Hải quan Việt Nam cho biết tính đến ngày 15/11, tổng giá trị xuất – nhập khẩu của nước này đạt gần 644,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thặng dư thương mại ước tính khoảng 8,6 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp vốn nước ngoài chiếm tới gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

thu phi cang bien TP.HCM phi cang bien phi ha tang cang bien TP.HCM cang bien TP.HCM 1
Doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng gần 70% tổng giá trị xuất nhập khẩu, còn lại là doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: Xuanhuongho/Shutterstock)

Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/11, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 326,6 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 42,2 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng giá trị quốc gia này nhập khẩu về là khoảng 318 tỷ USD, tăng 11,4% (tương đương 32,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Do đó, cán cân thương mại ước tính dư khoảng 8,6 tỷ USD tính từ đầu năm. Riêng 2 tuần đầu tháng 11 (ngày 1/11 đến ngày 15/11), cán cân thâm hụt là 1,15 tỷ USD.

Về tỷ trọng, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tới gần 70%, tương ứng xuất nhập khẩu đạt 448,5 tỷ USD, tăng tới 53,5 tỷ USD (+13,6%) so với cùng kỳ.

Còn lại doanh nghiệp trong nước đạt 196,1 tỷ USD (+12%), chiếm 30% tổng kim ngạch.

Đối với xuất khẩu, mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng cao nhất với 52,7 tỷ USD, xếp thứ hai là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 48,3 tỷ USD.

Hàng dệt may chiếm vị trí thứ 4 với 33,1 tỷ USD; giày dép đứng thứ 5 với 21 tỷ USD.

Về nhập khẩu, một số nhóm hàng tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 9,05 tỷ USD, tương ứng tăng 14,1% so với cùng kỳ 2021.

Xăng dầu các loại nhập khẩu tăng 4,25 tỷ USD, tương ứng tăng 121,6%; than các loại tăng 2,77 tỷ USD, tương ứng tăng 75,4%… so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành hàng là thế mạnh của Việt Nam như: Gạo, Thủy sản, Gỗ,… cũng thuận lợi xuất khẩu do nhu cầu thế giới tăng trong những tháng đầu năm 2022, giai đoạn các nước mở cửa trở lại.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, nếu sản lượng xuất khẩu gạo đạt trên 400.000 tấn mỗi tháng trong 2 tháng còn lại của năm 2022, tổng sản lượng xuất khẩu gạo dự kiến đạt mức khoảng 6,8 – 7 triệu tấn.

Bên cạnh đó, ngày 26/11, tại hội thảo của Ngành thủy sản 2023, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết trong 10 tháng qua, thị trường xuất khẩu thủy sản chủ yếu của Việt Nam là EU, Mỹ và Trung Quốc (cả ba chiếm 50%).

Tính trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,4 – 9,5 tỷ USD.

Theo tốc độ này, dự kiến ngành thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD vào cuối tháng 11 và lần đầu đạt 11 tỷ USD trong cả năm 2022.

Về cơ cấu, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD cả năm, cá tra đạt 2 – 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, cá ngừ cũng có thể xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, nhóm hải sản ước tính đạt 3,2 tỷ USD.

Đức Minh