Thủ tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Lý Cường đã đến Davos Thụy Sĩ tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái. Việc quan chức Trung Quốc này dẫn đầu một phái đoàn rất đông gồm 140 người, trong đó có 10 quan chức cấp bộ trưởng, đã làm ‘dậy sóng dư luận’.

Embed from Getty Images

Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường vào ngày 16/1 có bài phát biểu trước các nhà đầu tư và chính trị gia toàn cầu ở Davos – Thụy Sĩ. (Ảnh: FABRICE COFFRINI/Getty)

Hội nghị thường niên WEF 2024 được tổ chức tại Davos – Thụy Sĩ từ ngày 15 -19/1, chủ đề của cuộc họp khóa này là “Xây dựng lại niềm tin”. Các chủ đề chính bao gồm: an ninh và hợp tác trong một thế giới bị chia rẽ, tăng trưởng và việc làm cho kỷ nguyên mới, trí tuệ nhân tạo thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, vấn đề khí hậu, chiến lược thiên nhiên và năng lượng.

Theo thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, từ ngày 14 – 17/1 Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tham dự Hội nghị thường niên WEF 2024 và thăm chính thức Thụy Sĩ và Ireland.

Ngày 16/1, ông Lý Cường đã có bài phát biểu trước các nhà đầu tư và chính trị gia toàn cầu ở Davos, phát biểu tập trung vào chủ đề của cuộc họp thường niên năm nay là “Xây dựng lại niềm tin” đưa ra 5 đề xuất. Ông cũng đặc biệt đề cập đến mối quan ngại của tất cả các bên xung quanh tình hình kinh tế Trung Quốc, giải thích và đưa ra các cam kết về tình hình hiện tại, tiềm năng và triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.

Phát biểu có đoạn: “Tôi biết rằng mọi người ở đây đều rất quan tâm đến nền kinh tế Trung Quốc, cũng có những quan điểm khác nhau về nền kinh tế Trung Quốc…”. Ông Lý Cường dùng ngay thị trấn Davos của Thụy Sĩ nơi tổ chức diễn đàn làm ví dụ: “Tôi nghĩ (cách nhìn nhận nền kinh tế Trung Quốc) có điểm chung với việc nhìn dãy Alps từ thị trấn nhỏ Davos nơi chúng ta đang hiện diện tại đây”.

Nhận xét của ông Lý Cường được đưa ra trong bối cảnh các giám đốc điều hành ở nước ngoài bắt đầu lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc – có thể nói đây là lần đầu tiên chứng kiến tình trạng này kể từ khi ĐCSTQ mở cửa đón đầu tư nước ngoài. Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh đang vật lộn với sự phục hồi chậm chạp sau dịch bệnh và thị trường bất động sản trì trệ.

Trong một nhận định từ Reuters của Anh hôm 16/1 cho hay, thủ tướng thường chịu trách nhiệm giám sát nền kinh tế, nhưng những năm gần đây Tổng Bí thư Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát khiến nền kinh tế theo hướng toàn trị. Tháng 10 năm ngoái khi ông Tập công bố đội hình lãnh đạo toàn những người trung thành, thì ông Lý Cường được biết đến là nhân vật số 2 của nhà cầm quyền.

Các đề xuất trước đây của ông Lý về việc tuyên bố Trung Quốc mở cửa kinh doanh đã vấp phải sự hoài nghi khi các cơ quan thương mại cho biết, do ĐCSTQ thúc đẩy mạnh hơn việc triển khai luật phản gián làm nhiều công ty tư vấn bị tấn công cũng như doanh nhân bị cấm xuất cảnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc từ lâu đã quan ngại về tình hình địa chính trị, các quy định chặt chẽ hơn và môi trường cạnh tranh mà có lợi hơn cho các doanh nghiệp nhà nước. Quý 3 năm ngoái là lần đầu tiên Trung Quốc thâm hụt đầu tư trực tiếp nước ngoài kể từ năm 1998 khi ĐCSTQ bắt đầu ghi hồ sơ về dữ liệu đầu tư.

Việc ông Lý Cường dẫn đầu một phái đoàn lớn của chính phủ tham dự WEF đã trở thành một trong những điểm nhấn gây chú ý. Vị thủ tướng này cũng là quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ tiếp xúc với giới tinh hoa chính trị và kinh doanh toàn cầu ở Davos – Thụy Sĩ kể từ chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại đây vào năm 2017.

Theo một tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, phái đoàn Trung Quốc dự kiến sẽ bao gồm “10 quan chức cấp bộ trưởng”. Vì có số lượng người tham gia đông đảo nên Đại sứ Scott Miller của Mỹ tại Thụy Sĩ đã mô tả chuyến đi này giống như “chuyến thăm cấp nhà nước”.

Theo Đài VOA Mỹ hôm 16/1, ông Ian Bremmer – Chủ tịch hãng tư vấn rủi ro chính trị lớn nhất thế giới là Eurasia Group và Gzero Media – cho rằng câu chuyện lớn nhất ở Davos là nhóm đại diện khổng lồ của Trung Quốc gồm 140 người, trong đó có 10 bộ trưởng đều có trình độ kinh tế.

Những nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc cho thấy một số nhân vật tiêu biểu trong phái đoàn như: Chu Dân (Zhu Min) – Phó chủ tịch Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc và cựu phó chủ tịch IMF, Trương Hiểu Yên (Zhang Xiaoyan) – Phó Viện trưởng Việ Tài chính PBC thuộc Đại học Thanh Hoa, Hồ Tổ Lục (Hu Zuliu) – người sáng lập Primavera Capital, và Tôn Khiết (Sun Jie) – Giám đốc điều hành của Ctrip Group, Cố Thiếu Khiêm (Jia Shaoqian) – Chủ tịch Tập đoàn Hisense, Tằng Dục Quần (Zeng Yuqun) – Chủ tịch CATL…

Chuyên gia kinh tế Bremmer cho biết, phía Trung Quốc muốn nói chuyện trực tiếp với một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài – những người tin rằng Trung Quốc kém phù hợp để đầu tư hơn là đầu tư vào Ấn Độ, Việt Nam và Mexico.

Một bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của ĐCSTQ cho biết, Diễn đàn Davos là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo Trung Quốc làm rõ các khái niệm phát triển của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế.

Sau khi Lý Cường hội đàm với Chủ tịch Liên đoàn Thụy Sĩ Viola Amherd tại Bern vào ngày 15/1, ông tuyên bố hai nước sẽ bắt đầu đàm phán để nâng cấp hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ đơn phương miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thụy Sĩ, đồng thời chia sẻ rằng Thụy Sĩ đã đồng ý đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân và nhà đầu tư Trung Quốc.

Diễn đàn Davos cho biết trong một báo cáo rằng do mức tiêu dùng yếu, sản xuất công nghiệp sụt giảm và thị trường bất động sản gặp khó khăn khiến triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2024 không lạc quan.

Ông Lý Cường dự kiến tổ chức một hội nghị chuyên đề vào ngày 17/1 nhằm thảo luận về cách phục hồi nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nước này đối diện bối cảnh tiêu cực bao gồm dân số già, năng suất giảm và những thách thức lớn mà khu vực tư nhân phải đối mặt.

Mệnh lệnh ca ngợi tương lai tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc

Vào tháng trước, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đưa ra một yêu cầu chưa từng có tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, đó là yêu cầu phải “không ngừng tuyên truyền quảng bá nhấn mạnh tình hình tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc”.

Việc ông Lý Cường thúc đẩy kinh tế Trung Quốc như thế nào tại Diễn đàn Davos cũng trở thành tâm điểm của dư luận.

Chuyến thăm Diễn đàn Davos của ông Lý Cường trùng với thời điểm Cục Thống kê Quốc gia ĐCSTQ công bố dữ liệu kinh tế Trung Quốc năm 2023. Công bố đưa ra cho thấy bối cảnh khủng hoảng bất động sản, tiêu dùng trì trệ và bất ổn, phân tích kinh tế dự đoán tăng trưởng năm 2023 sẽ là năm hoạt động kinh tế yếu nhất trong 30 năm.

10 chuyên gia được AFP phỏng vấn dự tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2023 tăng trung bình 5,2%, nếu trừ những năm hoạt động kinh tế của Trung Quốc bị gián đoạn vì dịch bệnh thì đây sẽ là năm tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990 (3,9%).

Một năm sau khi các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm 2023 ở mức “khoảng 5%”. Việc trở lại cuộc sống bình thường ban đầu đã thúc đẩy sự phục hồi vào đầu năm ngoái, nhưng xu thế phục hồi đã nhanh chóng bị mất dần, niềm tin của các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp xuống thấp gây bất lợi cho tiêu dùng.

Cuộc khủng hoảng bất động sản chưa từng có, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp kỷ lục và nhu cầu bên ngoài chậm lại cũng đang cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, vào năm ngoái sau khi có dữ liệu mức cao kỷ lục hơn 1/5 số thanh niên thất nghiệp từ 16 – 24 tuổi, sau đó cơ quan chức năng ĐCSTQ đã ngừng công bố số liệu vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Lưu Tinh (Liu Jing) của HSBC nói với AFP: “Trở ngại chính cho sự phục hồi là bất động sản, một ngành từ lâu đã chiếm 1/4 GDP của Trung Quốc. Ngành bất động sản Trung Quốc đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong 20 năm qua, nhưng cuộc khủng hoảng nợ nần của các tập đoàn biểu tượng (Evergrande, Country Garden…) trong bối cảnh những ngôi nhà chưa hoàn thiện và giá nhà đất giảm đã khiến cuộc khủng hoảng ngành này trở nên trầm trọng hơn.”

Chuyên gia kinh tế Harry Murphy Cruise tại cơ quan xếp hạng Moody’s dự đoán: “Đầu tư bất động sản, giá nhà và doanh số bán nhà mới [tại Trung Quốc] dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024”.

Các lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn, đặc biệt là công nghiệp sản xuất chế tạo, cho thấy nhu cầu yếu cả trong và ngoài nước.

Xuất khẩu của Trung Quốc luôn là động lực tăng trưởng nhưng năm ngoái đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016, theo dữ liệu do Hải quan Trung Quốc công bố ngày 12/1. Ở một mức độ nào đó cho thấy tình hình suy thoái càng trở nên trầm trọng hơn, do căng thẳng địa chính trị với Mỹ và do một số nước phương Tây giảm phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Giám đốc IMF: Trung Quốc cần cải cách cơ cấu

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/1 tại WEF ở Davos Thụy Sĩ của Kênh CNBC, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là Kristalina Georgieva cho biết Trung Quốc cần cải cách mang tính cơ cấu mới có thể mang lại hy vọng rõ ràng về suy giảm tốc độ tăng trưởng.

Bà cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức cả về ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn liên quan những vấn đề cấp thiết là thực trạng ngành bất động sản và mức nợ của chính quyền địa phương rất cao. Về dài hạn là việc cải thiện liên quan tình hình dân số và niềm tin kinh doanh.

Georgieva cho biết: “Từ gốc rễ, điều Trung Quốc cần là cải cách cơ cấu để tiếp tục mở cửa nền kinh tế và cân bằng mô hình tăng trưởng để hướng tới tiêu dùng nội địa hơn, nghĩa là tạo cho người dân niềm tin hơn để (họ) không chỉ tập trung tiết kiệm mà sẵn sàng tiêu dùng hơn”.

Bà nói thêm: “Tất cả những điều này sẽ giúp Trung Quốc đối phó với dự báo của chúng tôi về mức tăng trưởng giảm mạnh xuống dưới 4% nếu không có cải cách”.

Tuy nhiên, IMF cho biết vẫn dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2024 chậm lại ở mức 4,6%, đồng thời cảnh báo ngành bất động sản Trung Quốc sẽ tiếp tục không thoát khỏi khó khăn.

Bà Georgieva là một trong nhiều nhân vật kinh tế cấp cao tham dự cuộc họp WEF năm nay, chương trình nghị sự sẽ tiếp tục với những vấn đề căng thẳng địa chính trị, sự chia rẽ toàn cầu và các vấn đề như lạm phát và tăng trưởng kinh tế…