện chuẩn bị sản xuất điện ngay từ đầu năm 2024, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

EVN cho rằng sẽ chủ động hơn nữa với việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo theo quy luật thị trường, đảm bảo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. không để lãng phí nguồn lực xã hội.

Nguyễn Sơn